Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016 – Mong chờ từ nhiều phía

  • Thực hiện: Nguyễn Thị Lan Anh
  • 28/01/2019

 

7,09% dân số Việt Nam là người khuyết tật (6.225.519 người là người khuyết tật).

Cứ 5 hộ gia đình thì 1 hộ có người khuyết tật. Đa phần người khuyết tật sống ở nông thôn.

Việt Nam phê chuẩn Công ước LHQ về quyền của người khuyết tật từ tháng 2 năm 2015. Thực hiện theo điều 31 của Công ước, ngày 11/01/2019, lần đầu tiên Việt Nam công  bố số liệu điều tra quốc gia về người khuyết tật. Cuộc điều tra đầu tiên của Việt Nam được thực hiện theo diện rộng, quy mô lớn, phức tạp, sử dụng bộ công cụ đo lường chuẩn mực quốc tế về khuyết tật. Mục tiêu của cuộc điều tra này nhằm đánh giá tình trạng khuyết tật của dân số và các điều kiện sống liên quan phục vụ việc lập kế hoạch, chính sách về người khuyết tật dựa trên bằng chứng, giám sát, đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật về người khuyết tật tại Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam. Cuộc điều tra quốc gia này đóng góp vai trò không nhỏ trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền lợi của người khuyết tật, từ đó đảm bảo các chính sách mà người khuyết tật và gia đình của họ được hưởng. Số liệu thống kê này cũng phản ánh được phần nào đó đời sống của người khuyết tật và là hướng gợi mở cho việc điều chỉnh chính sách hợp lý trong lĩnh vực an sinh xã hội cho người khuyết tật Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến 3 vấn đề nổi bật liên quan chặt chẽ đến người khuyết tật được thể hiện trong điều tra quốc gia.

31,74% người khuyết tật đang có việc làm < 82,38% người không khuyết tật đang có việc làm.

3/100 trường học có thiết kế phù hợp, 8/100 trường có lối đi dành cho người khuyết tật và 10/100 trường có công trình vệ sinh tiếp cận.

17,8% người khuyết tật sống trong hộ nghèo đa chiều

4/10 người khuyết tật được nhận trợ cấp hàng tháng;

6/10 trạm y tế có chương trình phục hồi chức năng nhưng chỉ có 2,3% người khuyết tật tiếp cận được dịch vụ phục hồi chức năng.

50% người khuyết tật được sống trong nhà kiên cố;

 

Thông tin về giáo dục dành cho người khuyết tật:  

Báo cáo điều tra quốc gia chỉ rõ trong 100 trường học mới chỉ có 3 trường đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất phù hợp với trẻ khuyết tật gồm có thiết kế phù hợp, đường dốc, nhà vệ sinh. Trong đó có 8 trường có lối đi dành riêng cho người khuyết tật và 10 trường có công trình vệ sinh tiếp cận. Vậy các ngôi trường đó nếu có trẻ khuyết tật nhìn, trẻ khuyết tật nghe nói có trang thiết bị hay đảm bảo phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ học tập hay không? Con số này chúng ta cũng vân chưa tìm thấy trong báo cáo điều tra quốc gia.

Số liệu trên cũng cho thấy rõ cơ hội tiếp cận giáo dục đối với người khuyết tật thấp hơn nhiều so với người không khuyết tật. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ 2 phía: Cung – hệ thống giáo dục không đầy đủ tạo ra rào cản đối với học sinh (VD: phương pháp giảng dạy không đáp ứng được nhu cầu và khả năng của người khuyết tật; thiếu giáo viên có đủ trình độ và sự phân biệt đối xử từ cộng đồng…); Cầu – Ngay cả khi người khuyết tật có đủ điều kiện tham gia học tập nhưng hệ thống giáo dục không đáp ứng được yêu cầu cơ bản thì cơ hội học tập của người khuyết tật sẽ giảm đi đáng kể. Củng cố và nâng cao vị thế của phương pháp giáo dục hòa nhập: không đơn thuần là áp dụng phương pháp này vào trong nhà trường chỉ mang tính “hình thức” (đồng ý tiếp nhận người khuyết tật vào học với người không khuyết tật) mà phải lấy người khuyết tật làm trung tâm, thực sự đảm bảo việc người khuyết tật có thể tự tin thoải mái học tập. Việc người khuyết tật học chung với người không khuyết tật đã có những kết quả tích cực, nhưng cần phải xem xét đến yếu tố bình đẳng và tạo điều kiện tối đa để người khuyết tật thực sự được hòa nhập tại cơ sở giáo dục. Tiêu chuẩn về tiếp cận đối với các cơ sở giáo dục: Tiếp cận vật lý: lối đi, nhà vệ sinh chưa phù hợp (theo điều tra chỉ có gần 3% trường hợp có thiết kế phù hợp,…) Không chỉ thiếu cơ sở vật chất, hầu hết các giáo viên chưa được đào tạo về giáo dục hòa nhập ở mọi cấp học trên cả nước.[1]

