Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quyết định 403/QĐ-BYT ngày 20 tháng 01 năm 2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 do Bộ Y tế ban hành

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 25/02/2021

Theo đó, kế hoạch hành động được thực hiện từ 2021 đến 2030 và chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025

- Giai đoạn 2 từ 2026 đến 2030

Với các nhiệm vụ, giải pháp và các hoạt động chủ yếu như:

Nhiệm vụ 1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa những thách thức của già hóa dân số với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Vận động cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư kinh phí; huy động mọi nguồn lực phù hợp với điều kiện của địa phương để tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình.

- Đẩy mạnh truyền thông giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và tham gia thực hiện các mục tiêu của Chương trình

Nhiệm vụ 2. Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi

- Nâng cao năng lực cho các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới

- Nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã trong thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng.

- Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo.

- Xây dựng mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày.

- Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi.

- Xây dựng và phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia các hoạt động theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho người cao tuổi

- Xây dựng, triển khai mô hình xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi

- Xây dựng triển khai mô hình Trung tâm (Viện) dưỡng lão theo hình thức phù hợp, tiến tới xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

-  Xây dựng, triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, internet...)

Nhiệm vụ 3. Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các tuyến: Bệnh viện Lão khoa Trung ương: các bệnh viện trừ bệnh viện chuyên khoa nhi; Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế cấp xã; cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở.

- Đưa nội dung lão khoa vào chương trình đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học trong hệ thống các trường y trên cả nước

Nhiệm vụ 4. Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Xây dựng hệ thống: chi báo thống kê, giám sát; thông tin, cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Nhiệm vụ 5. Nghiên cứu, hợp tác quốc tế

- Triển khai nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng phục vụ hoạch định chính sách, biện pháp thực hiện các mục tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ y - sinh học tiên tiến về phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề ưu tiên; chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ: tăng cường liên doanh, liên kết; vận động các nguồn vốn quốc tế để thực hiện nhanh, hiệu quả các mục tiêu của Chương trình.

Nhiệm vụ 6. Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình

- Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi về từng bước tăng mức đầu tư. Bố trí các chương trình, dự án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào chương trình, dự án đầu tư công. Nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành quỹ dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già.

- Huy động nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình

Tổng ngân sách của Bộ Y tế dự kiến giai đoạn 2021-2030: 1.518.354 triệu đồng

- Kinh phí dự kiến giai đoạn 2021 -2025: 660.154 triệu đồng.

Đến năm 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2025, cơ quan Chủ trì thực hiện Chương trình sẽ xây dựng kế hoạch và ngân sách phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Để triển khai hiệu quả Chương trình, Bộ Y tế phân công các cơ quan: Tổng cục Dân Số-Kế hoạch hóa gia đình; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo; Vụ Hợp tác quốc tế; Các cơ quan khác trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ cụ thể của mình.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Trong quá trình quản lý thực hiện, ngoài việc tuân thủ Quyết định này, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện theo các quy định hiện hành. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo Bộ Y tế (Tổng cục Dân số) xử lý kịp thời.

Quyết định 403/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 20/01/2021.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/the-thao-y-te/Quyet-dinh-403-QD-BYT-2021-thuc-hien-Chuong-trinh-Cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-den-2030-463055.aspx