Lịch sử hình thành và phát triển nghề công tác xã hội trong bệnh viện
Công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện lần đầu tiên xuất hiện ở Anh vào cuối thế kỉ 19 (năm 1895) và sau đó xuất hiện ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20 (năm 1905). Lúc đầu, nhân viên xã hội trong bệnh viện chỉ có vai trò là “nhân viên phát chẩn”, sau đó là phòng dịch vụ xã hội với nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ trợ giúp cho người bệnh (vào năm 1905-1913). Dần dần, nhân viên xã hội trong bệnh viện đã được chuyên nghiệp hóa và được gọi là nhân viên xã hội y tế. Nhân viên xã hội y tế có 06 hoạt động chủ yếu: Quản lý trường hợp về mảng y – xã hội, ghi chép dữ liệu, giảng dạy về sức khỏe, theo dõi bệnh nhân, điều chỉnh mức phí và mở rộng dịch vụ y tế bằng cách chuyển người bệnh đến các nhà dưỡng bệnh, cơ quan phúc lợi xã hội hay các cơ sở y tế khác. Nghề CTXH trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, người nhà người bệnh với nhân viên y tế. Xem lại lịch sử phát triển nghề CTXH trong bệnh viện cho thấy sự tương đồng với quá trình hình thành và phát triển nghề CTXH trong bệnh viện ở Việt Nam[1].
Năm 2010 đánh dấu bước ra đời của ngành CTXH nước ta khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam, giai đoạn 2010 – 2020” (gọi tắt là Đề án 32). Đề án tập trung vào việc phát triển nghề CTXH thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật mở đường cho sự hình thành và phát triển ngành CTXH ở Việt Nam. Nói đến ngành CTXH trong bệnh viện, năm 2015 đánh dấu bước phát triển của ngành khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện đã khẳng định được vai trò của nghề CTXH tại bệnh viện. Thông tư cũng đã quy định vai trò, nhiệm vụ của nhiên viên CTXH trong bệnh viện.
Nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong bệnh viện theo pháp luật Việt Nam
Nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong bệnh viện được thể hiện rất rõ nét và cụ thể trong Thông tư số 43, trong đó có đề cập đến một số nhiệm vụ như:
Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người bệnh): đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh; nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện; hỗ trợ khẩn cấp các hoạt động CTXH cho người bệnh là nạn nhân của bạo hành, bạo lực gia đình, bạo lực giới, tai nạn, thảm họa; hỗ trợ về tâm lý, xã hội, tư vấn về pháp lý, giám định pháp y, pháp y tâm thần; hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh…
Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật: Xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt; cập nhật và tổ chức phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, hoạt động của bệnh viện cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh;…
Vận động tiếp nhận tài trợ: Thực hiện hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra còn có một số hoạt động khác như hỗ trợ nhân viên y tế; đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế, người làm việc về CTXH; tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm CTXH của bệnh viện; tổ chức các hoạt động từ thiện, CTXH của bệnh viện tại cộng đồng (nếu có).
Căn cứ quy mô giường bệnh, điều kiện về nhân lực, kinh phí và phạm vi hoạt động chuyên môn, giám đốc bệnh viện quyết định thành lập một trong các hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện: 1. Phòng CTXH thuộc bệnh viện; 2. Tổ CTXH thuộc Khoa khám bệnh hoặc Phòng điều dưỡng hoặc Phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện.
Thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội trên thực tế
Việc triển khai chính sách CTXH khá chậm trên thực tế: Mặc dù Đề án 32 đã được Thủ tướng ký ban hành từ năm 2010, tuy nhiên, đến năm 2015, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư 43 để hướng dẫn nhiệm vụ và phát triển ngành CTXH. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến ngành CTXH trong bệnh viện chậm phát triển về quy mô cũng như chất lương dịch vụ. Về tổ chức mạng lưới CTXH chỉ có một số bệnh viện tuyến trung ương[2] đã triển khai hoạt động CTXH với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ bác sĩ trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh…góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Một số mô hình tổ chức của hoạt động CTXH trong bệnh viện và tại cộng đồng cũng đã được hình thành trong thực tiễn như: phòng CTXH, phòng Chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội…thuộc bệnh viện hay nhóm CTXH tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã/phường…Về chất lượng hoạt động, phần lớn hoạt động CTXH ở đa số bệnh viện tính đến nay vẫn chưa được tổ chức bài bản, chủ yếu mang tính tự phát dựa trên nhiệt huyết và kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên y tế. Đa số người làm CTXH chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nên thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa được như mong đợi. Đặc biệt mặc dù đã có hơn 55 trường đại học trên cả nước đào tạo ngành CTXH nhưng chỉ có trường Đại học Y tế công cộng là trường duy nhất đào tạo ngành CTXH trong bệnh viện.