Khuyết tật thường gắn liền với học vấn thấp. Tuy nhiên, các mô hình hồi quy logistic thể hiện trong điều tra quốc gia cho thấy cách nhìn nhận về khiếm khuyết gắn với học vấn thấp cũng không hoàn toàn đúng cho Việt Nam.

Thông tin về y tế dành cho người khuyết tật:  

Số liệu thống kê trong mảng y tế đã bám sát với thực tiễn khi đã được xem xét và “xoay vần” ở các khía cạnh khác nhau: chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm cả tình trạng về trạm y tế); khám bệnh, chữa bệnh (trong đó bao gồm nội dung về chất lượng cung cấp các dịch vụ về y tế và phục hồi chức năng); bảo hiểm y tế; tiêu chuẩn tiếp cận.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu: Chăm sóc sức khỏe ban đầu với người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay được giao cho các trạm y tế tại địa phương. Điều này phần nào nâng cao vị thế và vai trò của Trạm y tế (cơ sở chăm sóc gần và thuận tiện với nơi ở của người khuyết tật, đặc biệt là vùng núi) và giảm bớt “gánh nặng” cho các cơ sở y tế lớn. Qua cuộc điều tra nhận thấy rằng ở Trạm y tế có một số ưu điểm: tỷ lệ Trạm y tế có chương trình thực hiện phổ biến, giáo dục kiến thức về chăm sóc sức khỏe và có hồ sơ theo dõi tình trạng sức khỏe của người khuyết tật khá cao (80-90%)[2] song còn tồn tại hạn chế: thiếu các công trình tiếp cận với người khuyết tật (đường dốc, nhà vệ sinh…), tỉ lệ cán bộ/nhân viên y tế được đào tạo các kiến thức cơ bản về người khuyết tật còn thấp.[3]

Khám bệnh, chữa bệnh: Sử dụng phạm vi mẫu và phương pháp điều tra có tính chính xác cao, qua đó thể hiện được nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế của người khuyết tật, trên cơ sở phân loại theo nhóm người khuyết tật và người không khuyết tật, khu vực đang sinh sống và điều kiện sống. Kết quả sau thống kê: Điều đáng mừng là không có bằng chứng nào cho thấy nghèo là yếu tố cản trở người khuyết tật đi khám bệnh. Tỷ lệ người khuyết tật đi khám bệnh không tăng theo mức sống như nhóm người không khuyết tật, có thể vì do nhóm người khuyết tật có khả năng tiếp cận với bảo hiểm y tế (BHYT) tốt hơn. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng nhóm này chủ yếu sẽ tập trung ở nhóm người khuyết tật nặng trở lên. Ngoài ra chúng ta cũng có thể thấy các dịch vụ về phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật chưa thực sự phổ biến, bằng chứng: 2,3% người khuyết tật tiếp cận được dịch vụ PHCN.

