Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 27/02/2024

Câu hỏi: Qua tìm hiểu báo đài, tôi thấy thời gian qua có khá nhiều người người lợi dụng việc kết hôn giả tạo cũng như ly hôn giải tạo để trục lợi. Vậy cho tôi những hành vi vi phạm này có bị xử phạt theo quy định pháp luật không? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo được định nghĩa tại các khoản 11, 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình”.

“Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân”.

Kết hôn giả tạo và lý hôn giả tạo là những hành vi vi phạm quy định về kết hôn bị cấm quy định tại điểm a khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Trong đó, về xử lý vi phạm hành chính, Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

...2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

…d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân”.

Căn cứ vào quy định trên đây, người nào lợi dụng việc kết hôn giả tạo hoặc ly hôn giả tạo thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi kết hôn giải tạo hoặc ly hôn giả tạo (khoản 3 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC 
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.