Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quyết định 5609/QĐ-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 về ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 19/01/2021

Theo đó, quy trình giám định pháp y này được áp dụng tại các tổ chức và cá nhân thực hiện giám định pháp y trên toàn quốc, đối tượng giám định là trẻ em (người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em năm 2016) bao gồm cả nam và nữ. Trong đó, xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục (Phụ lục 1) và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập (Phụ lục 2). Cụ thể như sau:

PHỤ LỤC 1

 QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH PHÁP Y ĐỐI VỚI TRẺ EM BỊ HOẶC NGHI NGỜ BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC

Quy trình giám đinh pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục bao gồm 03 giai đoạn chính:

- Giai đoạn 1: Tiếp nhận hồ sơ, phân công giám định (bao gồm 02 bước: Tiếp nhận trưng cầu/yêu cầu, hồ sơ, đối tượng giám định).

- Giai đoạn 2: Các bước khám giám định (bao gồm 11 bước: Làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu; Tiếp xúc người được giám định, gia đình, người giám hộ; Khám tổng quát; Khám bộ phận sinh dục; Khám hậu môn, trực tràng; Khám miệng, hầu họng; Khám các bộ phận khác trên cơ thể; Khám chuyên khoa và các xét nghiệm cần thiết; Nghiên cứu vật chứng hoặc thực nghiệm (nếu có); Bàn giao đối tượng giám định; Tổng hợp, đánh giá kết quả).

- Giai đoạn 3: Hoàn thành trả kết quả giám định (bao gồm 03 bước: Hoàn thành và ký kết luận giám định; Trả kết luận giám định; Lưu hồ sơ giám định).

Nội dung cụ thể của từng bước ở từng giai đoạn được quy định chi tiết trong Quyết định, trong đó có một số điểm quan trọng như sau:

* Khi tiếp xúc trẻ cần giám định và gia đình hoặc người giám hộ:

- Người giúp việc cho giám định viên kiểm tra giấy tờ tùy thân của trẻ, người giám hộ (giấy khai sinh, chứng minh thư/căn cước công dân, hộ chiếu, ...);

- Người giúp việc cho giám định viên kiểm tra đối chiếu nhân thân trẻ được giám định với hồ sơ giám định;

Giám định viên giải thích cho trẻ và gia đình hoặc người giám hộ (nếu có) về quy trình khám trước khi tiến hành giám định. Đề nghị trẻ và gia đình hoặc người giám hộ (nếu có) phối hợp trong quá trình giám định;

- Trường hợp trẻ được giám định trong tình trạng cần cấp cứu thì giám định viên báo cáo lãnh đạo đơn vị và thông báo cho cơ quan trưng cầu đưa trẻ đi cấp cứu, đồng thời phối hợp giám định tại cơ sở y tế.

* Bước khám tổng quát cần lưu ý:

- Giám định viên ghi lời trình bày của trẻ được giám định, quan sát hành vi, thái độ của trẻ khi nhắc đến bố mẹ hoặc người thân. Giám định viên hỏi các câu hỏi dễ hiểu, tránh gây cho trẻ xúc động gợi lại ký ức bị ngược đãi, hành hạ; không hỏi lặp đi lặp lại một câu hỏi.

+ Nếu là trẻ em dưới 15 tuổi hỏi thêm người giám hộ về tình hình sự việc.

+ Nếu là trẻ nói tiếng dân tộc hoặc trẻ là người nước ngoài hoặc trẻ khuyết tật về nghe nói thì yêu cầu cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định phải cử người phiên dịch đi cùng để phiên dịch.

* Trong bước khám bộ phận sinh dục thì được quy định khám bộ phận sinh dục đối với trẻ em nữ và trẻ em nam riêng biệt, theo đó:

- Đối với trẻ em nữ:

+ Trẻ nằm tư thế sản khoa trên bàn khám (hoặc tư thế chân ếch nằm sấp);

+ Khám tầng sinh môn, gò mu, lông, quan sát tìm kiếm các vết thâm tím, vết xước, trầy da, rách da hoặc dấu vết lạ;

+ Khám âm hộ; Khám màng trinh; Khám âm đạo; Khám vú.

