Nghị định này được Chính phủ ban hành vào ngày 30/12/2023, bao gồm 9 chương và 148 điều, quy định chi tiết về 07 nhóm vấn đề của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định:
i) Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh:
* Người khuyết tật về ngôn ngữ, người nước ngoài tại Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt phải thực hiện việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh và yêu cầu về ngôn ngữ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bố trí người hành nghề hoặc người phiên dịch có khả năng sử dụng ngôn ngữ mà người bệnh đó sử dụng (chẳng hạn bố trí người hành nghề hoặc người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đối với người khuyết tật nghe – nói).
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể bố trí được thì người bệnh phải tự bố trí người phiên dịch và tự chịu trách nhiệm về nội dung phiên dịch.
* Đối với người khuyết tật về ngôn ngữ, người nước ngoài, đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tình trạng cấp cứu mà không có người đại diện:
- Trường hợp người bệnh (trong đó có người khuyết tật về ngôn ngữ) vẫn có thể tự giao tiếp và tại thời điểm cấp cứu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có người hành nghề sử dụng ngôn ngữ của người bệnh hoặc không có người phiên dịch mà chỉ có nhân viên có khả năng sử dụng ngôn ngữ của người bệnh: Được sử dụng nhân viên đó để hỗ trợ việc khám bệnh, chữa bệnh. Nhân viên thực hiện việc phiên dịch không phải chịu trách nhiệm về kết quả phiên dịch.
- Trong các trường hợp: (1) Người bệnh vẫn có thể tự giao tiếp nhưng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có người hành nghề, không có người phiên dịch hoặc không có nhân viên có khả năng sử dụng ngôn ngữ mà người bệnh sử dụng; (2) Người bệnh trong tình trạng không thể tự giao tiếp, việc khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh như sau:
+ Đối với người bệnh thành niên trước đó đã có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về khám bệnh, chữa bệnh thì thực hiện theo nguyện vọng của người bệnh.
+ Đối với người bệnh thành niên không có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp trước đó và người bệnh chưa thành niên: Thực hiện theo quyết định của người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
ii) Vấn đề kiểm tra, công nhận người đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh:
- Người được công nhận đủ trình độ phiên dịch ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh khi được “Cơ sở giáo dục được kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh” kiểm tra để công nhận, trừ một số trường hợp được công nhận mà không phải qua kiểm tra như: Có chứng chỉ đã hoàn thành các khóa đào tạo chuyên ngành y với thời gian đào tạo tối thiểu từ 12 tháng trở lên mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình đào tạo là ngôn ngữ mà người phiên dịch đăng ký làm phiên dịch…
- Một người phiên dịch chỉ được làm phiên dịch cho một người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại cùng một thời điểm mà người hành nghề đó đang khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh.
iii) Bắt buộc chữa bệnh:
Các trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo Nghị định này bao gồm:
(1) Bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm
(2) Bệnh trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát; người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc có hành vi gây nguy hại cho người khác hoặc phá hoại tài sản (sau đây viết tắt là người bệnh tâm thần):
- Trường hợp phát hiện người có dấu hiệu bệnh tâm thần trong cộng đồng hoặc trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại Điều 93 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.
- Đối với đối tượng vi phạm pháp luật hoặc nghi ngờ vi phạm pháp luật về hình sự mà mắc bệnh tâm thần, việc bắt buộc chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án.
Nghị định số 96/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Các Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.