Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cấp bằng lái ô tô B1 cho người khuyết tật - tưởng dễ mà khó

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 30/05/2019

Hiện nay, việc người khuyết tật điều khiển xe máy được cải tiến thành ba bánh và lái ô tô không phải là hiện tượng cá biệt. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc xây dựng, hỗ trợ người khuyết tật được thi cấp bằng lái ô tô B1 số tự động, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc cần phải giải quyết trong thời gian tới để đảm bảo người khuyết tật thực hiện được nhu cầu tham gia giao thông này.

Đã có những chính sách tích cực

Luật người khuyết tật năm 2010 đã quy định rất rõ ràng: “Phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi phải có giấy phép điều khiển thì người khuyết tật được học và cấp giấy phép điều khiển đối với phương tiện đó.” Đây là mở đầu cho những chính sách về sau phải được xây dựng dựa trên các nguyên tắc quy định trong Luật.

Sau gần 10 năm kể từ ngày Luật người khuyết tật có hiệu lực, các văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn chính sách về cấp bằng lái xe ô tô B1 tự động cho người khuyết tật, đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền tham gia giao thông của người khuyết tật. Phải kể đến là sự ra đời của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo lái xe quy định rõ: “Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo”. Như vậy, từ ngày 1/6/2017, người khuyết tật đã có thể được đăng ký học, thi và lấy giấy phép lái xe. Tuy nhiên, cũng theo Thông tư này, người khuyết tập muốn được tham gia đào tạo, cấp bằng lái xe hạng B1 phải đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe theo quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT - BGTVT của Bộ GTVT và Bộ Y tế ban hành năm 2015. Cụ thể, những người bị chứng: Rối loạn tâm thần (chữa khỏi chưa quá 6 tháng hoặc mạn tính), động kinh, rối loạn cảm giác sâu; suy tim, có chứng khó thở từ độ III trở lên; song thị, hoặc mù 3 màu (vàng, đỏ, xanh lá); liệt vận động từ 2 chi trở lên, hoặc mất một bàn tay (chân) trong khi có một chi khác không toàn vẹn hoặc giảm chức năng... sẽ không đủ điều kiện học, thi lấy giấy phép lái xe. Ngoài ra Điều 44 Thông tư 12/2017 đã có hướng dẫn chi tiết hơn về việc sát hạch lái xe: “…Người dự sát hạch có thể sử dụng ôtô của người khuyết tật để làm xe sát hạch, song xe sát hạch này phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe”.

Việc Nhà nước ban hành những quy định trên là vô cùng cần thiết đối với không chỉ người khuyết tật nói riêng mà cả xã hội nói chung, hướng tới sự bình đẳng, hòa nhập toàn xã hội và phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, quy định thì mở rộng nhưng thực tế thì người khuyết tật vẫn đang gặp rất nhiều những khó khăn, thách thức để được cấp bằng lái xe B1 số tự động.

Những khó khăn, thách thức gặp phải

Thông tư ban hành đã được 2 năm nhưng tính đến thời điểm hiện tại, không ít người khuyết tật bị từ chối thi cấp giấy phép lái xe hạng B1.

Trường hợp của Bà H ở tỉnh X là 01 ví dụ. Bà H bị liệt chân phải, các chi khác hoàn toàn bình thường. Khi đi khám sức khỏe, bà được Bệnh viện đa khoa tỉnh X cấp giấy khám sức khỏe đủ tiêu chuẩn để được thi giấy phép lái xe. Bà H được cơ sở đào tạo lái xe nhận dạy học lái, tuy nhiên, đến khi đi thi tốt nghiệp, bà H bị từ chối cho thi với lí do Trung tâm không có phương tiện chuyển đổi chân ga, chân phanh sang chân trái để trong quá trình thi bảo đảm an toàn cho bản thân và những người khác[1].

Trong khi đó, theo Thông tư 12/2017 và Thông tư liên tịch số 24/2015 thì bà H hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để thi lấy bằng lái xe. Tuy nhiên, việc từ chối cho bà H thi lại đang thể hiện những vấn đề thực tế còn tồn tại mà người khuyết tật đang gặp phải, đặc biệt với những người khuyết vận động. Và còn nhiều những người khuyết tật khác như bà H đang phải đối mặt với những thực tế trên, được chấp nhận học nhưng từ chối thi. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Quy định còn nhiều thiếu sót

