Người ta có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” quả nhiên không sai chút nào. Từ thôn đến phố, người ta say sưa bia rượu chúc tụng nhau. Riêng với Tiến, những ngày Tết luôn là những ngày “đặc biệt” về mọi nhẽ. Cách đây gần chục năm, một người đàn ông điều khiển xe trong tình trạng say sỉn đã đâm vào Tiến, khi anh đang trên đường về nhà. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vụ tai nạn đã gây tổn thương nghiêm trọng đến phần xương chân, khiến anh phải điều trị và phục hồi chức năng trong suốt nhiều năm trời mà vẫn không thể đi lại được như bình thường. Kể từ đó, mỗi khi nhắc đến rượu bia là anh lại nhớ đến nỗi đau mà mình đã phải trải qua. Tiến cũng tự hứa với bản thân mình sau này sẽ không dám đụng vào một giọt bia rượu nào.
Quyết tâm vượt lên nghịch cảnh, Tiến xin phép gia đình lên thành phố học nghề. Với đôi bàn tay khéo léo, dần dần anh gây dựng nên một xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ nhỏ và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác. Những ngày đầu năm mới, người ta vẫn thấy Tiến miệt mài ở xưởng để kịp hàng khách đặt. Có những ngày bận bịu, Tiến chủ động lái chiếc xe ba bánh của mình để đi giao hàng cho khách. Một ngày nọ, sau khi ký kết được một hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay, Tiến tình cờ gặp các chiến hữu của mình đi đang ngồi nhậu ở một quán ven đường. Vừa mới đỗ xe xuống chào hỏi, anh đã bị đám bạn lôi ngay vào quán để nhậu cùng. Một phần vì nỗi ám ảnh về vụ tai nạn, một phần vì lời thề năm xưa nên Tiến đã một mực “cự tuyệt” với những lời mời bia rượu. Tiến cũng không quên nhắc nhở những người bạn của mình: “Chắc các ông cũng biết bây giờ có quy định cứ uống rượu bia mà lái xe là bị phạt rất nặng, khéo đi tong cả tháng tiền lương chứ chẳng chơi”. Nghe Tiến nói xong, cả nhóm bạn cười ầm lên: “Ông đúng là gan thỏ đế! Ông đi xe ba bánh thì có nguy hiểm gì đâu mà phải sợ? Với lại, từ quán phóng về nhà có một quãng, để lát tôi chỉ cho ông đi cái ngõ tắt bên kia đường cho nhanh. Mà tôi đã tìm hiểu rồi, đoạn đường này ban ngày vắng vẻ lắm, làm gì có công an. Hay là bây giờ ông thành ông chủ rồi nên ông không muốn tiếp bọn tôi nữa?”. Một người bạn khác tiếp tục lên tiếng: “Thôi thì ông cứ uống với bọn tôi một vài chén. Ông mà không uống thì coi thường đám bạn này quá…”. Trước những lời khích nhậu của bạn bè và sẵn có niềm vui về một cuộc làm ăn lớn ban sáng, Tiến đành “tặc lưỡi” nhập cuộc dù trong lòng cảm thấy rất bức bối và bất an.
Sau hai tiếng hàn huyên tâm sự ở quán nhậu thì mặt người nào người nấy đều đỏ như gà chọi. Họ bắt đầu leo lên xe để trở về nhà. Cả nhóm vừa đi được một đoạn thì gặp hai chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tuýt còi: “Chào các anh, mời các anh xuống xe để chúng tôi kiểm tra nồng độ cồn”. Sau khi đo nồng độ cồn, máy báo kết quả của Tiến là 0,2 miligam/1 lít khí thở, người cao nhất cũng xấp xỉ mức 0,4 miligam/1 lít khí thở. Cầm trên tay tờ biên bản xử phạt vi phạm hành chính, cả nhóm bạn và Tiến không thể tin được vào mắt mình. Không thanh minh bất cứ điều gì về hành vi của mình và nhóm bạn, Tiến đại diện đứng ra nhận lỗi: “Chúng tôi đã biết lỗi sai của mình. Chúng tôi hứa đây sẽ là lần cuối cùng vi phạm, mong các anh thông cảm và giơ cao đánh khẽ”. Đáp lại lời của Tiến, anh cảnh sát giao thông nghiêm nghị: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Ai vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm tương ứng với những gì mình đã gây ra. Các anh tham gia giao thông nhưng lại uống rượu là gây nguy hiểm cho chính mình và những người khác”.
Xưa nay “miếng trầu là đầu câu chuyện”, còn đối với những “đệ tử Lưu Linh” thì chén rượu là đầu cuộc vui. Ấy thế mà chỉ vì “chén chú chén anh” cả nhóm được một phen nhớ đời. Bản thân Tiến cũng không ngờ mình vốn là nạn nhân của rượu bia nhưng giờ lại chính là người bị xử phạt hành chính vì rượu bia khi tham gia giao thông.
1. Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia 2019, một trong các hành vi bị nghiêm cấm gồm: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. - Điểm c, Khoản 6: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. - Điểm c, Khoản 7: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. - Điểm e, Khoản 10: Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe khi trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn thấp nhất là 10 tháng, cao nhất là 24 tháng. |