Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thông tư số 14/2022/TT-LĐTBXH về tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 24/09/2022

Thông tư này được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh xã hội ban hành ngày 30 tháng 8 năm 2022, có tên đầy đủ là: “Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Thông tư này áp dụng đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Không áp dụng đối với các trường sư phạm thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư gồm một số nội dung chủ yếu như sau:

i) Đối với tư vấn nghề nghiệp (Chương II)

+/Nội dung chính về tư vấn nghề nghiệp bao gồm:

- Đối với người học có nhu cầu học giáo dục nghề nghiệp: cách thức phát hiện thế mạnh bản thân; thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tìm hiểu các chính sách, chế độ khi lựa chọn học nghề; nhu cầu nhân lực từ thị trường lao động…

- Đối với người học đang học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Tư vấn về phương pháp, kỹ năng hoạch định kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho tương lai và một số kỹ năng cần thiết cho người học; các chế độ, chính sách cho người lao động liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo; thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động đối với ngành, nghề người học đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Đối với người học sau tốt nghiệp có nhu cầu học ngành nghề khác hoặc có nhu cầu học trình độ cao hơn: Về ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo; thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; một số kỹ năng chuyển đổi, thích ứng linh hoạt cho người học…

+/ Hình thức tư vấn nghề nghiệp gồm:

- Tổ chức chương trình, hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp.

- Thông qua các hoạt động câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về ngành nghề; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giao lưu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.

- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; thông qua video clip, hình ảnh; qua tài liệu, ấn phẩm và các phương tiện truyền thông.

- Phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội trong việc triển khai các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh…

 ii) Về công tác tư vấn việc làm (Chương III)

+/ Nội dung tư vấn việc làm tập trung vào những vấn đề như:

- Cung cấp thông tin về việc làm liên quan đến ngành, nghề đào tạo; thông tin về tuyển dụng, yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; chính sách lao động, việc làm;

- Kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và một số kỹ năng làm việc khác;

- Tư vấn  lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe, năng lực, nguyện vọng; kết nối với đơn vị sử dụng lao động giới thiệu việc làm cho người học…

+/ Hình thức tư vấn chủ yếu gồm:

- Tổ chức chương trình, ngày hội tư vấn việc làm, tuyển dụng của doanh nghiệp, các hoạt động tư vấn việc làm kết nối người học với đơn vị sử dụng lao động;

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng về kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm; thông qua các câu lạc bộ, các lớp đào tạo, hoạt động tham quan, thực tập trải nghiệm tại đơn vị sử dụng lao động;

- Thông qua video clip, hình ảnh; qua tài liệu, ấn phẩm và các phương tiện truyền thông.

- Hướng dẫn người học khai thác cơ sở dữ liệu thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về thị trường lao động, đánh giá kỹ năng, thái độ, khả năng thích ứng với thị trường lao động…

iii) Về công tác hỗ trợ khởi nghiệp (ChươngIV)

+/ Hoạt động này gồm các nội dung chủ yếu như:

- Cập nhật xu hướng giáo dục toàn cầu; các chương trình giáo dục khởi nghiệp của địa phương, quốc gia và thế giới; các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của nhà nước; các vườn ươm, không gian khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài;

- Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về khởi nghiệp cho người học;

- Xây dựng các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân vào công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp; chương trình ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ hoàn thiện các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của người học với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân;

- Hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite…

+/ Các nội dung hỗ trợ nêu trên được triển khai dưới các hình thức như sau:

- Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các video clip, hình ảnh, ấn phẩm; Tổ chức cuộc thi, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học giáo dục nghề nghiệp;

- Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho người học & cho cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp;

- Thông qua các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới cựu học sinh, sinh viên đã tham gia khởi nghiệp…

Thông tư 14/2022/TT-LĐTBXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2022.

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-14-2022-TT-BLDTBXH-ho-tro-sinh-vien-khoi-nghiep-trong-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-528779.aspx?newsid=42486&ui=09RVMk1UUXpPQTTV&pi=09pBeU1pMHdPUzB4TUMweE5TMHdOUTTW&ci=261706512