“Sau vụ tai nạn đó đến nay, chỉ khổ cô vợ. Ông chồng chỉ ở trong nhà có làm được việc gì nữa đâu, cái gì cũng đến tay vợ làm, bao nhiêu công việc nhà, con cái đều vợ phải lo hết” - những lời bàn tán của hàng xóm xung quanh cứ văng vẳng bên tai Trung kể từng ngày vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra đã lấy đi đôi chân của anh.
Sinh ra là một người không khuyết tật, Trung lấy vợ và hiện có hai con, một bé trai năm nay 12 tuổi và một cháu gái năm nay 06 tuổi. Cách đây 03 năm, trên đường đi làm từ công ty về nhà, trời bỗng nổi dông. Một trận lốc xoáy cuộn đến khiến cây cối trên đường nghiêng ngả. Một cành cây phượng gãy xuống, rơi trúng làm anh Trung ngã xuống đường bất tỉnh. Cú giáng chí mạng đó đã làm anh bị chấn thương nặng cột sống và đôi chân. Trải qua phẫu thuật cấp cứu và điều trị lâu dài, sau những ngày nằm hôn mê trong bệnh viện, anh Trung đã tỉnh dậy nhưng bị liệt hai chân do tủy trong 2 đốt sống D11, D12 bị dập và gần như đứt gẫy.
Tai nạn là cú sốc lớn của gia đình anh. Mọi gánh nặng giờ đây đặt lên vai vợ anh. Từ một lao động chính trong nhà, anh trở thành gánh nặng cho vợ con và bố mẹ. Anh buồn và tuyệt vọng. Gia đình, người thân, cơ quan, bạn bè đã giúp đỡ chạy chữa nhưng đôi chân anh cũng không hề có biến chuyển. Suốt 02 năm trời anh buồn sầu khóc tủi, ngày qua ngày chỉ quanh quẩn trong nhà không đi ra ngoài và cũng chẳng chơi với ai. Đã nhiều lần anh định tìm đến cái chết để khỏi khổ mình và khổ người khác. Nhưng rồi trách nhiệm của người chồng, người cha không cho phép anh làm điều đó. Được vợ, các con, người thân, bạn bè động viên, chia sẻ, anh dần dần hòa đồng hơn, sống vui hơn.
Tai nạn đã khiến anh mất đi đôi chân và phải ngồi xe lăn của mình. Ảnh minh họa
Nhìn thấy vợ vất vả ngược xuôi kiếm tiền trang trải cuộc sống, anh tìm cách để mình sống có ích hơn. Thương vợ, thương con, anh tìm hiểu các chính sách nhà nước dành cho người khuyết tật. Anh biết đến chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp dưới 03 tháng dành cho người khuyết tật của nhà nước, anh tìm đến Hội người khuyết tật huyện nhờ giúp đỡ. Qua quá trình tìm hiểu các nghề được hỗ trợ đào tạo, anh lựa chọn học nghề công nghệ thông tin. Thời gian đầu tham gia khóa học anh cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng do sự chăm chỉ, cố gắng của bản thân và sự hướng dẫn nhiệt tình từ giáo viên, kết thúc khóa học, anh đạt loại Giỏi. May mắn thay, cũng từ đây, anh được giới thiệu vào công tác tại một công ty chuyên về dịch vụ công nghệ thông tin với vị trí nhân viên thuộc nhóm công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ như sản xuất nội dung trên website, nhập thông tin, dữ liệu, hỗ trợ khách hàng. Với bản tính siêng năng, tư chất thông minh và rất có trách nhiệm trong công việc, nên sau khoảng gần một năm anh Trung đã được Ban Giám đốc thực sự tín nhiệm, đồng nghiệp nể trọng. Cuộc sống của anh dần khởi sắc.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, vợ anh phải nghỉ việc ở nhà, là người lao động khuyết tật, gia đình gặp khó khăn, còn phải nuôi thêm hai con nhỏ, anh Trung muốn làm việc thêm giờ, kể cả làm việc vào ban đêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống sinh hoạt trong gia đình. Đã rất nhiều lần anh Trung đề nghị với Ban Giám đốc công ty cho phép anh được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, có lần anh trao đổi trực tiếp, có lần thì làm đơn xin làm tăng ca, có lần anh nhờ các đồng nghiệp giúp đỡ xin phép ban lãnh đạo,… nhưng lần nào