Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chính sách hỗ trợ tài chính trong giáo dục đối với người khuyết tật

  • Thực hiện: Nguyễn Thùy Linh
  • 29/03/2019

Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện để người khuyết tật thực hiện quyền trong lĩnh vực giáo dục. Luật Người khuyết tật 2010 nhấn mạnh Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm hòa nhập giáo dục của người khuyết tật như: ưu tiên nhập học và tuyển sinh; miễn, giảm một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục; miễn học phí, cấp học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập… Các chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước trong giáo dục mặc dù đã mang đến nhiều cơ hội học tập cho người khuyết tật nhưng vẫn còn tồn tại bất cập trong việc triển khai trên thực tế.

Các chính sách hỗ trợ tài chính trong giáo dục đối với người khuyết tật

 Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo được miễn học phí[1]. Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định: Người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ và được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học. Như vậy, người khuyết tật tham gia giáo dục được miễn học phí, hưởng học bổng và được hỗ trợ chi phí học tập nếu thuộc hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo.

Thực trạng khi triển khai chính sách hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực giáo dục đối với người khuyết tật

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật trong giáo dục nhưng theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam 2016[2] đã chỉ ra rằng: Cơ hội tiếp cận trường học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều trẻ em không khuyết tật và ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Trong đó thực tế nhiều trẻ khuyết tật không tiếp cận hoặc tiếp cận không đầy đủ các chính sách hỗ trợ giáo dục này vì nhiều nguyên nhân khác nhau:

Đầu tiên, việc thiếu hướng dẫn rõ ràng các quy định của pháp luật đã khiến một số địa phương áp dụng không đúng tinh thần của pháp luật. Tại khoản 2 Điều 51 Luật Người khuyết tật 2010:Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao nhất.”. Có thể hiểu người khuyết tật nào thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách cùng loại trong bảo trợ xã hội thì được hưởng chính sách cao nhất. Ví dụ trong chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, nếu một người vừa thuộc đối tượng hưởng chính sách cho người cao tuổi, lại thuộc đối tượng chính sách cho người khuyết tật thì chỉ được hưởng chính sách cao nhất. Tuy nhiên, có địa phương đã áp dụng chưa đúng tinh thần của quy định này, người khuyết tật không được hưởng đồng thời cả chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng và chính sách hỗ trợ tài chính trong giáo dục vì địa phương cho rằng hỗ trợ trong giáo dục và trợ cấp xã hội hàng tháng là cùng loại mà mức hỗ trợ của giáo dục hiện nay đang cao hơn của trợ cấp xã hội hàng tháng nên chỉ được nhận một loại hỗ trợ. Từ đó, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học chỉ được hưởng chính sách của giáo dục mà không được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Có thể thấy, việc thiếu các hướng dẫn cụ thể đã vô tình dẫn đến tình trạng áp dụng không đúng chính sách đối với người khuyết tật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật ở những địa phương đó. Việc áp dụng chưa đúng tinh thần của các quy định pháp luật hiện nay một phần là do nhiều chính sách đối với người khuyết tật chưa thực sự được phổ biến trọn vẹn và đúng đắn đến người khuyết tật, gia đình họ, nhà trường và cán bộ địa phương. Công tác tuyên truyền về các chính sách giáo dục cho người khuyết tật còn hạn chế cả về nguồn lực và cách thức thực hiện, dẫn đến người khuyết tật chưa có nhiều thông tin về các chính sách dành cho mình để tự mình bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.

 Thứ hai, việc áp dụng chính sách về tài chính trong giáo dục đối với người khuyết tật trên thực tế còn chưa thực sự đầy đủ ở một số địa phương hiện nay. Theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam 2016, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa. Chính vì thế những năm gần đây, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và học bổng cho trẻ khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ phần nào những người khuyết tật này có cơ hội được đến trường và tiếp tục được học tập lên các cấp học cao hơn. Tuy nhiên, ở một số địa phương chỉ áp dụng chính sách giáo dục miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, học bổng đối với người khuyết tật thuộc hộ nghèo còn người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo thì không được hưởng[3]. Chưa có một lý do cụ thể để giải thích cho việc áp dụng pháp luật một cách không đầy đủ như vậy. Phải chăng là do việc thiếu các hướng dẫn chi tiết cho địa phương về áp dụng chính sách, ngân sách địa phương không đủ để đảm bảo hỗ trợ cho cả người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo nên đã xảy ra tình trạng này ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, công tác xét hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện tại một số địa phương còn nảy sinh nhiều bất cập ảnh hưởng gián tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ khuyết tật sống trong những hộ gia đình này. Thậm chí một trong những lý do để không đưa một hộ gia đình có người khuyết tật vào diện hộ nghèo, cận nghèo là do trong gia đình có người được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng[4]. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho người khuyết tật vì nhiều gia đình có người khuyết tật rơi vào hoàn cảnh khó khăn thực sự nhưng lại không được công nhận thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.     

