Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quyết định số 03/QĐ-UBQGNKT ngày 14 tháng 03 năm 2023 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2023

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 15/04/2023

Ngày 14 tháng 03 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã ra Quyết định số 03/QĐ-UBQGNKT ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong năm 2023, giao nhiệm vụ cho cho 21 cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội liên quan với 110 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong công tác người khuyết tật. Trong đó có một số nhiệm vụ nổi bật như:

(1) Nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật, bao gồm:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

+ Nghiên cứu xây dựng hồ sơ trình Chính phủ đưa vào kế hoạch sửa đổi Luật Người khuyết tật;

+ Nghiên cứu đề xuất các quy định đối với người khuyết tật đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội;

+ Hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định về công tác xã hội;

- Bộ Y tế:

+ Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phục hồi chức năng và bảo hiểm y tế (BHYT) người khuyết tật được chăm sóc, phục hồi chức năng;

+ Nghiên cứu xây dựng về chính sách chi trả BHYT đối với người khuyết tật sử dụng thiết bị, dụng cụ, vật liệu phục hồi chức năng, trang thiết bị y tế đặc thù cá nhân và hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành những quy định liên quan về giáo dục hòa nhập người khuyết tật được quy định trong Luật Giáo dục năm 2019;

- Bộ Xây dựng: Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Tiếp cận công trình xây dựng thay thế QCVN 10:2014/BXD đảm bảo phù hợp thực tiễn, trong đó bổ sung tiếp cận và bảo vệ người già và trẻ em;

- Bộ Giao thông Vận tải: Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát đối với hệ thống giao thông;

(2) Nghiên cứu, xây dựng một số tài liệu liên quan trong lĩnh vực người khuyết tật như:

- Bộ Y tế: Nghiên cứu, đánh giá cung cấp bằng chứng khoa học mô hình: phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em 0 đến 6 tuổi và trẻ tự kỷ;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng tài liệu Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật mầm non; tài liệu Hướng dẫn giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật các cấp học;

- Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam (phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức nghiên cứu, khảo sát nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 và nạn nhân không phải là người có công làm cơ sở đề xuất chính sách phù hợp…

(3) Tổ chức triển khai các hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật như:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

+ Tổ chức đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng đào tạo cho khoảng 20.000 người khuyết tật từ nguồn ngân sách nhà nước;

+ Triển khai xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ sinh kế, khởi nghiệp cho người khuyết tật và khoảng 350 gia đình có người khuyết tật gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo:

+ Lập Quy hoạch và hướng dẫn thực hiện hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;

+ Tổ chức vận hành phần mềm quản lý hệ thống hỗ trợ giáo dục người khuyết tật Việt Nam;

+ Tiếp tục xây dựng Hệ thống ngôn ngữ kí hiệu và Hệ thống chữ nổi Braille cho người khuyết tật;

+ Tiếp tục thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa các lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới sang sách chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn;

- Bộ Giao thông Vận tải: Tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo thực hiện miễn giảm giá vé, phí dịch vụ khi người khuyết tật tham ra giao thông công cộng trong cả 5 lĩnh vực giao thông (đường bộ, hàng không, đường sắt. đường thủy nội địa và hàng hải);

- Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật nhìn hoặc khuyết tật khác không có khả năng đọc chữ in tiếp cận tác phẩm đã được công bố;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tổng cục Thống kê tổ chức Điều tra quốc gia người khuyết tật năm 2023 thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

- Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Chỉ đạo Quỹ vì người nghèo các cấp hỗ trợ cho khoảng 4-5% người khuyết tật mua thẻ BHYT;

- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Phát triển mạng lưới quốc gia hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực trên cơ sở giới tại 63 tỉnh/thành;

- Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Hỗ trợ phát triển mạng lưới, thúc đẩy việc thành lập các tổ chức, Câu lạc bộ của người khuyết tật ở địa phương;

- Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Hoàn thiện quy trình thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam;

- Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Thực hiện chương trình hỗ trợ nhằm trợ giúp cho 2000 lượt người khuyết tật và gia đình họ được cải thiện cuộc sống; Mở rộng hoạt động hỗ trợ cho khoảng 8000 người khuyết tật và người hộ cận nghèo có thẻ BHYT;

- Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam: Khám chữa bệnh, chữa tật, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp cho 1000 trẻ em khuyết tật, trẻ tự kỷ;

- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Dạy nghề thủ công mỹ nghệ, may tre đan, cắt may, dệt thêu thổ cẩm cho khoảng 300 người khuyết tật…

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 03 năm 2023.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-03-QD-UBQGNKT-2023-Ke-hoach-Uy-ban-quoc-gia-nguoi-khuyet-tat-Viet-Nam-560226.aspx