Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, bao gồm 121 điều khoản chia thành 12 chương với nội dung chính về: (i) Quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (ii) Chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật; (iii) Điều kiện bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
Một số nội dung nổi bật có thể kể đến như:
(1) Quy định về giấy phép hành nghề
- Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề (theo Luật Khám bệnh, chữa bênh năm 2009 là Chứng chỉ hành nghề) từ việc thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.
- Bổ sung thêm 03 đối tượng phải có giấy phép hành nghề so với Luật Khám bệnh, chữa bênh năm 2009 gồm: Cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng và dinh dưỡng lâm sàng
- Luật quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.
(2) Quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh
- Ngôn ngữ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh là tiếng Việt.
- Người hành nghề nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh theo thỏa thuận hợp tác giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam với cơ sở y tế của nước ngoài hoặc người bệnh có khả năng sử dụng chung ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký.
- Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm quy định chi tiết về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt, người khuyết tật về ngôn ngữ, người bệnh là người nước ngoài.
(3) Quy định về phục hồi chức năng
- Hoạt động phục hồi chức năng thực hiện theo các nguyên tắc: (i) Phòng ngừa và giảm ảnh hưởng của khuyết tật; khám phát hiện để can thiệp phục hồi chức năng sớm; (ii) Đánh giá nhu cầu sử dụng các biện pháp can thiệp phục hồi chức năng trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh; (iii) Các biện pháp can thiệp phải được thực hiện liên tục, toàn diện theo các giai đoạn tiến triển của bệnh tật; (iv) Phối hợp giữa chuyên khoa, cá nhân, tổ chức có liên quan.
- Hoạt động phục hồi chức năng bao gồm: (i) Khám, chẩn đoán, xác định nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh; (i) Sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ phục hồi chức năng và các biện pháp can thiệp khác; (iii) Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng; (iv) Điều chỉnh, cải thiện điều kiện tiếp cận môi trường sống phù hợp với tình trạng sức khỏe; (v) Tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật.
(4) Quy định về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân
- Bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành định kỳ hằng năm. Kết quả đánh giá chất lượng được công khai tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hạ tầng công nghệ thông tin phải bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
- Phòng khám đa khoa tư nhân tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo, phòng khám đa khoa khu vực của Nhà nước, nhà hộ sinh và trạm y tế xã được bố trí giường lưu để theo dõi và điều trị cho người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
- Triển khai các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Vui lòng theo dõi chi tiết tại link: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/the-thao-y-te/Luat-15-2023-QH15-kham-benh-chua-benh-372143.aspx