Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 26/02/2024

Câu hỏi: Anh tôi đi nghĩa vụ từ năm 2022, đến cuối tháng 1 năm 2024 thì ra quân và được cấp một Thẻ đào tạo nghề. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết với thẻ này, thanh niên xuất ngũ sẽ được Nhà nước hỗ trợ học nghề để sớm có cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống. Do vậy, chúng tôi muốn hỏi cụ thể về điều kiện sử dụng thẻ, nội dung và mức hỗ trợ? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Khoản 2 Điều 21 Luật Việc làm năm 2013 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên như sau:

“Điều 21. Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên

…2. Nhà nước hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thông qua các hoạt động sau đây:

a) Tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên;

b) Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;

c) Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp”.

Căn cứ vào quy định trên đây, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Chính sách này được thực hiện theo quy định tại Điều 14 đến Điều 16 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Điều 2 đến Điều 4 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH như sau:

* Điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề:

Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an được hỗ trợ đào tạo nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

(1) Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

(2) Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.

* Nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề:

(1) Đối với người tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp: Được cấp Thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp.

Khi được cấp đào tạo nghề, thanh niên được cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và chi hỗ trợ đào tạo, chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo quy định. Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

Trong đó, mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học. Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên (căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH và điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC).

(2) Đối với người tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ:

- Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn;

- Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC 
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.