Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25-09-2020 của Chính phủ về phát triển bền vững.
Ngày 25/09/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030. Trong nội dung Nghị quyết này có nhiều điểm quan trọng liên quan đến đối tượng người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác. Cụ thể:
* Về quan điểm chỉ đạo:
Trong 05 quan điểm chỉ đạo nhằm mục tiêu phát triển bền vững do Chính phủ đề ra, tại quan điểm số 4, Chính phủ chỉ đạo phải tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.
* Mục tiêu:
Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển bền vững tổng quát đến năm 2030 của Việt Nam là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững. Nhằm đạt được mục tiêu tổng quát này, Chính phủ cũng đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
* Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2020, 2025, 2030 vẫn được thực hiện theo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/06/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên có một số điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp trung học cơ sở: đạt 87% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030 (thay vì 88% và 93% như tại Quyết định số 681/QĐ-TTg). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ người dân sử dụng sản phẩm, thiết bị, giải pháp số: 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030; đến năm 2030 đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ số.
* Nhiệm vụ và giải pháp:
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 122/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030, tập trung vào những nội dung như: (1) Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; (2) Tăng cường thông tin, truyền thông; (3) Phát huy vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; (4) Bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính; (5) Tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong giai đoạn 2020 - 2030, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, các cấp bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được phân công cụ thể trong Nghị quyết này để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, liên quan đến người khuyết tật có một vài điểm đáng chú ý sau:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện tốt trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt là người khuyết tật, người dân vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh...; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và hoàn thiện khung pháp lý về an sinh xã hội theo hướng tích hợp các luật hiện hành có liên quan; xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, trong đó chú ý nhóm 40% dân số nghèo nhất, chú trọng các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững, tiếp cận tín dụng ưu đãi và các chính sách an sinh xã hội khác; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đảm bảo thực chất, hiệu quả; …
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện giáo dục hòa nhập, giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật; hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ theo địa bàn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; khuyến khích xã hội hóa giáo dục phù hợp với vùng kinh tế - xã hội khó khăn, nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia và giáo dục trẻ em gái, trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương;…
- Bộ Giao thông vận tải: Đầu tư phát triển hệ thống giao thông có chú ý đến điều kiện của người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em; thực hiện chính sách miễn giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng đối với người khuyết tật, trẻ em theo quy định;...
- Bộ Tư pháp: Tiếp tục nghiên cứu giải pháp tăng cường thực thi pháp luật, không phân biệt đối xử vì sự phát triển bền vững; rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân, nhất là đối tượng nữ, người nghèo, người dễ bị tổn thương, đối với các nguồn lực kinh tế, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, quyền sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên, quyền sở hữu và kiểm soát các dạng tài sản khác theo quy định của Hiến pháp;…
- Bộ Công an: Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực. Đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm mua bán người;…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 25/09/2020.
Vui lòng theo dõi chi tiết tại link:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Nghi-quyet-136-NQ-CP-2020-phat-trien-ben-vung-453913.aspx