Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quyết định 2254/QĐ-BYT ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ công cụ Phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em.

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 21/05/2021

Theo đó, Bộ Công cụ Phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em ban hành kèm theo Quyết định 2254/QĐ-BYT được áp dụng tại gia đình, cộng đồng, cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân có triển khai thực hiện Phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em trên toàn quốc.

Quyết định đã quy định quy trình phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em gồm 03 (ba) bước. Đối với từng bước trong quy trình phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em đều quy định 07 nội dung bao gồm: (1) Mục đích; (2) Đối tượng; (3) Công cụ; (4) Nội dung công việc; (5) Người thực hiện; (6) Nơi thực hiện; (7) Nhận định và kế hoạch. Trong đó:

Bước 1: Nhận biết trẻ có rối loạn phát triển và các dấu hiệu cảnh báo rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em tại gia đình, trường mầm non hoặc cơ sở y tế đối với tất cả trẻ em từ 0-72 tháng tuổi. Mục đích của bước  nhằm phát hiện sớm những rối loạn phát triển và các khuyết tật (thể chất và tâm thần) của trẻ và phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Nếu sau khi thăm khám, đánh giá (sơ bộ) sự phát triển của trẻ, nếu trẻ phát triển không phù hợp với lứa tuổi hoặc có “dấu hiệu cảnh báo” rối loạn phổ tự kỷ sẽ gửi trẻ đến khám bác sĩ phục hồi chức năng Nhi và bác sĩ Tâm thần Nhi khoa ở tuyến tỉnh và trung ương để thực hiện bước 2.

Bước 2: Sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em tại cơ sở y tế tại cơ sở y tế đối với tất cả trẻ em trong cộng đồng, ưu tiên những trẻ đã sàng lọc từ bước 1. Mục đích của bước này nhằm phát hiện sớm những trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trường hợp trẻ có ≥ 8 dấu hiệu nguy cơ trong bảng kiểm MCHAT- R hoặc có tổng điểm STAT > 2 thì chuyển bước 3.

Bước 3: Chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Trong bước 3 được chia làm ba bước nhỏ như sau:

3.1. Chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác tại bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên. Mục đích của bước 3.1 nhằm phát hiện các nguyên nhân rối loạn phát triển và khiếm khuyết tinh thần, rối loạn ngôn ngữ không phải do rối loạn phổ tự kỷ. Nếu có các bệnh lý khác thì theo dõi và có các can thiệp phù hợp theo dạng bệnh.

3.2. Chẩn đoán xác định rối loạn phổ tự kỷ tại bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên. Mục đích của bước 3.2 nhằm chẩn đoán xác định trẻ có mắc rối loạn phổ tự kỷ không? Nếu không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán thì theo dõi tiếp và đánh giá lại. Nếu đủ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ sẽ chuyển sang bước 3.3.

3.3. Đánh giá mức độ rối loạn phổ tự kỷ được thực hiện bởi các bác sĩ Tâm thần Nhi, bác sĩ phục hồi chức năng nhi, hoặc bác sĩ có chứng chỉ đào tạo về rối loạn phổ tự kỷ. Mục đích của bước 3.3 nhằm đánh giá mức độ rối loạn phổ tự kỷ và mức độ chậm phát triển để có kế hoạch can thiệp phù hợp.

Sau khi xác định mức độ rối loạn phổ tự kỷ, quyết định nơi can thiệp (điều trị). Nếu rối loạn phổ tự kỷ mức độ nhẹ và trung bình có thể điều trị tại tuyến tỉnh, sau khi thuyên giảm sẽ chuyển về cộng đồng quản lý và can thiệp theo mô hình phù hợp tại địa phương. Nếu rối loạn phổ tự kỷ nặng cần điều trị tại tuyến Trung ương, sau khi thuyên giảm có thể chuyển về tuyến tỉnh hoặc về cộng đồng quản lý và can thiệp theo mô hình phù hợp tại địa phương.

Quyết định 2254/QĐ-BYT có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 5 năm 2021.

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-2254-QD-BYT-2021-Bo-Cong-cu-Phat-hien-som-roi-loan-pho-tu-ky-o-tre-em-473416.aspx