Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cơn bão lịch sử

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 29/12/2020

Tất cả người dân xóm Hiến chúng tôi ai nấy vẫn chưa khỏi bàng hoàng về mức độ tàn phá của cơn bão lịch sử vừa quét qua. Nhiều nhà bị hư hỏng nặng, hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu bị vùi lấp trong đất cát, hàng trăm con gia súc, gia cầm chết, đường sá sạt lở… Tuy không có thiệt hại về người nhưng công tác cảnh báo, phòng chống và ứng phó thiên tai đối với người khuyết tật sẽ là bài học lớn đối với địa phương tôi. Vì chỉ chậm chút nữa, anh Bắc đã không thể tới kịp nơi tránh trú bão một cách an toàn.

Tôi với anh Bắc vốn là “bạn nối khố”, chơi chung một đám trẻ con trong xóm. Năm 18 tuổi, anh Bắc trúng tuyển ngành điện tử của một trường Đại học có tiếng. Chín tháng sau, một biến cố lớn đã xảy ra làm thay đổi cuộc đời anh. Chiều ấy, trên đường từ thành phố về quê nghỉ hè anh bị tai nạn giao thông. Tai nạn ấy không cướp đi sinh mạng của anh nhưng khiến đôi chân của anh tập tễnh khá nặng. Nhà hồi đó rất nghèo khiến anh phải ngừng hẳn việc học. Những ngày thường thì không nói nhưng mỗi khi “trái gió trở trời” chân càng nhức mỏi, nhiều lúc đi một đoạn ngắn mà anh đã thấy đau rã rời. Anh Bắc hiện đang sống một mình, nhà ở cuối xã, mẹ mất đã vài năm nay, còn cô em gái kém anh bốn tuổi cũng đã lập gia đình cách quê cả trăm cây số. Căn nhà đơn sơ lại càng thêm lạnh lẽo. Ngày trước anh Bắc sôi nổi lắm nhưng từ ngày bị tai nạn anh sống khép kín hẳn.

Một thời gian sau, ở xã mở lớp dạy nghề điêu khắc cho đối tượng là người khuyết tật. Được sự động viên của tôi và vài người bạn, anh Bắc ghi tên vào danh sách đăng ký học nghề. Sau đôi lần không tìm được việc, anh định hướng tự sản xuất và kinh doanh đồ điêu khắc. Anh Bắc là một trong những người khuyết tật đầu tiên của xã được vay vốn tự tạo việc làm với lãi suất ưu đãi. Hai năm sau, bằng sự chăm chỉ và nhạy bén của mình, anh Bắc dần trả xong nợ và xây được một căn nhà cấp 4 vững chắc có chỗ tránh mưa, tránh nắng.

Từ đầu tháng năm, xã tôi nhận được văn bản chỉ đạo của cấp trên về Kế hoạch phòng chống và ứng phó thiên tai. Kế hoạch thì năm nào cũng được đưa về từng xã, nhưng hầu hết chỉ tổ chức một đến hai buổi họp xóm để phổ biến nội dung chứ chưa triển khai được hoạt động diễn tập phòng, chống thiên tai nào. Đa số bà con trong xóm sống chủ yếu bằng nghề nông mà nhà nông chẳng mùa nào thảnh thơi! Phần nữa mấy năm nay xã tôi ít bị ảnh hưởng bởi bão nên càng làm bà con có tâm lý chủ quan. Hai tuần trước, Đoàn Thanh niên xã tôi được huy động kiên cố lại nhà văn hóa từng thôn để làm nơi trú ẩn an toàn nếu chẳng may có bão đến. Mặc dù vẫn chuẩn bị tinh thần để phòng chống bão lụt nhưng không ai nghĩ bão lụt ập đến quê mình.

Đang giữa đêm, cả xóm chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng của trưởng xóm thông báo trên loa phát thanh về tình hình bão lụt. Xã tôi không phải là trung tâm bão đổ bộ, nhưng mưa lớn kèm gió thốc từ chiều đến giờ khiến cho các hồ chứa ở đập thủy điện rất lớn, bắt buộc phải xả nước trong đêm. Theo thông báo, đoàn thanh niên cần tập hợp ngay để di dời bà con ở vùng trũng đến nơi an toàn. Lúc này mọi người mới thực sự hốt hoảng vì đây là lần đầu tiên xã thông báo trong đêm về tình hình bão lụt đồng thời yêu cầu khẩn trương di dời ngay. Nước càng ngày càng dâng lên nhanh, đòi hỏi chúng tôi phải “chạy đua” với thời gian để đưa bà con đến nơi trú ẩn.

Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là những người được ưu tiên hàng đầu, được chúng tôi nhanh chóng đưa đến nhà văn hóa thôn. Giữa tiếng bước chân hối hả và tiếng trẻ con khóc vì ngái ngủ trong nhà văn hóa, chợt nghĩ đến anh Bắc, tôi thực sự hốt hoảng khi không thấy anh đâu, gọi anh cả chục cuộc nhưng đầu dây bên kia là tiếng “tút..tút” kéo dài. Sợ anh gặp chuyện chẳng lành, tôi cùng vài ba đoàn viên nữa tức tốc phóng xe đến nhà anh trong trời mưa bão. Đến nơi, tôi thấy nhà anh khóa cửa ngoài, đoán rằng anh đang ở trong xưởng nên chúng tôi vội vã tìm anh. Đến nơi, tôi thấy nước đã ngập đến đầu gối, còn anh Bắc vẫn đang loay hoay gói ghém đồ trong xưởng. Xưởng vốn là căn nhà gỗ đã lâu đời, mái lợp bằng lá cọ, bốn thế hệ gia đình anh đã cùng chung sống ở đây trước khi anh xây nhà mới. Nó ngày càng xiêu vẹo, cột gỗ đã mục đi nhiều nên dường như chống đỡ không nổi trận bão này. Chúng tôi vừa thở hổn hển vừa giục anh: “Anh Bắc... đi thôi anh ơi! Không đi là không kịp đâu anh ơi!!!... Người còn là của còn....” Mặc chúng tôi giục, tay anh vừa thu dọn đồ, miệng luôn bảo: “Các chú đợi tôi một tí nữa, tôi sắp xong rồi!”. Hai phút sau, nhận thấy căn nhà có dấu hiệu sắp đổ, không thể chần chừ thêm nữa, tôi và một đồng chí nữa kiên quyết dìu anh Bắc ra xe. Ngay khi chúng tôi vừa ra khỏi cửa, xưởng gỗ đổ sập xuống sau lưng. Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy “lạnh sống lưng”, cả ba chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc!

Khi đến nơi trú ẩn, tay anh vẫn giữ khư khư ôm bộ đồ nghề, tôi đưa anh một cốc nước ấm để lấy lại bình tĩnh. Khi đã “hoàn hồn” anh bắt đầu kể: “Tôi chưa biết thông tin về việc sơ tán đến nơi trú ẩn vì nhà tôi ở tận cuối xã, thêm nữa tiếng mưa to, điện thoại thì lại hỏng cách đây mấy hôm mà chưa sửa được....  Ngập ngừng một lúc, tôi không biết là anh đang khóc hay là nước mưa đọng lại trên má anh khi nãy, anh nói tiếp: “Tôi biết là nguy hiểm nhưng tôi tiếc lắm, hơn nửa năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên sản phẩm tiêu thụ chậm rất chậm, chỉ dám sản xuất cầm chừng...”. Nói đến đây, anh cứ nhìn chằm chằm vào bộ đồ nghề trên tay rồi tiếp tục nghẹn ngào: “Tháng trước, tôi nhận được đơn hàng mới. Người ta hẹn hai hôm nữa đến lấy hàng. Mấy ngày nay tôi tranh thủ ngày đêm làm để kịp giao cho khách mà giờ bỏ đi thì tôi tiếc lắm… Tiền ăn tết năm nay của tôi phụ thuộc cả vào đơn hàng này. Thế nên trước khi các chú đến, tôi cố gắng gói ghém đồ đạc, sau mới dự định tìm nơi trú ẩn. May mà các chú đến kịp, chứ không thì tôi giờ chẳng được ngồi đây”.  Nghe anh nói vậy, mấy anh em cán bộ xã và Đoàn Thanh niên chúng tôi cũng không khỏi áy náy, tự trách vì đã bỏ sót việc thông tin, hỗ trợ anh Bắc khi anh còn thiếu kỹ năng tự phòng chống thiên tai. Đúng là một bài học kinh nghiệm quý giá.

Sau đợt bão đó, song song với việc khắc phục hậu quả, xã tôi đã gấp rút tổ chức họp để chỉnh sửa, bổ sung Kế hoạch phòng chống và ứng phó thiên tai. Nội dung Kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức nhiều khóa tập huấn cho bà con trong xã về kỹ năng phòng chống thiên tai, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu. Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp tăng cường quản lý danh sách đối tượng người khuyết tật ở các dạng tật và mức độ khuyết tật; tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ xã, thôn, cán bộ các đoàn thể…về kỹ năng hỗ trợ người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật trên địa bàn xã… Xã tôi cũng chủ động xây dựng được thêm một điểm tránh trú tiếp cận với người khuyết tật. Về phía anh Bắc, giờ đây anh cũng là một trong những thành viên tích cực trong Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt của xóm, tích cực hỗ trợ cho những người yếu thế như mình. 

Luật Phòng chống thiên tai 2013:

- Khoản 4, Điều 3 (Giải thích từ ngữ) : Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo.

- Điểm b, Khoản 2, Điều 15 (Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã): Xác định nội dung và biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với từng loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương, chú ý đến đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể; tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai; xác định khu vực nguy hiểm; chuẩn bị địa điểm sơ tán; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai.

- Khoản 1, Điều 24 (Dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai): Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng được chuyển tải bằng ngôn ngữ phổ thông (tiếng Việt), đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc.