Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 20/12/2022

Ngày 14/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15, bao gồm 56 điều khoản chia thành 6 chương với nhiều sửa đổi, bổ sung so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (Luật năm 2007). Trong đó có thể kể đến một số điểm mới quan trọng như sau:

(1) Về các hành vi bạo lực gia đình:

- Mở rộng các hành vi bạo lực gia đình từ 09 nhóm hành vi (khoản 1 Điều 2 Luật năm 2007) lên thành 16 nhóm hành vi tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Trong đó, điểm đặc biệt phải kể đến người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi…) được quy định trực tiếp là đối tượng bị bạo lực gia đình bởi hành vi không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình (điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022).

- Sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự theo hướng: (1) Quy định cụ thể về thành viên của gia đình người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng bao gồm cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của họ; (2) Bổ sung các hành vi bạo lực được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ (khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022).

(2) Về phòng ngừa bạo lực gia đình:

Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 là “Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm”. Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”. Trong đó:

- Việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 2 Điều 13 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, đặc biệt là cần chú trọng đến người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác.

- Việc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vào một số đối tượng như: Người bị bạo lực gia đình; Người có hành vi bạo lực gia đình; Người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác; Người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới; Người chuẩn bị kết hôn (khoản 2 Điều 16 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022).

(3) Về báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình:

- Quy định chi tiết về địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình với một số địa chỉ được bổ sung như: Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và đặc biệt là Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Quy định chi tiết về trách nhiệm xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Đặc biệt, trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công Công an xã, phường, thị trấn xử lý (khoản 4 Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022).

(4) Về các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình:

- Bổ sung một số biện pháp mới như: Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình; Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng (Điều 24, Điều 31, Điều 33). Việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc được thực hiện trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác hoặc khi có căn cứ cho rằng hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có thể tiếp tục gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về một số biện pháp đã được quy định tại Luật năm 2007. Đơn cử như đối với biện pháp Cấm tiếp xúc: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình (điểm b khoản 1 Điều 25, khoản 2 Điều 26).

(5) Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình:

- Đổi tên “Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình” theo Luật năm 2007 thành “Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình” cho phù hợp với chức năng thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

- Sửa đổi, bổ sung các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó bao gồm: Địa chỉ tin cậy; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở trợ giúp xã hội; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; và, Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023 và thay thế cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-Phong-chong-bao-luc-gia-dinh-2022-490095.aspx