- Đối với trẻ nam:

+ Trẻ nằm trên giường, bàn khám, tư thế sản khoa;

+ Khám tầng sinh môn, gò mu, lông, quan sát, tìm kiếm dấu vết lạ;

+ Khám dương vật: xác định thương tích (nếu có);

+ Khám bìu: ghi nhận tình trạng bìu, tinh hoàn.

* Tùy từng trường hợp giám định viên ra chỉ định khám chuyên khoa và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định đưa trẻ đi khám và lấy kết quả giao cho cơ quan giám định:

- Khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt,… (nếu cần).

- Siêu âm ổ bụng tổng quát; siêu âm buồng trứng, tử cung đối với nữ; siêu âm bìu đối với nam (trong trường hợp nghi ngờ có chấn thương hoặc kiểm tra sự có thai).

- Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác trong một số trường hợp nghi ngờ các tổn thương bộ phận kèm theo: nghi ngờ gẫy xương và sang chấn ổ bụng, vv.

- Test HCG đánh giá có thai.

- Xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy, các chất kích thích: mẫu máu hoặc nước tiểu có thể được thu thập để làm các xét nghiệm độc tố (để xem người bị hại có ép dùng ma tuý hay thuốc khác không).

- Xét nghiệm HIV, vi khuẩn lậu, giang mai, Chlamydia và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Xét nghiệm tinh trùng từ dịch trong âm đạo, trong nước súc miệng, trong phết hầu họng.

- Xét nghiệm ADN trên các mẫu vật thu được từ cơ thể của người bị hại hoặc tại địa điểm nơi xảy ra vụ việc (nếu cơ quan trưng cầu cung cấp).

- Xét nghiệm tìm tế bào niêm mạc âm đạo trên phết rãnh quy đầu (nếu là trẻ nam).

- Xét nghiệm mẫu lông, tóc thu được trên cơ thể trẻ: Các mẩu tóc/lông lạ có thể được tìm thấy trên quần áo hoặc cơ thể của trẻ. Có thể lấy mẫu tóc hoặc lông mu của trẻ để so sánh.

- Tiến hành hội chẩn trong trường hợp khó (nếu xét thấy cần thiết).

* Trả kết luận giám định:  Quá trình giám định trong trường hợp không phải làm xét nghiệm cận lâm sàng phải trả kết luận giám định trong vòng 03 ngày từ khi đủ hồ sơ và tiếp nhận giám định. Trường hợp phải hội chẩn hoặc làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì trả kết luận giám định trong vòng 09 ngày kể từ ngày giám định trừ trường hợp phát sinh tình tiết mới.

PHỤ LỤC 2

QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH PHÁP Y ĐỐI VỚI TRẺ EM BỊ HÀNH HẠ, NGƯỢC ĐÃI, ĐÁNH ĐẬP

Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập quy định tương tự như Quy trình giám định pháp đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục, cụ thể các bước như sau:

Bước 1: Tiếp nhận quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu, hồ sơ và đối tượng giám định

- Người được giao nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận và lập biên bản giao nhận: quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu, hồ sơ giám định và đối tượng giám định; Hồ sơ do cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp qua bưu điện.

Bước 2: Phân công cán bộ chuyên môn

- Lãnh đạo đơn vị phân công giám định viên pháp y, người giúp việc cho giám định viên pháp y tiếp nhận giám định (ghi rõ họ tên, ngày tháng phân công).

Bước 3: Làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định

- Tiếp nhận trẻ em cần giám định từ cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định.

Bước 4: Tiếp xúc trẻ cần giám định và gia đình hoặc người giám hộ

- Người giúp việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của trẻ, người giám hộ (giấy khai sinh, chứng minh thư/căn cước công dân, hộ chiếu, ...).

- Người giúp việc kiểm tra đối chiếu nhân thân trẻ được giám định với hồ sơ giám định.