Bảo hiểm y tế: Con số ấn tượng khi hơn 90% người khuyết tật có BHYT miễn phí, tỷ lệ này còn cao hơn so với người không khuyết tật (hơn 80%). Điều này cho thấy BHYT hiện nay dường như tương đối phổ cập đối với mọi đối tượng trong xã hội. Việc số lượng người khuyết tật có BHYT có thể do được hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước, cụ thể: được cấp thẻ BHYT miễn phí cho người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, người hưởng chính sách có công với cách mạng, trẻ em hưởng chính sách BHYT miễn phí dưới 6 tuổi.... Nhưng con số này cũng không khẳng định 90% người khuyết tật có BHYT miễn phí là tất cả người khuyết tật tại Việt Nam vì theo quy định hiện hành người khuyết tật nhẹ không được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Tiêu chuẩn tiếp cận y tế: Còn nhiều rào cản làm hạn chế khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật: Cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế, nhân viên y tế: không có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, không có tài liệu chữ nổi cho người mù và đặc biệt là thiếu kỹ năng giao tiếp với người bệnh gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

Y tế là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu, tuy nhiên còn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế được thể hiện thông qua các số liệu thống kê từ cuộc tổng điều tra.

Thông tin về việc làm dành cho người khuyết tật:  

Người khuyết tật ít có cơ hội việc làm hơn so với người không khuyết tật, số liệu thống kê đã chỉ ra rằng tỷ lệ người khuyết tật từ đủ 15 tuổi trở lên có việc làm là hơn 31% trong đó đối với người không khuyết tật là hơn 82% (gấp 2,5 lần), một sự chênh lệch quá lớn. Ở đây, giáo dục có tương quan chặt chẽ với chênh lệch về tỉ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nhóm người khuyết tật và người không khuyết tật, trong đó người khuyết tật chưa tốt nghiệp tiểu học tìm kiếm được việc làm có tỷ lệ thấp nhất (20,78% ở người khuyết tật  so với 80,93% ở người không khuyết tật ).

Qua cuộc điều tra còn rút ra thêm rằng, dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật (tỷ lệ người khuyết tật nhìn và người khuyết tật  không thể tự chăm sóc được bản thân có việc làm rất thấp) và điều kiện sinh sống (VD:vùng đồi núi điều kiện đi lại khó khăn, đã ảnh hưởng lớn tới cơ hội có việc làm của người khuyết tật vận động thân dưới,…) cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới cơ hội có việc làm của người khuyết tật. 

Khuyết tật có thể dẫn đến thất nghiệp nếu nó tạo ra những rào cản trong tìm kiếm việc làm. Thất nghiệp là trạng thái người người không có việc làm nhưng đang tìm và sẵn sàng làm việc. Người ta cũng có thể quyết định không tìm viêc làm nữa và trong trường hợp đó họ bị coi là không hoạt động kinh tế. Trong điều tra này cũng đưa ra con số bị khuyết tật khiến nguy cơ bị thất nghiệp nhiều hơn hai lần so với người có việc làm, và không hoạt động kinh tế thì hơn 6 lần. Điều này thể hiện một mối liên hệ trái chiều giữa việc làm và khuyết tật.

Cuộc điều tra quốc gia đã được thực hiện sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực và cam kết của Tổng cục Thống kê với Chính phủ, quốc tế và với các tổ chức của và vì người khuyết tật tại Việt Nam. Kết quả của điều tra quốc gia này cũng là tạo hướng mở cho các tổ chức của và vì người khuyết tật tìm ra được con đường đi đúng hướng cho sự hòa nhập thực sự bình đẳng vào cộng đồng trong mọi mặt đời sống kinh tế xã hội từ giáo dục đào tạo, việc làm, y tế… Điều tra cũng làm chúng ta, những người hoạch định chính sách, các tổ chức đang làm vì và của người khuyết tật băn khoăn và cần tiếp tục tìm hiểu và dần dần gỡ bỏ rào cản hữu hình và vô hình đang dựng lên với người khuyết tật.


[1] Trang 165 của báo cáo

[2] Trang số 18 của Báo cáo (đoạn 90,6% Trạm y tế thực hiện giáo dục, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật và 88,3% trạm y tế có tài liệu theo dõi người khuyết tật)

[3] Trang số 18 của Báo cáo (đoạn Chỉ 16,9% trạm y tế được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn tiêp cận cho người khuyết tật.