Thông tư này được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2022 với một số nội dung đáng chú ý như sau
* Về phạm vi áp dụng, Quy chuẩn quốc gia tại Thông tư này áp dụng đối với:
- Nhà ở: chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao phòng cháy chữa cháy (PCCC) đến 150 m và không quá 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn;
- Các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm (trừ các công trình trực tiếp sử dụng làm nơi thờ cúng, tín ngưỡng; các công trình di tích); các loại sân thể thao ngoài trời có khán đài (sân vận động, sân tập luyện, thi đấu thể thao và tương tự);
- Các nhà sản xuất, nhà kho, nhà cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật, có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm; các nhà phục vụ giao thông vận tải có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 3 tầng hầm;
- Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (trừ nhà ươm, nhà kính trồng cây và tương tự).
* Thông tư đặt ra những yêu cầu có tính nguyên tắc cơ bản đối với việc thiết kế nhà, quá trình xây dựng và sử dụng nhà. Cụ thể:
i) Khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì:
- Nhà vẫn duy trì được tính ổn định tổng thể và tính bất biến hình trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà;
- Mọi người trong nhà (không phụ thuộc vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe) có thể sơ tán ra bên ngoài tới khu vực an toàn (sau đây gọi là bên ngoài) trước khi xuất hiện nguy cơ đe doạ tính mạng và sức khỏe do tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy;
- Có khả năng cứu người;
- Lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản;
-Không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ;
ii) Trong quá trình xây dựng phải bảo đảm:
- Thực hiện các yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho các công trình đang xây dựng, các công trình phụ trợ,Trang bị các phương tiện chữa cháy theo quy định và trong trạng thái sẵn sàng hoạt động;
- Khả năng thoát nạn an toàn và cứu người, cũng như bảo vệ tài sản khi xảy ra cháy trong công trình đang xây dựng và trên công trường vv
iii) Trong quá trình khai thác sử dụng phải:
- Bảo đảm các bộ phận của nhà và khả năng làm việc của các hệ thống bảo vệ chống cháy phù hợp với yêu cầu thiết kế và các tài liệu kỹ thuật; thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy theo quy định;
- Không được phép thay đổi kết cấu hay các giải pháp bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình mà không có thiết kế được phê duyệt theo quy định; vv
Bên cạnh phần Quy định chung tại khoản 1, nội dung Thông tư 06/2022/TT-BXD quy định khá chi tiết các quy chuẩn quốc gia thuộc năm nhóm nội dung:
1. Nhóm quy chuẩn phân loại kỹ thuật về cháy (khoản 2 của Thông tư)
2. Nhóm quy chuẩn về bảo đảm an toàn cho người (khoản 3)
3. Nhóm quy chuẩn về ngăn chặn cháy lan (khoản 4);
4. Nhóm quy chuẩn về cấp nước chữa cháy (khoản 5);
5. Nhóm quy chuẩn về chữa cháy và cứu nạn ((khoản 6).
Trong Nhóm quy chuẩn phân loại kỹ thuật về cháy (khoản2), Bảng 6 (phân loại Nhóm nhà dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng) đã chia ra 05 Nhóm nhà khác nhau như: Nhà để ở thường xuyên hoặc tạm thời (nhóm F1); Nhà của các cơ sở văn hoá, thể thao (nhóm F2); Nhà của các cơ sở thương mại, kinh doanh và dịch vụ dân cư (Nhóm F3); các công trình giáo dục, đào tạo, trụ sở làm việc, tổ chức khoa học, nghiên cứu và thiết kế, cơ quan quản lý (Nhóm F4); các nhà, công trình, gian phòng có công năng sản xuất và kho (Nhóm F5).
Đặc biệt, một số nhà thuộc nhóm F1 như: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; bệnh viện (trừ bệnh viện dã chiến), phòng khám đa khoa; nhà hộ sinh; nhà chuyên dùng cho người cao tuổi và người khuyết tật (không phải nhà căn hộ), nhà dưỡng lão; vv được xếp vào Nhóm nhà F1.1.
Đối với Nhóm quy chuẩn bảo đảm an toàn cho người (khoản 3), Thông tư quy định những nguyên tắc chủ yếu như:
-Thoát nạn cho người kịp thời và không bị cản trở;
- Cứu người bị tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy;
- Bảo vệ người trên đường thoát nạn tránh khỏi những tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho người, Thông tư quy định rõ những quy chuẩn như:
- Không cho phép bố trí các gian phòng nhóm F1.1 (và một số nhóm nhà khác thuộc Nhóm F1.2 khách sạn, nhóm F1.3: Chung cư) ở các tầng hầm và tầng nửa hầm.
- Các tầng nhà thuộc các nhóm nhà nói trên và các tầng nhà với số lượng người từ 50 trở lên phải có không ít hơn hai lối ra thoát nạn;..
- Các gian phòng nhóm F1.1 có mặt đồng thời hơn 15 người; trong các tầng hầm và tầng nửa hầm có mặt đồng thời hơn 15 người; các gian phòng có mặt đồng thời từ 50 người trở lên;... cũng phải có không ít hơn hai lối thoát nạn.
Về cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn, Thông tư quy định rõ: Chiều rộng của bản thang bộ dùng để thoát người, trong đó kể cả bản thang đặt trong buồng thang bộ, không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỳ lối ra thoát nạn (cửa đi) nào trên nó, đồng thời không được nhỏ hơn:
+ 1,35 m - đối với nhà nhóm F1.1 (như trên đã đề cập, Nhóm nhà F1.1 gồm nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, nhà hộ sinh; nhà chuyên dùng cho người cao tuổi, người khuyết tật;...).
+ 1,2 m - đối với nhà có số người trên tầng bất kỳ, trừ tầng một, lớn hơn 200 người;
+ Độ dốc (góc nghiêng) của các thang bộ trên các đường thoát nạn không được lớn hơn 1:1 (45°); ...
* Về quy chuẩn ngăn chặn cháy lan (khoản 4), Thông tư quy định một số yêu cầu chủ yếu như:
- Sử dụng giải pháp kết cấu và bố trí mặt bằng - không gian để ngăn cản sự lan truyền các yếu tố nguy hiểm của đám cháy trong một gian phòng, giữa các gian phòng với nhau, giữa các tầng và các đơn nguyên;..
- Hạn chế tính nguy hiểm cháy và nguy hiểm cháy nổ công nghệ trong các gian phòng và nhà;
- Có các thiết bị chữa cháy ban đầu, trong đó bao gồm thiết bị tự động và cầm tay; Có thiết bị phát hiện cháy và báo cháy; vv
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2023 và thay thế Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19/05/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.
Nội dung chi tiết vui lòng xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Thong-tu-06-2022-TT-BXD-Quy-chuan-QCVN-06-2022-BXD-An-toan-chay-cho-nha-va-cong-trinh-544059.aspx