Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quyết định 1472/QĐ-TTg ngày 28-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết 121/2020/QH14 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 14/10/2020

Quyết định 1472/QĐ-TTg ngày 28-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết 121/2020/QH14 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ngày 28/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1472/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

* Mục đích của Kế hoạch:

Mục đích của Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa đầy đủ các nội dung đã được xác định trong Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội khóa XIV về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương quán triệt triển khai, thực hiện Nghị quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đã được nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 121/2020/QH14, Báo cáo số 69/BC-ĐGS ngày 19/05/2020 của Đoàn Giám sát Quốc hội và kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

* Nhiệm vụ và giải pháp:

Để đạt được mục đích trên, Kế hoạch đã đặt ra một số yêu cầu, đồng thời, xác định một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với các bộ, ngành, các cấp về các nội dung: (1) Rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; (3) Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về phòng, chống xâm hại trẻ em; (4) Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; (5) Bảo đảm nguồn lực phù hợp cho công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; (6) Các nhiệm vụ cụ thể mà Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện.

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp này có một số điểm đáng chú ý sau:

- Thủ tướng Chính phủ phân công, xác định rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, các cấp trong phạm vi chức năng của mình, rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em trong từng giai đoạn cụ thể như sau:

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, trong đó có các chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em (hoàn thành trong quý II năm 2021 trên cơ sở quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi).

+ Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục (hoàn thành trong quý IV/2020).

+ Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng (hoàn thành trong quý IV năm 2020).

+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình (hoàn thành trong quý IV năm 2020); đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế phối hợp giữa hai bộ trong việc thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em, chú trọng việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình (hoàn thành trong quý III năm 2021).

+ Bộ Công an có nhiệm vụ ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em (hoàn thành trong quý IV năm 2020); ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng (hoàn thành trong quý I năm 2021). Đồng thời, tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo).

+ Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm an ninh nơi công cộng, từng bước trang bị hệ thống kỹ thuật giám sát an ninh, nhất là khu vực trường học, chung cư, khu vui chơi, giải trí của trẻ em (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo).

+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo).

- Về nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về phòng, chống xâm hại trẻ em: Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc xâm hại trẻ em.

- Các bộ, ngành, cơ quan liên quan (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an Bộ Y tế Bộ Tư pháp Ủy ban Dân tộc) trong phạm vi chức năng của mình đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an chỉ đạo đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hướng dẫn xây dựng các mô hình phòng ngừa, xâm hại trẻ em, phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo); tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại; kịp thời đưa nạn nhân đi giám định hoặc phối hợp với cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiến hành các biện pháp thu thập kịp thời chứng cứ, dấu vết phục vụ việc giám định, bao gồm cả giám định mức độ tổn hại về sức khỏe tâm thần của trẻ em (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo); xây dựng tài liệu hướng dẫn và tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho điều tra viên (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo);…

Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo); chỉ đạo các tổ chức giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo); Bộ Tư pháp hướng dẫn, chỉ đạo đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý trong quá trình giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em; nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo); Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trường học (thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo)…

Quyết định 1472/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/9/2020.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-1472-QD-TTg-2020-trien-khai-Nghi-quyet-121-2020-QH14-454120.aspx