Ngày 16 tháng 03 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã ký Quyết định số 289/QĐ-LĐTBXH ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu quan trọng sau:
+ Tối thiểu 70% các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thuộc ngành LĐ-TB&XH đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), thực hiện được 100% danh mục kỹ thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, thực hiện được tối thiểu 70% danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh đến năm 2025 (đến năm 2030 chỉ tiêu này phấn đấu đạt được tương ứng là 100%, 100% và 80%);
+ Tối thiểu 70% cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng đến năm 2025 (đến năm 2030 chỉ tiêu này phấn đấu đạt 100%);
+ Tối thiểu 10% cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện được ít nhất 80% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã đến năm 2025 (đến năm 2030 chỉ tiêu này phấn đấu đạt được tương ứng là 30% và 80%);
+ Phấn đấu 80% đối tượng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử đến năm 2025 (đến năm 2030 chỉ tiêu này phấn đấu đạt 100%);
+ Từng bước đầu tư, nâng cấp các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành LĐ-TB&XH.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là:
(1) Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội.
(2) Củng cố, hoàn thiện các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
(3) Đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
(4) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
(5) Đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội. Trong đó đáng lưu ý là:
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế tại cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho đối tượng;
- Xây dựng gói dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cơ bản cho thương, bệnh binh, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật theo quy định của pháp luật bảo đảm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đối tượng.
(6) Hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội. Trong đó đáng lưu ý là:
- Mỗi năm xây dựng tối thiểu 2 mô hình khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng toàn diện tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội;
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ sàng lọc phát hiện sớm người bị bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật, người nghiện ma túy và hướng dẫn các địa phương sử dụng bộ công cụ.
Về tổ chức thực hiện, Quyết định này giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương thực hiện những nhiệm vụ có liên quan. Trong đó, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chịu trách nhiệm đầu mối để điều phối các hoạt động của Chương trình.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ngày 16 tháng 03 năm 2023.
Vui lòng theo dõi chi tiết tại link: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-289-QD-LDTBXH-2023-nang-cao-chat-luong-cham-soc-suc-khoe-nguoi-co-cong-cach-mang-560355.aspx