Nhu cầu từ bệnh nhân nhiều nhưng bệnh viện không đủ sức đáp ứng: Nhu cầu về hỗ trợ CTXH trong bệnh viện rất lớn từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đặc biệt từ bệnh nhân là người khuyết tật (chiếm 6,4% dân số Việt Nam[3]), người cao tuổi, người nhiễm HIV/AIDS… để được hỗ trợ chăm sóc điều trị cả về thể chất, tinh thần, tâm lý. Tuy nhiên, việc đáp ứng của bệnh viện vẫn chưa đủ do thiếu nhân viên CTXH hoặc nhân viên CTXH chưa đủ trình độ chuyên môn để hỗ trợ, lập kế hoạch giúp đỡ bệnh nhân chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Trong khi yêu cầu nhân lực làm CTXH tối thiểu chiếm từ 1-2% tổng số nhân lực của bệnh viện và được đào tạo bài bản[4].
Nhiều bệnh viện tập trung phát triển nhiệm vụ vận động tiếp nhận tài trợ thay vì các nhiệm vụ khác. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân viên CTXH trong bệnh viện là hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện hiện nay lại đang tập trung nhiều về việc vận động quyên góp, từ thiện từ phía cộng đồng, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam có duy trì hoạt động mang tính từ thiện để trợ giúp bệnh nhân song vẫn chỉ là những việc làm tự phát[5]. Trong khi đó tại hầu hết các bệnh viện tuyến trên thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của người bệnh như cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm, tư vấn phác đồ điều trị, cách phòng ngừa, trấn an tinh thần người bệnh… Do đó, hiện đang có nhiều vấn đề nảy sinh tại các bệnh viện như “cò bệnh viện”, sự thiếu hụt thông tin khi tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc. Một trong những nguyên nhân là thiếu vai trò cần thiết của CTXH trong một số bệnh viện.
Kiến nghị
Cần có lộ trình bắt buộc đối với các bệnh viện để xây dựng Phòng CTXH trong bệnh viện hoặc Tổ CTXH thuộc Khoa khám bệnh hoặc Phòng điều dưỡng hoặc Phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện theo quy định tại Thông tư 43. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý công tác đào tạo để nâng cao chất lượng của nhân viên CTXH trong bệnh viện, như xây dựng các lớp đào tạo về ngành CTXH trong bệnh viện và thu hút học sinh, sinh viên đăng ký theo học. Chương trình đào tạo này sẽ cung cấp nguồn nhân lực ở trình độ đại học có kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, dịch tễ học; có kỹ năng nghề CTXH định hướng về hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho nhóm người khuyết tật, người cao tuổi; có kỹ năng phục hồi chức năng tại cộng đồng.
Để tránh xu hướng tự phát CTXH trong bệnh viện như hiện nay, Bộ Y tế cần chọn một bệnh viện đã tổ chức hiệu quả hoạt động CTXH làm mô hình thí điểm và nhân rộng mô hình này. Bệnh viện thí điểm phải có mô hình chuẩn về mặt lý thuyết, về mặt cơ cấu, thực hành, đào tạo, nhân lực chuẩn….
Tăng cường nhận thức, sự quan tâm của người đứng đầu các bệnh viện trong việc chỉ đạo, triển khai đúng hướng nhiệm vụ CTXH tại bệnh viện theo như quy định của Bộ Y tế, tránh phát triển lệch lạc, chỉ tập trung vào công tác từ thiện như không ít bệnh viện đang làm hiện nay. CTXH trong bệnh viện cần được đặt đúng vị trí của nó, đây là một nội dung hoạt động rất quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hóa lĩnh vực CTXH, góp phần vào chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân và hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh.
[1] Báo cáo Đề dẫn Hội thảo khoa học Phát triển CTXH trong bệnh viện – Những vấn đề lý luận và thực tiễn thực hành_PGS.TS Đỗ Hạnh Nga – Trưởng khoa CTXH, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐH QG TP HCM
[2] Một số bệnh viện tuyến trung ương đã có nhân viên CTXH như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bình Dân Tp HCM.
[3] Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016
[4] https://suckhoedoisong.vn/de-nghe-cong-tac-xa-hoi-trong-benh-vien-phat-trien-cach-nao-n151343.html
[5] Lịch sử phát triển CTXH trong bệnh viện trên thế giới và Việt Nam – Ths Trần Thị Trân Châu, Giảng viên khoa Khoa học quản lý – Giáo dục, Trường ĐH Khánh Hòa