Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh,trật tự, an toàn xã hội; phòng chống bạo lực gia đình...

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 18/01/2022

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 31/12/2021, có tên gọi đầy đủ là: Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; chữa cháy; cứu nạn; cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình. Nghị định này gồm 04 chương và 82 điều, bao gồm những nội dung đáng chú ý như sau:

  1. Vi phạm các quy định trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Điều 7-8)

Gồm một số chế tài như:

  • Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đến 01 triệu đối với một trong những hành vi:
  • Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
  • Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đối với một trong những hành vi:
  • Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền;
  • Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng; tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.
  • Phạt tiền từ 02 triệu đến 03 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  • Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp pháp luât quy định khác;tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;...
  • Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
  • Phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  • Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
  • Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  • Phạt tiền từ 05 triệu đến 08 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  • Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;
  • Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Sàm sỡ, quấy rối tình dục;Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.
  1. Vi phạm hành chính  về phòng chống bạo lực gia đình:

Gồm một số chế tài đáng chú ý như sau (quy định tại các Điều từ Điều 52 đến Điều 67)

    1. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
  • Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
  • Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời...
    1. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý (Điều 54-55)

Gồm một số chế tài như: 

  • Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với một trong hành vi:
  • Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè... nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;
  • Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
  • Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  • Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ;
  • Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
  • Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với một trong những hành vi:
  • Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;
  • Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.
  1. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình; vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng (Điều 56-57)

Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với hành vi :

  • Ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án); ...
  • Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật; Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; Nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
  1. Hành vi bạo lực về kinh tế; buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ (Điều 58 - 59)
  • Phạt tiền từ 05 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi: buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
  • Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với một trong những hành vi :
  • Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình;
  • Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại,vv  theo quy định; Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
  1. Hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ); bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin BLGĐ, người giúp đỡ nạn nhân BLGĐ (Điều 61-62)

Gồm một số chế tài như sau:

  • Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn; Không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; Cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình.
  • Phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.
  • Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Hành hung, đập phá, hủy hoại tài sản của  người ngăn chặn, phát hiện, báo tin , người giúp đỡ nạn nhân BLGĐ.
  1. Hành vi  vi phạm quy định về tiết lộ thông tin về nạn nhân BLGĐ

Phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng đối với nhân viên y tế, nhân viên tư vấn trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có một trong những hành vi: Tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân bạo lực gia đình mà không được sự đồng ý của nạn nhân hoặc người giám hộ của nạn nhân làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân; Cố ý tiết lộ hoặc tạo điều kiện cho người có hành vi bạo lực biết nơi tạm lánh của nạn nhân bạo lực gia đình.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và  thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-144-2021-ND-CP-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-linh-vuc-an-ninh-an-toan-xa-hoi-425471.aspx