Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09-12-2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với cách mạng

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 15/04/2021

Ngày 09 tháng 12 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về Ưu đãi người có công với cách mạng, gồm 7 Chương và 58 Điều, quy định về về phạm vi, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sỹ, mộ liệt sỹ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, của người có công với cách mạng. Nội dung Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

* Quy định cụ thể đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng:

Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng gồm: (1) Người có công với cách mạng; và (2) Thân nhân của người có công với cách mạng. Trong đó:

- Đối với nhóm Người có công với cách mạng:

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 tiếp tục ghi nhận những đối tượng tương tự như đã được quy định khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh hiện hành, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 hoặc hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sỹ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 còn bổ sung một số đối tượng mới được hưởng chế độ người có công với cách mạngngười bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày (điểm k khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh).

- Đối với nhóm Thân nhân người có công với cách mạng: Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 đã quy định cụ thể thân nhân người có công với cách mạng là đối tượng hưởng chế độ ưu đãi bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sỹ.

Ngoài ra, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 cũng ghi nhận việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ quy định cụ thể (khoản 8 Điều 48).

* Nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng:

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng tại Điều 6, trong đó có một số nguyên tắc quan trọng như về trách nhiệm chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của Nhà nước và xã hội; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú…

* Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công với cách mạng:

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.

Trong đó, về điều kiện công nhận liệt sỹ cũng như điều kiện công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi tắt là thương binh), trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh hiện hành, Điều 14 và Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 đã chỉnh lý các trường hợp được công nhận liệt sỹ, công nhận thương binh nhằm bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế, bối cảnh thời bình, tôn vinh xứng đáng với người có công, cụ thể:

- Loại bỏ trường hợp hy sinh/bị thương khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ do cơ quan có thẩm quyền giao (đang được quy định tại điểm h Điều 11, điểm g Điều 19 Pháp lệnh hiện hành).

- Bổ sung một số trường hợp hy sinh/bị thương khi:

+ Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

+ Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;

+ Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;

+ Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh (đối với liệt sỹ); hoặc, Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh mà để lại thương tích thực thể (đối với thương binh).

- Giới hạn lại phạm vi điều kiện công nhận liệt sỹ/thương binh trong một số trường hợp hy sinh/bị thương khi:

+ Làm nghĩa vụ quốc tế;

+ Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;

+ Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội;

+ Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định (đối với liệt sỹ); hoặc, Do tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định (đối với thương binh).

* Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân:

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 dành một điều (Điều 5) liệt kê những chế độ ưu đãi chủ yếu đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Tùy vào từng đối tượng, được hưởng những ưu đãi chủ yếu như sau:

(i) Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần;

(ii) Các chế độ ưu đãi khác bao gồm: Bảo hiểm y tế; Điều dưỡng phục hồi sức khỏe; Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở; Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước; Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng; Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh; Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Trong số những chế độ ưu đãi này có một số điểm nổi bật đối với các đối tượng sau:

- Chế độ đối với liệt sỹ được quy định tại Điều 15 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14. Đồng thời, Pháp lệnh mới cũng đã dành một Chương 3 (gồm 3 điều luật) quy định về công trình ghi công liệt sỹ, mộ liệt sỹ. Trong đó, mộ liệt sỹ có đầy đủ thông tin an táng tại nghĩa trang liệt sỹ được di chuyển theo nguyện vọng của thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sỹ (khoản 4 Điều 42).

- Chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ: Điều 16 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 đã quy định chi tiết các chế độ ưu đãi đối với thân nhân của liệt sỹ trên cơ sở kế thừa Điều 14 Pháp lệnh hiện hành và các quy định của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP với một số điểm mới nổi bật sau:

+ Thân nhân liệt sỹ được trợ cấp tuất một lần khi truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công.

+ Trợ cấp tuất hằng tháng đối với những người sau đây: (1) Cha đẻ, mẹ đẻ, con liệt sỹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, người có công nuôi liệt sỹ; trường hợp có nhiều liệt sỹ thì theo các mức thân nhân của hai liệt sỹ, thân nhân của ba liệt sỹ trở lên; (2) Vợ hoặc chồng liệt sỹ.

+ Thân nhân liệt sỹ được hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sỹ, di chuyển hài cốt liệt sỹ.

+ Trường hợp vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sỹ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống hovì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống thì hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và bảo hiểm y tế (khoản 10 Điều 16 Pháp lệnh).

+ Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng hiện hưởng khi thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết, trừ trường hợp đối tượng là vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc vợ khác chết (khoản 11 Điều 16 Pháp lệnh).

+ Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết, trừ trường hợp đối tượng là vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc vợ khác chết (khoản 12 Điều 16 Pháp lệnh).

- Chế độ ưu đãi với Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Bà mẹ VNAH):

Bên cạnh các chế độ hưởng tương tự như thân nhân liệt sỹ, Pháp lệnh quy định các chế độ ưu đãi chủ yếu đối với Bà mẹ VNAH như: Phụ cấp hằng tháng; trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ VNAH sống ở gia đình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm; Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định pháp luật v.v. Đặc biệt, Pháp lệnh quy định rõ mức trợ cấp hàng tháng của Bà mẹ VNAH bằng 03 lần mức chuẩn (khoản 2 Điều 18 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14).

- Bên cạnh đó, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 cũng quy định một số trường hợp người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng chết thì thân nhân của họ được trợ cấp một lần với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng hiện hưởng (điểm b khoản 3 Điều 13, khoản 11 Điều 16, khoản 4 Điều 22, khoản 6 Điều 31, khoản 2 Điều 34, khoản 2 Điều 40 số 02/2020/UBTVQH14). Ngoài ra, trong trường hợp Bà mẹ VNAH được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì thân nhân của Bà mẹ VNAH được trợ cấp một lần.

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021.

Các Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021.

Vui lòng theo dõi chi tiết tại link:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Phap-lenh-02-2020-UBTVQH14-uu-dai-nguoi-co-cong-voi-Cach-mang-460718.aspx