Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số nét khái quát về thực trạng pháp luật Việt Nam về ngôn ngữ ký hiệu

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 25/12/2018

Khoản 4 Điều 30 Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) mà Việt Nam là thành viên đã nhấn mạnh: Người khuyết tật có quyền được công nhận và ủng hộ bản sắc ngôn ngữ và văn hóa riêng biệt của mình, trong đó có ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) dành cho người khuyết tật nghe, nói (bao gồm người câm điếc, người khiếm thính). Mặc dù NNKH không phải là phương thức giao tiếp duy nhất của người khuyết tật nghe, nói[1] song đây lại được coi là ngôn ngữ “mẹ đẻ” có thể giúp họ tự tin hòa nhập xã hội. Vậy hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đang thực sự nhìn nhận như thế nào về NNKH?

Ngôn ngữ ký hiệu đang được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Luật Người khuyết tật năm 2010 – Đạo luật đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh các vấn đề chính sách chủ yếu  liên quan đến người khuyết tật

Với mong muốn bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền của người khuyết tật một cách toàn diện, Luật Người khuyết tật bước đầu đã có sự ghi nhận vai trò của NNKH trong hai lĩnh vực cơ bản là giáo dục và công nghệ thông tin – truyền thông.

Trước tiên, khoản 3 Điều 27 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về giáo dục đối với người khuyết tật: “…người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu”. Có thể thấy, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đảm bảo quyền được tham gia giáo dục một cách trọn vẹn và bình đẳng của người khuyết tật nghe, nói ở mọi cấp học. Tuy nhiên, sự hạn chế về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu để giảng dạy NNKH trong nhà trường đồng thời thiếu vắng những bộ giáo trình chuẩn quốc gia về NNKH (tính đến thời điểm hiện nay – 2018) vô hình chung đang thu hẹp cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng của từng cá nhân người khuyết tật nghe, nói. Qua tìm hiểu, hầu hết các trường chuyên biệt giảng dạy bằng NNKH cho người khuyết tật nghe, nói tại Việt Nam đều tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Lên tới cấp học cao hơn như trung học cơ sở, trung học phổ thông hay đại học, cao đẳng thì số lượng cơ sở đào tạo lại càng trở nên “khan hiếm” hơn nữa.

Tiếp đó, trên cơ sở nhận thấy tầm quan trọng của NNKH trong việc tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật nghe nói, Nhà nước đã kịp thời bổ sung các chính sách trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như sau: Giao trách nhiệm cho Đài truyền hình thực hiện chương trình phát sóng có phụ đề tiếng Việt và NNKH dành cho người khuyết tật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (khoản 2 Điều 43 Luật Người khuyết tật 2010). Tuy nhiên, phụ đề tiếng Việt và phiên dịch NNKH trên thực tế chưa được nhà đài triển khai áp dụng rộng rãi trên các kênh sóng truyền hình toàn quốc. Hiện tại, Đài truyền hình Việt Nam có tới hơn 300 chương trình được phát sóng hàng ngày nhưng chỉ có kênh VTV2 (phát lúc 22h), HTV9 và một số ít các chương trình đặc biệt khác (VD: Chương trình VTV Đặc biệt phát sóng ngày 01/12/2018) có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu – số lượng còn quá ít ỏi trên tổng số các kênh thông tin mà người khuyết tật nghe nói có thể tiếp cận tới. Nhìn chung, những vấn đề này phần nào đó đang làm hạn chế sự tiếp cận thông tin của người khuyết tật nghe nói.

Luật giáo dục năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) điều chỉnh các vấn đề liên quan đến giáo dục cho người khuyết tật, trong đó có ngôn ngữ sử dụng trong nhà trường

Điều 21 và Điều 24 CRPD đang kêu gọi sự thừa nhận và thúc đẩy việc sử dụng NNKH; tạo thuận lợi cho việc học NNKH và khuyến khích phát triển bản sắc ngôn ngữ của cộng đồng người khuyết tật nghe nói. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 27 Luật Người khuyết tật 2010 nói trên cũng đã ghi nhận quyền của người khuyết tật nghe, nói được học bằng NNKH. Tuy nhiên, ngôn ngữ sử dụng trong nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay chủ yếu là ở hình thức ngôn ngữ nói. Điều 7 Luật Giáo dục đang quy định về “Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác (Tiếng Việt); dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ” mà “bỏ quên” NNKH. Khoảng trống này dường như đang hạn chế quyền bình đẳng về sử dụng ngôn ngữ trong học tập cũng như khả năng tham gia giáo dục một cách hiệu quả của người khuyết tật nghe, nói.

Các đạo luật khác thuộc các lĩnh vực y tê, lao động việc làm, tố tụng như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009; Bộ luật lao động 2012; Luật Việc làm 2013; Bộ luật tố tụng dân sự/hình sự 2015;…

Qua kết quả rà soát và đánh giá, các luật chuyên ngành khác thuộc các lĩnh vực y tế, lao động việc làm, dạy nghề, tố tụng (tố tụng dân sự, tố tụng hình sự),… hầu như chưa có quy định liên quan đến NNKH[2], tạo ra những rào cản nhất định khi người khuyết tật nghe nói tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Chẳng hạn trong lĩnh vực tố tụng, nhà nước cũng chưa có chính sách rõ ràng về việc cấp chứng chỉ hành nghề có giá trị về mặt pháp lý cho người phiên dịch ngôn ngữ ký dẫn đến những khó khăn khi tham gia quá trình tố tụng với tư cách là người phiên dịch trước Tòa cho đương sự là người khuyết tật nghe, nói.

Tựu chung lại, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành gần như đang “bỏ ngỏ” việc điều chỉnh những quan hệ pháp lý liên quan đến sử dụng NNKH. Các văn bản pháp luật chuyên ngành chưa thể hiện được hoặc phản ánh chưa đầy đủ tinh thần của CRPD mà Việt Nam là thành viên khi chưa công nhận NNKH là một trong những ngôn ngữ được sử dụng chính thống tại Việt Nam. Do đó, một vấn đề cấp thiết được đặt ra rằng toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam cần phải được nghiên cứu để lồng ghép một cách đầy đủ và toàn diện các chính sách đảm bảo việc công nhận và sử dụng NNKH của người khuyết tật nghe, nói.

Một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật và cơ chế thi hành pháp luật về ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của NNKH đối với người khuyết tật nghe nói là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm hàng đầu trước khi tiến hành điều chỉnh pháp luật. Bởi lẽ, các quy định của pháp luật được xây dựng trên cơ sở phản ánh tình hình thực tế của xã hội cũng như phản ánh được mong muốn, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng (thông qua hoạt động đánh giá tác động chính sách đối với một số loại văn bản trước khi ban hành). Bên cạnh đó, khuyến nghị Đài truyền hình nên mở rộng số kênh phát sóng có phụ đề tiếng Việt và phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, điều chỉnh thời gian phát sóng và tiếp tục sản xuất các chương trình dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình nhằm tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi NNKH trong đời sống xã hội.

Điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật về NNKH. Với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay, việc bù đắp cho những “lỗ hổng pháp lý” liên quan đến NNKH đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên thực tiễn, đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới như: Cộng hóa Séc (thông qua đạo luật chính thức công nhận NNKH cho người điếc); Mỹ (Đạo luật về NNKH ASL);…[3] Do đó, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có những định hướng và chỉ đạo rõ ràng đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy bản quy phạm pháp luật có chính sách liên quan đến người khuyết tật về việc lồng ghép vấn đề đảm bảo sử dụng NNKH sao cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của từng văn bản. Cụ thể:

Trước hết, Bộ giáo dục và đào tạo cần nhanh chóng ban hành Thông tư quy định chuẩn quốc gia về NNKH cho người khuyết tật nghe, nói trong các lĩnh vực quy định tại Luật Người khuyết tật năm 2010, phù hợp với CRPD (theo kế hoạch giáo dục người khuyết tật giai đoạn 2018 – 2020 của ngành giáo dục ban hành kèm theo Quyết định 338/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo).

Tiếp đó, Luật Giáo dục 2005 cần được chú trọng sửa đổi, bổ sung theo hướng: Quy định ngôn ngữ giáo dục trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác bao gồm cả NNKH tiếng Việt. Để bảo đảm hiện thực hóa quyền này, cần tiến hành những biện pháp thích hợp để tuyển dụng giáo viên, trong đó có giáo viên khuyết tật, có trình độ về NNKH, đào tạo chuyên gia và nhân viên ở mọi cấp giáo dục. Sự đào tạo này phải bao gồm nâng cao nhận thức về người khuyết tật và sử dụng các cách thức, phương tiện và dạng giao tiếp tăng cường hoặc thay thế, kỹ thuật và cơ sở vật chất giáo dục để hỗ trợ người khuyết tật nghe nói.

Cuối cùng, tiếp tục bổ sung các quy định về người phiên dịch NNKH trong các văn bản pháp luật: Đặc biệt chú trọng đến vấn đề nâng cao chất lượng phiên dịch (bao gồm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng) và điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ phiên dịch NNKH trong trường hợp tham gia ở các giai đoạn tố tụng theo luật định, đặc biệt là giai đoạn tranh tụng tại Tòa án.


[1]Một số phương thức khác giúp người khuyết tật nghe, nói (người câm điếc, người khiếm thính) tiếp cận bao gồm: sử dụng cử chỉ, đọc khẩu hình miệng, sử dụng thính lực còn lại, ngôn ngữ viết tiếng Việt,… Tuy nhiên, những phương thức này chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thể thay thế ngôn ngữ ký hiệu.

[2]Nguyễn Hiền Phương, Chính sách pháp luật Việt Nam về ngôn ngữ ký hiệu, Bài trình bày tại sự kiện “Ngôn ngữ ký hiệu – Tất cả cùng hòa nhập” của Trung tâm ACDC, 21/9/2018.

[3]Nguyễn Hiền Phương, Chính sách pháp luật Việt Nam về ngôn ngữ ký hiệu, Bài trình bày tại sự kiện “Ngôn ngữ ký hiệu – Tất cả cùng hòa nhập của Trung tâm ACDC, 21/9/2018.