cũng bị từ chối. Giám đốc công ty, đồng nghiệp của anh đều rất chia sẻ với anh về vấn đề này vì ai cũng hiểu rõ được hoàn cảnh của gia đình anh, mọi người an ủi: “Công ty rất cần những người lao động chăm chỉ, có năng lực như anh để làm việc thêm giờ để tăng doanh thu nhưng vì chính sách pháp luật không cho phép người lao động là người khuyết tật làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm nên công ty không thể để anh làm việc tăng ca được, như vậy là vi phạm điều cấm của pháp luật”. Anh buồn nhưng cũng không làm gì hơn được. Trưởng phòng nhân sự của công ty còn giải thích rõ thêm cho anh Trung: “Vì anh là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động trên 51%, nên nếu Ban Giám đốc huy động anh làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm thì sẽ phạm vào điều cấm của Bộ luật Lao động năm 2012, khi ấy công ty sẽ bị xử phạt”. Từ đó, anh cũng không còn đề xuất yêu cầu phía công ty cho phép anh được làm việc thêm giờ hay làm việc vào ban đêm nữa.
Trong thời gian Covid-19, vợ anh cũng khó khăn để xin một công việc mới. Mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào thu nhập từ đồng lương của anh Trung. Mới cách đây không lâu, cuộc sống gia đình anh đang dần dần ổn định, nhưng giờ đây cuộc sống ngày lại càng khó khăn hơn, cả hai vợ chồng anh luôn trong tâm trạng “ăn bữa nay lo bữa mai”, sợ rằng nếu ngày mai công ty anh Trung cũng thông báo cho anh nghỉ việc nữa thì vợ chồng và hai con của anh biết phải nương tựa vào đâu.
Anh đã tìm thấy niềm vui khi được làm việc thêm giờ tại công ty để gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng sống cho gia đình. Ảnh mang tính chất minh họa
Gần cuối năm 2020, công ty anh Trung có thông báo về việc Bộ luật lao động mới (năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021) quy định cho phép người sử dụng lao động sử dụng người lao động là người khuyết tật làm việc thêm giờ, làm việc vào ban đêm nếu người lao động là người khuyết tật đồng ý. Được tin này, anh Trung vui mừng khôn xiết, nhanh chóng làm đơn đăng ký với công ty về việc mong muốn được làm thêm giờ. Công ty xét duyệt, dựa trên nhu cầu kinh doanh của công ty và nhu cầu của người lao động, anh Trung may mắn là một trong những người lao động là người khuyết tật đáp ứng đủ điều kiện được phép làm việc thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
Từ khi được công ty sắp xếp làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ đến nay, mức thu nhập của anh Trung được tăng thêm nhiều hơn. Sau hơn 03 năm kể từ ngày anh bị tai nạn, nhờ có nguồn lương từ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm của anh đã giúp vợ chồng anh không còn phải lo lắng nhiều như trước đây, vợ con anh cũng bớt vất vả hơn.
Đối với người lao động là người khuyết tật cũng như đối với người lao động là người không khuyết tật, khi bản thân họ có nhu cầu, có đủ sức khỏe để làm việc thêm giờ, làm việc vào ban đêm thì họ hoàn toàn có thể làm việc thêm giờ, làm việc vào ban đêm để tăng thu nhập cho chính bản thân họ, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển nền kinh tế. Những thay đổi phù hợp trong quy định của Bộ luật Lao động mới sẽ giúp cho không chỉ anh Trung mà còn rất nhiều người nữa có cuộc sống tươi sáng hơn, no đủ hơn.
Điều 160 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:
“Điều 160. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật
1. Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
2. Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.”