Ngày 27 tháng 03 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”. Nội dung Đề án bao gồm những điểm quan trọng chủ yếu sau đây:
* Mục tiêu của Đề án:
Mục tiêu tổng quát của Đề án này nhằm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát này, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn năm 2021, năm 2022, giai đoạn năm 2023 – 2025. Một số mục tiêu quan trọng được đặt ra trong từng giai đoạn này như sau:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính vào năm 2021.
- Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh: Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư và đăng ký doanh nghiệp vào năm 2021; dữ liệu về bảo hiểm xã hội và đất đai vào năm 2022; và, các dữ liệu còn lại, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong giai đoạn năm 2023 – 2025.
- Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tối thiểu tương ứng 40%, 30%, 20%, 15% vào năm 2021. Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, tăng tối thiểu 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã vào năm 2022. Trong giai đoạn năm 2023 - 2025, tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100%.
- Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công vào năm 2021. Đến năm 2022 tổ chức triển khai tại 50% Bộ phận Một cửa cấp huyện và 30% Bộ phận Một cửa cấp xã. Giai đoạn năm 2023 - 2025, tổ chức triển khai tại các Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
- Hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương vào năm 2022.
- Tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu vào năm 2022. Tỷ lệ này đạt 80% trong giai đoạn năm 2023-2025.
- Về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính:
+ Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/01 lần đến giao dịch vào năm 2022. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/01 hồ sơ vào năm 2025.
+ Tăng năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong giai đoạn 2023-2025 thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cụ thể: Năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của 01 nhân sự trực tại Bộ phận Một cửa trong 01 năm lên mức tối thiểu: tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 2.000 hồ sơ; địa phương: Thành phố trực thuộc trung ương là 1.800 hồ sơ; tỉnh, thành phố khác 1.600; vùng nông thôn 1.200 hồ sơ; vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn 800 hồ sơ (trừ trường hợp tổng số hồ sơ tiếp nhận trong năm/01 Bộ phận Một cửa ít hơn chỉ tiêu trên).
+ Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong giai đoạn năm 2023-2025 tối thiểu đạt 50% số với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra một số mục tiêu mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.
* Nội dung đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính:
Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính bao gồm 05 nội dung chính sau đây: (1) Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; (2) Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; (3) Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; (4) Nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa; (5) Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.
Trong đó, tại nội dung số 4 - “Nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa các cấp phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn, trong đó cần nghiên cứu, tổ chức triển khai các ki ốt thông minh tại Bộ phận Một cửa để tư vấn, hướng dẫn kê khai, chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính tự động mà không cần phải có sự hỗ trợ, tiếp nhận trực tiếp của cán bộ một cửa; tổ chức các quầy tiếp nhận hồ sơ cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật,...
* Giải pháp thực hiện:
Để đạt được mục tiêu và thực hiện những nội dung trên, Đề án đã đề ra 03 nhóm giải pháp thực hiện bao gồm: (1) Hoàn thiện thể chế; (2) Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin; (3) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Về hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo trình tự, thủ tục rút gọn (hoàn thành trong quý III năm 2021) và sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2018/TT-VPCP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (hoàn thành trong quý IV năm 2021). Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm tính phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, để thực hiện các giải pháp được đề ra, Đề án cũng đã xác định trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Văn phòng Chính phủ; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ban Cơ yếu Chính phủ.
Quyết định số 468/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (27/03/2021).
Vui lòng theo dõi chi tiết tại link: