Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quyết định 569/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 24/06/2023

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 áp dụng trên toàn quốc đối với các bệnh viện phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn; người khuyết tật và các đối tượng có nhu cầu phục hồi chức năng. Cụ thể:

(1) Mục tiêu chung

Bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

(2) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: bệnh viện phục hồi chức năng; trung tâm phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.

- Phấn đấu trên 90% bệnh viện phục hồi chức năng đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; 100% các bệnh viện, trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

(3) Tầm nhìn đến năm 2050

- Phục hồi chức năng được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành Y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng.

- Đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật ở Việt Nam; tiến tới triển khai phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở tất cả các xã, phường, thị trấn; các quận, huyện, thị xã; các tỉnh, thành phố trong cả nước và được tích hợp trong nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế.

- Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

(4) Nhiệm vụ, giải pháp

Quyết định đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp khác nhau, gồm:

- Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành.

- Thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng.

- Đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện hoạt động.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

- Tăng cường truyền thông và vận động xã hội.

- Hoàn thiện hệ thống kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo, đánh giá.

Trong đó, đối với nhiệm vụ “thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”, gồm một số nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý như:

+ Tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

+ Tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật là các đối tượng đặc biệt: người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, dioxin, người cao tuổi, người tâm thần và trẻ tự kỷ.

Trong nhiệm vụ “thực hiện nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế” đặt ra một số giải pháp đáng lưu ý như: Nghiên cứu, đánh giá cung cấp bằng chứng khoa học mô hình: phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em 0 đến 6 tuổi và trẻ tự kỷ… nghiên cứu chi trả bảo hiểm y tế đối với kỹ thuật phục hồi chức năng.

Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm: Ngân sách nhà nước, đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Giao Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định 569/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 24/05/2023.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-569-QD-TTg-2023-Chuong-trinh-phat-trien-he-thong-phuc-hoi-chuc-nang-2023-2030-567472.aspx