Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Mức cấp dưỡng nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn?

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 09/07/2022

Câu hỏi: Tôi và chồng kết hôn được 10 năm. Trong quá trình chung sống với nhau, chúng tôi có một con chung, hiện cháu đã được 6 tuổi. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng tôi không hòa hợp, nhiều lần cãi vã và mâu thuẫn nên chúng tôi quyết định ly hôn khi mà cuộc sống hôn nhân không thể cứu vãn được nữa. Khi ly hôn, hai vợ chồng tôi quyết định để con ở với tôi. Vậy cho tôi hỏi, tôi có quyền yêu cầu chồng cấp dưỡng nuôi con hay không? Mức cấp dưỡng là bao nhiêu? Phương thức cấp dưỡng được thực hiện như thế nào? Mong được tư vấn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

* Về nghĩa vụ cấp dưỡng:

Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định. Trong đó nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng (khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Cũng theo Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

(1) Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

(2) Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

(3) Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, sau khi ly hôn, nếu vợ chồng chị quyết định để con ở với chị thì chị có quyền yêu cầu chồng cấp dưỡng nuôi con theo quy định.

* Về mức cấp dưỡng:

Căn cứ theo Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Như vậy, mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn sẽ được thực hiện trên thỏa thuận giữa chị và chồng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Trong trường hợp hai vợ chồng không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

* Về phương thức cấp dưỡng:

Theo quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.