Hiện nay, Thông tư 12/2017 quy định người khuyết tật có thể sử dụng ô tô tự hoán cải của mình để làm xe thi sát hạch trong trường hợp các cơ sở đào tạo sát hạch không có ô tô chuyên dụng cho người khuyết tật. Tuy nhiên, việc hoán cải ô tô phải theo tiêu chuẩn như thế nào để được Cục đăng kiểm đồng ý cho đưa vào sử dụng, lưu thông trên giao thông đường bộ lại đang còn thiếu trong quy định của pháp luật Việt Nam. Cho đến tháng 6/2017 cũng chỉ có 1 chiếc ô tô duy nhất dành cho người khuyết tật được Cục đăng kiểm hoàn tất kiểm định và cấp chứng nhận cho chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Landcruiser 6 chỗ ngồi dành cho người khuyết tật điều khiển. Theo đó, tại vị trí lái, chân phanh và chân ga được nâng lên cao. Sàn xe tại vị trí lái cùng được lắp đặt một mặt phẳng cao hơn sàn nguyên bản. Với kết cấu này, người khuyết tật bị cụt chân có thể phanh và tăng ga bằng chân. Ngoài ra, hệ thống phanh chân này cũng đồng thời được chuyển đổi thành cơ cấu phanh tay cạnh vô lăng để người khuyết tật có thể kéo bằng tay. Bộ phận tay lái cũng có lắp thêm tay nắm để có thể dùng một tay cho linh hoạt. Tuy nhiên, chiếc xe này được dùng để hai người khuyết tật nước ngoài điều khiển trong một chương trình truyền hình thực tế của đài BBC (Anh) trong 10 ngày, không phải cấp cho người khuyết tật sử dụng lâu dài tại Việt Nam[2].

Chưa có kinh phí đầu tư xe ô tô dành riêng cho người khuyết tật học và thi sát hạch

Nhiều Trung tâm sát hạch lái xe ô tô B1 đang lúng túng trong quá trình giải quyết những trường hợp đủ điều kiện thi theo quy định nhưng không có phương tiện dành riêng cho người khuyết tật để thi. Các Trung tâm chia sẻ, người khuyết tật có nhiều dạng, người cụt tay phải, người cụt chân phải, người yếu chân, tay…và Trung tâm không có đủ kinh phí để hoán cải xe ô tô để phù hợp với từng người khuyết tật. Ví dụ đối với người bị khuyết chân phải, trong khi chân ga của ô tô đặt ở bên phải thì đòi hỏi phương tiện phải được lắp bộ chuyển đổi chân ga từ phải. Và điều tốt nhất để Trung tâm cho thi là người khuyết tật phải tự chuẩn bị xe ô tô cải biến để phù hợp với bản thân họ trở thành phương tiện để thi sát hạch. Tuy nhiên, điều này là khó khả thi với chính người khuyết tật vì nhiều người khuyết tật không có ô tô riêng cho bản thân mình.

Làm thế nào để giải quyết những vấn đề trên?

Cần ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật dành cho ô tô hoán cải phù hợp với người khuyết tật như: đối với người khuyết tật tay thì phải cải tạo như thế nào để đạt tiêu chuẩn, khuyết tật chân thì phải cải tạo ô tô như thế nào…

Tăng cường các chính sách khuyến khích cơ sở đào tạo sát hạch lái xe ô tô tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phương tiện để phù hợp với người khuyết tật sử dụng.

Cần xây dựng một lộ trình để cải tạo, xây dựng các cơ sở đào tạo, sát hạch bằng lái xe ô tô phù hợp với người khuyết tật. Theo đó, ban đầu có thể quy định tại mỗi khu vực theo địa giới hành chính cần có ít nhất 01 cơ sở đảm bảo được các phương tiện, đội ngũ giáo viên phù hợp với người khuyết tật sử dụng. Người khuyết tật trong khu vực có thể đến cơ sở này để tham gia đào tạo và thi sát hạch. Sau đó, sẽ mở rộng ra toàn bộ các cơ sở này. Hiện nay đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu được cấp bằng lái xe ô tô của người khuyết tật càng nhiều. Nhiều người khuyết tật từ bỏ việc thi sát hạch bằng lái xe do các cơ sở chưa đảm bảo được các điều kiện tiếp cận để họ học. Do đó, việc các cơ sở này đảm bảo được các yếu tố tiếp cận phù hợp với họ sẽ khuyến khích được người khuyết tật tham gia đào tạo và cấp bằng lái xe nhiều hơn.


[1] Đây là một trường hợp đã được tư vấn từ Phòng Luật của Trung tâm ACDC