Luật này được Quốc hội khóa XV thông qua vào ngày 10 tháng 11 năm 2022. Luật gồm 06 chương với 91 điều. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý:
Theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (sau đây gọi tắt là Luật) thì: “Cơ sở “ là xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); tổ chức có sử dụng lao động.
* Về phạm vi thực hiện dân chủ cơ sở, Luật quy định như sau:
- Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.
- Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác ; công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. ;...
i) Đối với việc thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), Luật quy định một số nội dung nổi bật, gồm :
Quy định 14 nhóm nội dung chính quyền xã phải công khai, như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp xã và kết quả thực hiện; Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã; Dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất ; các khoản huy động Nhân dân đóng góp; Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;vv
Những nội dung công khai nói trên được thực hiện bằng các hình thức như: Niêm yết thông tin; Phát tin trên hệ thống truyền thanh của cấp xã (nếu có); Thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến công dân;...
Đặc biệt, Luật quy định rõ những nội dung chủ yếu sau đây thuộc quyền nhân dân bàn và quyết định tại xã phường:
- Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.
- Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định;....
- Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
- Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng;...
Đa số các nội dung của các quyết định nói trên được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên trong thôn, tổ dân phố tán thành.
Bên cạnh đó, Luật thực hiện dân chủ cơ sở cũng quy định các hình thức kiểm tra giám sát của công dân tại cơ sở, thông qua cơ chế trực tiếp (qua hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư...) hoặc thông qua các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ;vv
ii) Về nội dung thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị và ở các tổ chức có sử dụng người lao động:
Luật quy định những nội dung doanh nghiệp nhà nước phải công khai gồm:
- Tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định)
- Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động;
- Các thỏa ước lao động tập thể mà doanh nghiệp đã ký kết, tham gia;
- Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
- Quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệpvv
Các hình thức công khai thông tin gồm: Niêm yết thông tin; Thông báo tại hội nghị người lao động; Thông báo bằng văn bản đến toàn thể người lao động; qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; vv
Luật cũng quy định rõ những nội dung người lao động trong doanh nghiệp bàn và quyết định gồm:
- Nội dung thương lượng tập thể đã đạt được theo quy định của pháp luật.
- Việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động.
- Việc bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân.
- Nội dung nghị quyết của hội nghị người lao động và các nội dung tự quản khác trong nội bộ doanh nghiệp nhà nước không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Người lao động trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp nhà nước thông qua các hình thức chủ yếu như:
- Hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt của người lao động ở doanh nghiệp;
- Tiếp cận các thông tin được công khai; Tham dự hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc;
- Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ; vv
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định: việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thực hiện theo quy định chung tại Luật này (Chương I) và các quy định cụ thể về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH 15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
Thông tin chi tiết vui lòng xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Thuc-hien-dan-chu-o-co-so-nam-2022-546085.aspx