Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 17/10/2020

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Theo đó, Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây viết tắt là “Quy chế”) với những nội dung chủ yếu như:

* Về hình thức đánh giá và kết quả các môn học sau một học kỳ, cả năm học:

Điều 6 của Quy chế được được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này như sau:

- Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:

+ Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

+ Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

- Về kết quả môn học và kết quả các môn học sau mỗi học kỳ, cả năm học đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số: nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kì, cả năm học; tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học.

* Về các loại kiểm tra, đánh giá; hệ số điểm kiểm tra đánh giá:

 Điều 7 của Quy chế được được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này như sau:

i) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:

- Được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi – đáp, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập…

- Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn theo quy định của Thông tư này.

ii) Kiểm tra, đánh giá định kỳ:

Được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc máy tính), bài thực hành, dự án học tập (đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện).

* Về hệ số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ và cách cho điểm:

i) Hệ số đối với điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên (viết tắt ĐĐGtx): tính hệ số 01; điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ (viết tắt là ĐĐGgk): tính hệ số 2; điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ (viết tắt là ĐĐGck): Tính hệ số 03.

ii) Số điểm kiểm tra, đánh giá và cách cho điểm (sửa đổi, bổ sung Điều 8 Quy chế):

- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên: Môn học có 35 tiết trở xuống/ năm học: 02 ĐĐGtx; môn có từ 35 đến 70 tiết/ năm học: 03 ĐĐGtx; môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 04 ĐĐGtx.

- Kiểm tra, đánh giá định kì: Trong mỗi học kỳ, một môn học có 01 ĐĐGgk và 01 ĐĐGck.

- Những học sinh không đủ số điểm kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Thông tư này nếu có lý do chính đáng thì được kiểm tra đánh giá bù bài kiểm tra. Trường hợp không có lý do chính đáng hoặc có lý do chính đáng nhưng không tham gia, kiểm tra đánh giá bù sẽ nhận điểm 0 (không) của bài kiểm tra đánh giá còn thiếu.

* Đánh giá học sinh khuyết tật:

Điều 14 của Quy chế về đánh giá học sinh khuyết tật được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này như sau:

- Việc đánh giá kết quả giáo dục của học sinh khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học.

- Đối với học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục hòa nhập:

+ Đối với những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học sinh khuyết tật đáp ứng yêu cầu giáo dục chung: Được đánh giá như đối với học sinh không khuyết tật nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập.

+ Đối với những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học sinh khuyết tật không có khả năng đáp ứng yêu cầu chung: Được đánh giá theo kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân; không đánh giá những môn học, nội dung giáo dục được miễn.

- Đối với học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục chuyên biệt:

+ Đối với những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học sinh khuyết tật đáp ứng được yêu cầu giáo dục chuyên biệt: Được đánh giá theo quy định dành cho giáo dục chuyên biệt.

+ Đối với những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học sinh khuyết tật không có khả năng đáp ứng yêu cầu giáo dục chuyên biệt: Được đánh giá theo kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân.

* Về xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật:

Hiệu trưởng căn cứ kết quả các môn học, hoạt động giáo dục của học sinh khuyết tật để xét lên lớp đối với các học sinh này theo chương trình giáo dục chung hoặc căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân đối với những học sinh khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung để xét lên lớp.

* Về xét công nhận danh hiệu học sinh:

Thông tư này sửa đổi, bổ sung Điều 18 của Quy chế về xét công nhận danh hiệu học sinh như sau:

- Công nhận đạt danh hiệu giỏi học kỳ hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực loại giỏi;

- Công nhận đạt danh hiệu tiên tiến học kỳ hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm từ loại khá trở lên và học lực từ loại khá trở lên;…

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-26-2020-TT-BGDDT-sua-doi-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-443851.aspx