Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội

  • Thực hiện: Ths.LS. Lê Hải Yến
  • 18/03/2021

Ngày 12 tháng 11 năm 2020, Bộ Lao động Thương binh xã hội ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động chưa thành niên.

Về đối tượng áp dụng  (Điều 2). Ba đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này là:

- Người sử dụng lao động.

- Người lao động chưa thành niên.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Thông tư này.

Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH  quy định rõ một số điều kiện (bắt buộc) đối với người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động dưới 15 tuổi làm việc ( Điều 3). Theo đó,người sử dụng lao động phải tuân thủ Điều 145 của Bộ luật Lao động khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, với các quy định cụ thể sau:

- Giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó theo quy định tại  Thông tư;

- Bố trí thời giờ làm việc và các đợt nghỉ giải lao của người chưa đủ 15 tuổi theo quy định của pháp luật( tại khoản 1 Điều 146  và khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Lao động).

 Nếu Người chưa đủ 15 tuổi vừa làm việc vừa học tập hoặc có nhu cầu học tập thì việc bố trí thời giờ làm việc phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi.

- Tuân thủ quy định về khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động quy định ( tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Lao động và Luật An toàn, vệ sinh lao động)

- Chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm công việc nhẹ khi công việc đó đáp ứng các điều kiện sau:

  +  Là công việc có trong danh mục quy định.

   +  Nơi làm việc không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Lao động và khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

- Không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Thông tư cũng hướng dẫn hồ sơ, thủ tục giao kết hợp đồng sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc (Điều 4).

Riêng việc sử dụng lao động dưới 13 tuổi làm việc, thì giao kết hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được sự đồng ý bằng văn bản của  Sở lao động thương binh xã hội, tại:

  - Nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ... trong trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã.

-  Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của hộ gia đình, cá nhân, trong trường hợp người sử dụng lao động là hộ gia đình hoặc cá nhân.

Thông tư này cũng quy định rõ hồ sơ, trình tự thủ tục đề nghị việc sử dụng lao động dưới 13 tuổi làm việc (Điều 6 và 7).

Về danh mục nghề, công việc, nơi làm việc áp dụng đối với lao động chưa thành niên.04 danh mục công việc được ban hành kèm theo Thông tư này, gồm:

-Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm (Phụ lục II).

-Danh mục công việc, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên (hai danh mục tại Phụ lục III và IV).

-Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm (Phụ lục V).

     Theo đó, một số công việc nhẹ mà người 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm tại Phụ lục II của Thông tư này gồm những công việc như: Biểu diễn nghệ thuật.Vận động viên thể thao.Lập trình phần mềm.Các nghề truyền thống( chấm men gốm; cưa vỏ trai; làm giấy dó; làm nón lá; chấm nón; dệt chiếu; ... ); Các nghề thủ công mỹ nghệ (thêu ren; mộc mỹ nghệ; làm lược sừng; làm tranh dân gian, nặn tò he; ...); Làm cỏ vườn rau sạch; thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa; Chăn thả gia súc tại nông trại...

   Phụ Lục III  ban hành danh mục những công việc ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của lao động vị thành niên theo điểm h, khoản 1, Điều 147 Bộ Luật Lao động gồm 69 loại công việc khác nhau, gồm một loạt công việc liên quan đến khai thác khoáng sản, luyện kim; các công việc tiếp xúc với hóa chất dễ gây biến đổi gien, ung thư,.. Công việc phải mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng lao động chưa thành niên;...

 Tại Phụ Lục IV ban hành danh mục những công việc ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của lao động vị thành niên theo điểm đ, khoản 2, Điều 147 Bộ Luật Lao động.Gồm những việc như: Tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có trong môi trường lao động nằm ngoài giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động, bao gồm: điện từ trường, rung, ồn, nhiệt độ, bụi silic, bụi không chứa silic, bụi bông; Thời gian làm việc trên 04 giờ/ngày trong không gian làm việc gò bó, chật hẹp, công việc có khi phải quỳ gối, nằm, cúi khom; Trên giá cao hay dây treo cao hơn 2 m so với mặt sàn làm việc; địa hình đồi núi dốc trên 300 ; Các công việc ở trong hố sâu hơn 5m;vv

Phụ lục V chứa đựng Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Bao gồm:

  1. Tổng cộng 21 công việc có thể làm thêm giờ, như: Biểu diễn nghệ thuật.Vận động viên thể thao. Viết văn, viết báo; Lập trình phần mềm; Đưa tin, thư bưu phẩm, bưu kiện; đóng gói bưu phẩm; bán hàng trực tuyến; Đánh giày; chế biến, bán hàng thực phẩm trên hè phố;Công việc trong nhà hàng, quán ăn, quán cà phê;Sơ chế nông sản;thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa; Nuôi gia súc;...
  2. Nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm ban đêm: gồm 02 loại công việc là Biểu diễn nghệ thuật; Vận động viên thể thao.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2021.

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại: https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/thong-tu-09-2020-tt-bldtbxh-huong-dan-bo-luat-lao-dong-ve-lao-dong-chua-thanh-nien-466418.aspx