Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thông tư số 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 18/01/2024

Thông tư số 32/2023/TT-BYT được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 31/12/2023, bao gồm 11 chương 56 điều và 29 Phụ lục kèm theo, quy định chi tiết về 10 nhóm vấn đề của Luật Khám bệnh, chữa bệnh với một số nội dung đáng chú ý sau:

(1) Cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh:

Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 05 năm liên tục.

Việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục có thể được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau như: Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, hội nghị, hội thảo về y khoa; Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; Tự cập nhật kiến thức y khoa… phù hợp với phạm vi hành nghề.

(2) Trực khám bệnh, chữa bệnh

Việc trực khám bệnh, chữa bệnh phải tuân theo những nguyên tắc sau:

- Trực ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh liên tục 24/24 giờ trong ngày.

- Các phiên trực phải được tổ chức chặt chẽ, có đầy đủ nhân lực, phươngtiện vận chuyển, thiết bị y tế và thuốc để cấp cứu người bệnh.

- Các vị trí trực phải bảo đảm dễ tiếp cận và đủ thông tin liên lạc.

- Người trực phải có mặt trước giờ nhận trực để nhận bàn giao của phiên trực trước và khi hết giờ phải bàn giao cho phiên trực sau, không được rời bỏ vị trí trực và phải thực hiện mệnh lệnh trực của cấp trên.

- Danh sách các thành viên trực được phân công theo tháng, lịch trực được công bố trước thời điểm trực ít nhất một tuần, do lãnh đạo bệnh viện ký duyệt và được ghi trên bảng ở mỗi vị trí trực. Công chức, viên chức, người lao động đã được phân công trực theo lịch, chỉ được thực hiện đổi trực ngang cấp khi được sự phê duyệt của lãnh đạo.

Thông tư cũng quy định rõ các vị trí trực đối với từng loại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, đối với trạm y tế cấp xã phải bố trí nhân lực cho một phiên trực như sau: Có tối thiểu 01 người hành nghề thuộc một trong các chức danh sau đây: bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

(3) Huy động, điều động người tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp

Trong trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền được phép điều động, huy động những người sau đây tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi pháp luật quy định:

(i) Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam (bao gồm cả người nước ngoài);

(ii) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

(iii) Sinh viên, học sinh, học viên của các trường thuộc khối ngành sức khỏe;

(iv) Người thuộc đối tượng được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

(4) Quy định về khám sức khỏe

- Đối tượng khám sức khỏe quy định tại Chương VI Thông tư số 32/2023/TT-BYT:

(i) Khám sức khỏe đối với công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam: khám sức khỏe định kỳ; khám phân loại sức khỏe để đi học, đi làm việc; khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên;

(ii) Khám sức khỏe theo yêu cầu;

(iii) Khám sức khỏe đối với người Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Việc khám sức khỏe quy định này không áp dụng đối với các trường hợp: Khám sức khỏe đối với các ngành, nghề đặc thù; Khám sức khỏe đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Khám bệnh ngoại trú, nội trú, bệnh nghề nghiệp; Khám giám định; Khám để cấp giấy chứng thương…

- Hồ sơ khám sức khỏe: Giấy khám sức khỏe (theo Mẫu).

Riêng đối với người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đề nghị khám sức khỏe nhưng không thuộc trường hợp khám sức khỏe định kỳ, trong hồ sơ phải có thêm: Văn bản đồng ý của thân nhân người bệnh.

- Giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe; Kết quả khám sức khỏe định kỳ có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 32/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.