Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 26 tháng 05 năm 2020 về đẩy mạnh triển khai giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, sau gần bốn năm triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực.
Tuy nhiên, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định 2545/QĐ-TTg (đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 là 11,33%, còn mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%).
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu của Quyết định 2545/QĐ-TTg, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được giao, cụ thể như sau:
- Yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Hoàn thành việc xây dựng và ban hành các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội để có thể kết nối chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.
- Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
+ Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt;
+ Tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt;
+ Tiếp tục nghiên cứu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả.
- Yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.
- Yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan nhà nước.
- Yêu cầu Bộ Y tế tập trung triển khai việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
- Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương triển khai có hiệu quả, chỉ đạo, hướng dẫn các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
- Yêu cầu Bộ Công an:
+ Khẩn trương việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán;
+ Tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
- Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 02/NQ-CP.
Chỉ thị 22/CT-TTg có hiệu lực từ ngày 26/05/2020.
Vui lòng theo dõi chi tiết tại link: