Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thông tư số 26/2020/TT-BTTTT ngày 23-09-2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 15/10/2020

Thông tư số 26/2020/TT-BTTTT ngày 23-09-2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông.

Thông tư này quy định việc áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông đối với 04 nhóm đối tượng là: (1) Doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông, bao gồm phần cứng, phần mềm và nội dung thông tin số; (2) Cơ quan nhà nước, bao gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước để thiết kế và xây dựng Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công; (3) Cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; cơ quan báo chí có Trang thông tin điện tử/báo điện tử; (4) Tổ chức cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công. Trong đó:

- Cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình cung cấp kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia có trách nhiệm áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật nghe tiếp cận chương trình thời sự chính trị tổng hợp hằng ngày trên kênh. Các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật nghe. 

- Các cơ quan, tổ chức sau đây có trách nhiệm hỗ trợ người khuyết tật thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông tại Phụ lục của Thông tư này trên Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công của mình:

+ Cơ quan nhà nước, gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước để thiết kế và xây dựng Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công.

+ Cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; cơ quan báo chí có Trang thông tin điện tử/báo điện tử.

- Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông tại Phụ lục của Thông tư này đối với Trang thông tin điện tử, Cổng thông tin điện tử của mình. Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp cũng được khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn phiên bản mới để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông.

- Trường hợp các cơ quan nhà nước (bao gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp) sử dụng ngân sách nhà nước để thiết kế và xây dựng Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công; cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; cơ quan báo chí có Trang thông tin điện tử/báo điện tử; tổ chức cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công chưa kịp nâng cấp Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công để tuân thủ các quy định tại Thông tư này thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải (tức từ ngày 01 tháng 01 năm 2021) có trách nhiệm hoàn thiện, nâng cấp đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Danh mục tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông được ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm 03 nhóm tiêu chuẩn: (1) Các quy định và hướng dẫn chung; (2) Quy định đối với sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông; (3) Quy định đối với Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công (website), với 18 tiêu chuẩn khác nhau. Các tiêu chuẩn này được quy định áp dụng theo hai hình thức là bắt buộc áp dụng và khuyến nghị áp dụng. Trong đó, hầu hết các tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông được khuyến nghị áp dụng.

Một số Tiêu chuẩn áp dụng bắt buộc bao gồm:

- Tiêu chuẩn ITU-T E.161 (02/2001) Quy định sắp xếp số, chữ và ký hiệu trên máy điện thoại và các thiết bị khác (Arrangement of digits, letters and symbols on telephones and other devices that can be used for gaining access to a telephone network) thuộc nhóm quy định đối với sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông;

- Tiêu chuẩn WCAG 1.0 (W3C) Hướng dẫn khả năng tiếp cận và sử dụng nội dung thông tin của trang thông tin điện tử 1.0 (Web Content Accessibility Guidelines 1.0) thuộc nhóm quy định đối với Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công (website) áp dụng bắt buộc đối với 02 nhóm đối tượng là: (1) Cơ quan nhà nước bao gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước để thiết kế và xây dựng Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công; (2) Cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; cơ quan báo chí có Trang thông tin điện tử/báo điện tử.

Danh mục tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông được định kỳ xem xét cập nhật, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn áp dụng. 

Thông tư số 26/2020/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 và thay thế cho Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT ngày 14/09/2009 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Thong-tu-26-2020-TT-BTTTT-ap-dung-cong-nghe-ho-tro-nguoi-khuyet-tat-tiep-can-san-pham-thong-tin-453691.aspx