Tiếp cận hệ thống, phương tiện giao thông an toàn, phù hợp và thuận lợi là một trong những quyền được hỗ trợ của người khuyết tật và được ghi nhận trong công ước quốc tế về người khuyết tật. Chính sách đảm bảo tiếp cận về giao thông công cộng đối với người khuyết tật đã được thể hiện tương đối rõ trong Luật Người khuyết tật 2010 và nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai các quy định về chính sách giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật còn khá nhiều vấn đề nan giải, bất cập, đặc biệt là trong giao thông đường bộ và đường sắt.
Hệ thống chính sách đầy đủ, toàn diện
Giao thông tiếp cận (GTTC) là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi và đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của tất cả thành viên trong xã hội, trong đó có người khuyết tật, đã và đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.[1] Ở Việt Nam, GTTC vẫn được xem là một khái niệm mới, lần đầu tiên thuật ngữ này được đề cập trong Luật Người khuyết tật 2010.
Sau gần 10 năm, mở đầu bằng chính sách trong Luật người khuyết tật 2010, tính đến nay ở Việt Nam đã hình thành một khung pháp lý về đảm bảo GTTC đối với người khuyết tật khá đầy đủ và toàn diện, bao gồm những chính sách chung lẫn những quy định, quy chuẩn quốc gia cụ thể. Nội dung các chính sách tập trung vào các nhóm vấn đề như: chính sách về xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông tiếp cận; miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ và các ưu tiên hỗ trợ khác đối với người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng; thông tin trợ giúp người khuyết tật; xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến GTTC đối với người khuyết tật[2]…
Khó khăn, bất cập chồng chất
Tuy ở một số nơi trên địa bàn cả nước, người khuyết tật tham gia giao thông công cộng đã được một số hỗ trợ, hệ thống giao thông cũng được cải tạo một phần đáp ứng yêu cầu GTTC, nhưng nhìn chung việc thực thi các chính sách GTTC đối với người khuyết tật còn rất nhiều bất cập khiến người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong tham gia giao thông công cộng, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt.
Không chỉ Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương lớn khác vỉa hè dành cho tất cả mọi người đều thiếu và đặc biệt khó khăn đối với người đi xe lăn khi độ chênh lệch giữa hè và nền đường quá cao, đa số vỉa hè bị hàng quán chiếm dụng.
Hiện tại một số nơi ở các thành phố lớn (như Hà Nội) đã có một số tuyến phố có sơn kẻ vạch đường cho người khuyết tật (phần đá lát có rãnh riêng, sơn phản quang… để dễ nhận biết) nhưng chưa tạo được sự đồng bộ và đạt chuẩn. Đơn cử như những viên gạch lát sai rãnh, dẫn đến dẫn hướng sai; sử dụng loại gạch dẫn đường chưa đúng vị trí (như gạch rãnh là dẫn đi thẳng, gạch chấm bi báo hiệu các góc cua, điểm giao cắt), sử dụng gạch không bảo đảm chất lượng chống trơn trượt, nhanh mòn, lối sang đường không có bảng báo hiệu bằng chữ nổi hay tín hiệu âm thanh để bảo đảm an toàn cho người khiếm thị…
Đối với các xe buýt (trừ xe buýt nhanh BRT có cửa xe cao ngang bằng cửa nhà chờ), thời gian dừng xe ngắn, cửa xe hẹp và bậc cửa cao là nguyên nhân làm cho người đi xe lăn không thể sử dụng phương tiện này. Các bến xe, điểm đầu, điểm cuối, điểm trung chuyển, điểm dừng, nhà chờ xe buýt, vỉa hè... chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo đảm cho người khuyết tật sử dụng. [3]
Tại một số nhà ga tàu hỏa chưa thiết kế hỗ trợ người khuyết tật như: xe lăn không thể độc lập tiếp cận lên tàu do không có đường dẫn; người khiếm thị hoàn toàn không có đường dẫn hướng; ke ga so với sàn tàu vẫn còn quá cao (khoảng 50 – 60cm); người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng xuống ga tàu chưa được nhân viên hỗ trợ vận chuyển hành lý mà phải thuê dịch vụ vận chuyển ra ngoài….[4]
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên bến xe và phục vụ trên xe buýt về cơ bản chưa được hướng dẫn các quy định, phương pháp hỗ trợ người khuyết tật. Một số xe buýt còn cố tình bỏ chuyến hoặc phụ xe không phục vụ, hướng dẫn người khuyết tật khi tham gia giao thông…Giá vé sau khi áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá vẫn còn cao so với mức thu nhập của người khuyết tật. Việc vận dụng các chế tài xử phạt hành chính đối với chủ thể vi phạm quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là giao thông đường bộ còn thiếu thống nhất do thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.[5]
Nên làm gì để thay đổi?
