Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ban hành ngày 28/09/2020

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 18/11/2020

Nghị định 117/2020/NĐ-CP gồm 4 Chương và 117 Điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định này là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh; Vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm; Vi phạm các quy định về trang thiết bị y tế; Vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế (BHYT); Vi phạm các quy định về dân số.

- Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài.

- Hình thức xử phạt chính gồm cảnh cáo, phạt tiền. Bên cạnh đó có các biện pháp phạt bổ sung (như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng đối với: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; vv…); và buộc khắc phục hậu quả.

- Khung mức phạt tiền của Nghị định này như sau:

+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức.

+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức.

+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

Tại Chương II của Nghị định 117/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể từng hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản này; mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đổi với từng hành vi (mức xử phạt áp dụng đối với tổ chức gấp đôi cá nhân), được chia làm sáu nhóm hành vi với một số quy định mới nổi bật liên quan, cụ thể:

- Những hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng chống HIV/ AID (mục I của Chương II, gồm các điều từ Điều 5 đến Điều 37) với một số quy định nổi bật:

+ Bổ sung quy định về xử phạt vi phạm với các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia, cụ thể, tại Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định: Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia có thể áp dụng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Người nào có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

+ Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; hoặc ép buộc người khác uống rượu bia.

+ Điều 34 Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, Nghị định nêu rõ phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi: Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức; Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; vv… tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

- Những hành vi vi phạm hành chính về khám chữa bệnh (mục 2, Chương II của Nghị định, từ Điều 38 đến Điều 51) được bổ sung một số quy định mới, đơn cử như:

+ Quy định về việc áp dụng hình phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với các hành vi: Ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh; vv… (khoản 5 Điều 38).

+ Bổ sung quy định xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như: Không cung cấp trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, không hợp tác đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai. (Điểm a, c khoản 2 Điều 48).

- Những hành vi vi phạm hành chính về dược và mỹ phẩm (mục 3, Chương II của Nghị định, từ Điều 52 đến Điều 71) với một số quy định mới được bổ sung như sau:

Vi phạm quy định về cơ sở kinh doanh dược và điều kiện kinh doanh dược sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Theo đó, hành vi giả mạo giấy tờ trong hồ sơ công bố cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Nếu cơ sở kinh doanh dược không có biện pháp cách ly hoặc để ở khu vực biệt trữ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng (Điều 53).

- Những hành vi vi phạm hành chính về trang thiết bị y tế (mục 4, Chương II của Nghị định, từ Điều 72 đến Điều 79) với một số quy định mới được bổ sung như sau:

Vi phạm các quy định về mua bán trang thiết bị y tế sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi: không thực hiện các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng trang thiết bị y tế theo quy định của chủ sở hữu số lưu hành; không thông báo hoặc thông báo không đầy đủ, không kịp thời cho người sử dụng về trang thiết bị y tế có lỗi; …. Tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do cho trang thiết bị y tế sản xuất trong nước không bảo đảm tính hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điều 75).

- Những hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế (mục 5, Chương II của Nghị định, từ Điều 80 đến Điều 95) với một số quy định nổi bật như:

+ Tại mục này, có 16 điều quy định 16 nhóm hành vi vi phạm về BHYT đồng thời quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với các vi phạm về BHYT), theo đó, tất cả các hành vi vi phạm lĩnh vực BHYT được quy định trong Nghị định có thể bị phạt tiền vi phạm hành chính từ 200.000 đồng tới 70.000.000 đồng, tùy theo mức độ vi phạm, mức độ gây thiệt hại. Mức phạt tối đa này đã được điều chỉnh tăng lên so với mức phạt tối đa 50.000.000 đồng được quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.

+ Với hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động, đóng BHYT không đủ số người bắt buộc tham gia BHYT; chậm đóng, trốn đóng BHYT theo một trong các mức từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, với mức vi phạm tính theo số người lao động. Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có) đối với hành vi trên. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. (Điều 80).

- Những hành vi vi phạm hành chính về dân số (mục 6, Chương II của Nghị định, từ Điều 96 đến Điều 102) với một số quy định nổi bật:

+ Điều 98 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi, hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi sẽ áp dụng hình thức phạt tiền, tùy từng hành vi, mà mức phạt có thể lên đến 10.000.000 đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

+ Với hành vi ép buộc người khác mang thai, sinh thêm con, Điều 101 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền, cụ thể: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải mang thai, phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái; Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người khác phải mang thai, phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái.

Nghị định cũng quy định một số hành vi vi phạm phải chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự trước, nếu không đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới xử phạt vi phạm hành chính như:

+ Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

+ Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh; Đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh;

+ Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi;

vv…

(Khoản 4 Điều 1 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 thay thế hoàn toàn cho Nghị định 176/2013/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Riêng các quy định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng có hiệu lực ngay từ ngày ký (28/9/2020) như các hành vi: Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Điều 5); Vi phạm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm (Điều 6) vv…).

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-117-2020-ND-CP-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-y-te-398159.aspx