Câu hỏi: Tôi là người mù, tôi muốn mở rộng cơ sở sản xuất và kinh doanh tăm tre của mình để tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật khác ở địa phương nhưng lại đang thiếu vốn. Tôi nghe nói nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp tuyển nhiều người khuyết tật vào làm việc. Xin hỏi như vậy có đúng không? Tháng 6/2018, cơ sở sản xuất của tôi cũng đã được nhà nước công nhận sử dụng 100% nhân công là người khuyết tật rồi
Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 12, khoản 1 Điều 13 Luật Việc làm 2013 và điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị đinh số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm thì “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật” được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp tại Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được thành lập và hoạt động hợp pháp;
- Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;
- Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;
- Có bảo đảm tiền vay (trong trường hợp mức vay trên 50 triệu đồng theo quy định tại Mục 8 Công văn số 3798/NHCS-TDSV).
Khi đã đáp ứng được những điều kiện nói trên, căn cứ Mục 5, 6, 7 Công văn số 3798/NHCS-TDSV, chính sách ưu đãi vay vốn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật trở lên được áp dụng như sau:
- Mức vay tối đa là 1 tỷ đồng cho 01 dự án và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm;
- Thời hạn vay không quá 60 tháng;
- Lãi suất vay vốn bằng 0,275%/tháng (bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 750/QĐ-TTg)
- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Tiếp theo, về hồ sơ và quy trình cho vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật trở lên trực tiếp tại trụ sở chi nhánh NHCSXH tỉnh, trụ sở Phòng giao dịch của NHCSXH cấp huyện được thực hiện theo quy định tại Mục số 11 Công văn số 3798/NHCS-TDSV như sau:
*Về hồ sơ vay vốn: Trước hết, anh/chị (với tư cách là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh) chuẩn bị 02 bộ hồ sơ vay vốn gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Dự án vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã nơi thực hiện dự án (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH);
- Bản sao (có chứng thực) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao Quyết định về việc công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp;
- Hồ sơ bảo đảm tiền vay (trong trường hợp mức vay trên 50 triệu đồng theo quy định tại Mục 8 Công văn số 3798/NHCS-TDSV).
*Về quy trình cho vay:
- Anh/chị gửi hồ sơ vay vốn tới NHCSXH nơi cho vay, cán bộ NHCSXH nơi cho vay được Giám đốc phân công thực hiện việc kiểm tra đối chiếu tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ vay vốn.
- Cán bộ NHCSXH tiến hành thẩm định để trình Giám đốc NHCSXH nơi cho vay ký duyệt để trình cấp có thẩm quyền ra Quyết định phê duyệt cho vay.
- Sau khi có Quyết định phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền, cán bộ NHCSXH nơi cho vay được Giám đốc phân công cùng người vay lập Biên bản định giá tài sản, Hợp đồng thế chấp, cầm cố (trường hợp phải thực hiện bảo đảm tiền vay) và Hợp đồng tín dụng trình Giám đốc NHCSXH nơi cho vay phê duyệt giải ngân.