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải cần chủ trì tiến hành rà soát các đầu mối như nhà ga, bến bến bãi, điểm trung chuyển xe buýt... đối với các lĩnh vực đường bộ, đường sắt… trên địa bàn toàn quốc để chỉ đạo phương án cải tạo, xây dựng mới các hạng mục cần thiết; tăng cường các phương án đầu tư, xây dựng các công trình đầu mối giao thông theo hướng hỗ trợ giao thông tiếp cận cho người khuyết tật theo đúng quy chuẩn quốc gia về giao thông vận tải và có liên quan.
Bộ Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh, trong phạm vi thẩm quyền của mỗi cơ quan, cần tăng cường đầu tư các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ với hệ thống hạ tầng hiện đại nhằm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; đề ra các giải pháp khuyến khích các thành phố lớn đầu tư xe buýt hiện đại, có sàn nâng hạ hỗ trợ người khuyết tật.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, mở các lớp tập huấn cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ hỗ trợ khách hàng là người khuyết tật tại các đầu mối vận tải công cộng và trên các phương tiện công cộng về kỹ năng, thái độ và cách thức hỗ trợ người khuyết tật nhằm tạo thuận lợi cho người khuyết tật tham gia giao thông. Đối với người khuyết tật cũng cần tăng cường tuyên truyền về quyền lợi, những ưu tiên dành cho họ trong quá trình tham gia các dịch vụ giao thông công cộng.
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần tăng cường, xử phạt nghiêm khắc đối với chủ đầu tư không tuân thủ các quy chuẩn về tiếp cận giao thông đối người khuyết tật (sau khi đã triển khai các phương án cải tạo, xây dựng mới các hạng mục cần thiết); tăng cường xử phạt các hộ gia đình kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, khiến người đi bộ, đặc biệt là người khuyết tật phải đi bộ, xe lăn dưới lòng đường.
Nghiên cứu sửa đổi một số nội dung chính sách ưu đãi, hỗ trợ người khuyết tật trong tham gia giao thông (trước mắt là Nghị định 28/2012/NĐ-CP). Trong đó cần nghiên cứu tăng tỷ lệ giảm giá vé cho người khuyết tật (nặng và đặc biệt nặng) tham gia giao thông đường bộ, đường sắt so với mức quy định hiện nay; tăng cường các chính sách ưu đãi khác có liên quan. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp tục tăng cường giải pháp khuyến khích đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông công cộng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận (miễn thuế, tăng tỷ lệ giảm thuế và các giải pháp khác).
Cuối cùng, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung các quy định xử phạt hành chính liên quan đến chế tài xử phạt những chủ thể có hành vi vi phạm quyền được hỗ trợ tiếp cận giao thông của NKT (trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt), đảm bảo áp dụng thống nhất và hiệu quả. Cụ thể cần nghiên cứu rà soát, sửa đổi bổ sung nội dung các chế tài xử phạt tại của Nghị định 46/2016/NĐ- CP, đảm bảo đồng bộ với quy định tương ứng của Nghị định 144/2013/NĐ-CP.
[1] http://www.baogiaothong.vn/giao-thong-tiep-can-vi-cong-dong-giai-phap-ho-tro-nguoi-khuyet-tat-d238391.htmlhtt
2. NĐ 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật NKT; QĐ 1019 năm 2012 của TTg phê duyệt Đê án hỗ trợ NKT giai đoạn 2012-2020; Luật Giao thông đường bộ; các Nghị định xử lý vi phạm HC trong lĩnh vực giao thông và có liên quan; Thông tư 39/2012-BGTVT hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng; Thông tư 62 /2014/TT-BGTVT ban hành QCVN 82 : 2014/BGTVT
[3] https://baomoi.com/giao-thong-cho-nguoi-khuyet-tat-van-nam-tren-giay.
[4] http://nhandao.net.vn/index.php/hoat-dong-hoi/nghien-cuu-trao-doi/10886-tiep-can-tham-gia-giao-thong-doi-voinguoi-khuyet-tat-thuc-trang-va-mot-so-giai-phap
[5] Ví dụ cùng là hành vi không giúp đỡ , sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật, người cao tuổi tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP về XPHC trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ XH,…quy định hình thức chế tài phạt tiền ở mức từ 01 -03 triệu đồng (điểm c, khoản 1, Điều 14), trong khi đó Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định XPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chỉ quy định chế tài xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 đến 60 nghìn đồng (điểm a, khoản1, Điều 31).