- Giám định viên giải thích cho trẻ và gia đình hoặc người giám hộ (nếu có) về quy trình khám trước khi tiến hành giám định. Đề nghị trẻ và gia đình hoặc người giám hộ (nếu có) phối hợp trong quá trình giám định.

- Trường hợp trẻ được giám định trong tình trạng cần cấp cứu thì Giám định viên báo cáo lãnh đạo đơn vị và thông báo cho cơ quan trưng cầu đưa trẻ đi cấp cứu, đồng thời phối hợp giám định tại cơ sở y tế.

Bước 5: Khám tổng quát

- Giám định viên ghi lời trình bày của trẻ được giám định, quan sát hành vi, thái độ của trẻ khi nhắc đến bố mẹ hoặc người thân. Giám định viên hỏi các câu hỏi dễ hiểu, tránh gây cho trẻ xúc động gợi lại ký ức bị ngược đãi, hành hạ; không hỏi lặp đi lặp lại một câu hỏi.

+ Nếu là trẻ em dưới 15 tuổi hỏi thêm người giám hộ về tình hình sự việc.

+ Nếu là trẻ nói tiếng dân tộc hoặc trẻ là người nước ngoài hoặc trẻ khuyết tật về nghe nói thì yêu cầu cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định phải cử người phiên dịch đi cùng để phiên dịch.

Bước 6: Khám thương tích

Khám đầu; Khám mặt; Khám cổ; Khám ngực; Khám lưng; Khám bụng; Khám sinh dục, hậu môn; Khám tứ chi về vận động xem có khó khăn đi lại hoặc ngồi, cảm giác; Khám sẹo, vết thương phần mềm, vết bầm tím; Khám gãy xương, vận động khớp; Tổn thương mạch máu, thần kinh.

Bước 7: Khám các bộ phận khác trên cơ thể

Khám các bộ phận tim, phổi, thận tiết niệu, nội tiết.

Bước 8: Khám chuyên khoa, hội chẩn và chỉ định cận lâm sàng cần thiết

Khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt,…; Xét nghiệm tổng quát; Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Xquang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ...; Ghi điện cơ; Điện não đồ; Điện tim; Các xét nghiệm khác: ADN, độc chất...

Bước 9: Nghiên cứu mẫu vật gửi giám định hoặc thực nghiệm (nếu có)

Bước 10: Bàn giao đối tượng giám định

- Bàn giao trẻ cho cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định sau khi hoàn thành khám giám định hoặc để đi khám chuyên khoa, làm các xét nghiệm cận lâm sàng.

- Bàn giao mẫu vật khi tiến hành giám định xong.

- Việc bàn giao trẻ phải có biên bản bàn giao theo quy định.

Bước 11: Tổng hợp, đánh giá và dự thảo kết luận giám định

Bước 12: Hoàn thành, trả kết quả, lưu trữ hồ sơ giám định

- Dự thảo kết luận giám định trước khi trình lãnh đạo đơn vị duyệt.

- Giám định viên duyệt và ký bản chính thức kết luận giám định

- Lãnh đạo đơn vị ký bản kết luận giám định.

- Đóng dấu bản kết luận giám định.

- Quá trình giám định trong trường hợp không phải làm xét nghiệm cận lâm sàng phải trả kết luận giám định trong vòng 03 ngày từ khi đủ hồ sơ và tiếp nhận giám định. Trường hợp phải hội chẩn hoặc làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì trả kết luận giám định trong vòng 09 ngày kể từ ngày giám định trừ trường hợp phát sinh tình tiết mới.

- Toàn bộ hồ sơ giám định được thiết lập, lưu tại cơ quan giám định theo quy định chung và quy định của cơ quan giám định.

Quyết định 5609/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 01/04/2021.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link: 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-5609-QD-BYT-2020-Quy-trinh-giam-dinh-phap-y-doi-voi-tre-em-bi-hoac-nghi-ngo-bi-xam-hai-tinh-duc-461185.aspx