Hiện nay, để trẻ khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ trong giáo dục thì điều kiện đủ phải thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã giới hạn đối tượng được thụ hưởng chính sách giáo dục này. Kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam 2016[5] chỉ ra rằng: cơ hội đến trường của trẻ khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ không khuyết tật, đặc biệt tỉ lệ trẻ khuyết tật theo học lên các cấp cao hơn thì càng giảm dần theo cấp học. Trong khi đó, chính sách hiện nay chỉ đang hướng đến hỗ trợ nhóm trẻ khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo còn trẻ khuyết tật khác thì không được hưởng trong khi cơ hội đi học và theo học của những trẻ khuyết tật này cũng đang rất thấp. Nên chăng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giáo dục này sẽ tăng cường hơn nữa cơ hội tham gia học tập cho tất cả người khuyết tật. Từ đó, không chỉ giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng tốt hơn mà còn tạo điều kiện để họ tiếp cận được việc làm trong tương lai, tăng khả năng đóng góp cho xã hội của họ.

Một số giải pháp hoàn thiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật

Cần có hướng dẫn cụ thể đối với quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật người khuyết tật 2010 trong thời gian tới để đảm bảo việc triển khai chính sách giáo dục trên thực tế một cách chính xác nhất. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng đối với các cán bộ phụ trách triển khai các chính sách đối với người khuyết tật để việc thực hiện chính sách tại các địa phương một cách đúng đắn và đồng bộ.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như phát hiện kịp thời các trường hợp hộ nghèo, cận nghèo mới, từ đó không ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ khuyết tật sống trong các hộ gia đình này khi tham gia giáo dục.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về người khuyết tật bằng các hình thức khác nhau đến nhà trường, người dân, gia đình người khuyết tật và người khuyết tật. Thông qua đó sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về người khuyết tật nói chung và người khuyết tật nói riêng. Đặc biệt, tăng cường hiểu biết của người khuyết tật về các quyền lợi và nghĩa vụ của họ, trong đó có các chính sách về giáo dục để chính bản thân người khuyết tật có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hướng tới mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tài chính trong giáo dục đối với tất cả trẻ khuyết tật đi học mà không chỉ trẻ khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo mới được hỗ trợ. Qua đó mọi trẻ khuyết tật đều có cơ hội được đến trường, được giáo dục và trở thành những công dân có đóng góp cho xã hội trong tương lai.

Để thúc đẩy quyền của người khuyết tật và đảm bảo sự tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục của người khuyết tật không thể thiếu vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, nhất là các tổ chức của người khuyết tật. Vì thế, cần tăng cường vai trò của các tổ chức này trong hoạt động giám sát thực thi chính sách đối với người khuyết tật nói chung và chính sách giáo dục đối với trẻ khuyết tật nói riêng tại địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các thành viên trong tổ chức và hỗ trợ trong việc đảm bảo quyền con người cơ bản của người khuyết tật tại địa phương mình.


[1] Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH

[2] Việt Nam điều tra quốc gia về Người khuyết tật năm 2016, NXB Thống kê, 2018.

http://acdc.vn/vi/tai-lieu/144/bao-cao-dieu-tra-quoc-gia-ve-nguoi-khuyet-tat.html

[3] Theo kết quả nghiên cứu của ACDC về giáo dục hoà nhập tại một số địa bàn trong cả nước.

[4] Từ quá trình hỗ trợ pháp luật của ACDC đối với người khuyết tật

[5]Việt Nam điều tra quốc gia về Người khuyết tật năm 2016, NXB Thống kê, 2018.

http://acdc.vn/vi/tai-lieu/144/bao-cao-dieu-tra-quoc-gia-ve-nguoi-khuyet-tat.html