Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tình thân và lòng tham

  • Thực hiện: Lê Hải Yến
  • 30/10/2019

Hương năm nay 17 tuổi. Em vốn câm điếc từ nhỏ, tay và chân trái cũng bị tật. Bố mẹ lần lượt qua đời khi Hương chưa đầy 10 tuổi. Hai anh em sống nương tựa nhau trên mảnh đất cha mẹ để lại. Ba năm trước anh trai cô lập gia đình nên nhà Hương có thêm chị dâu. Hương chỉ võ vẽ biết vài mặt chữ, nhưng bù lại khéo tay, nên sau hai tháng học nghề đã xin được việc làm tại Xưởng thêu xóm trên. Tiền trợ cấp xã hội hàng tháng, cộng với tiền lương làm nghề thêu, tuy ít ỏi cũng đủ giúp em có cuộc sống không phụ thuộc vào kinh tế gia đình anh trai. Hương rất thích các hoạt động cộng đồng. Em thường tự nguyện hỗ trợ thêu may, trang trí đồ biểu diễn văn nghệ cho anh chị em trong Hội người khuyết tật. Ai cùng khen Hương đẹp người, đẹp nết.

Tài sản bố mẹ để lại cho anh em Hương là ngôi nhà năm gian và mảnh đất vườn hơn trăm mét. Tuy nhiên, chị dâu Hương sau khi lấy anh trai được một thời gian ngắn đã xui anh chồng cắt toàn bộ đất vườn bán đi, chỉ giữ lại ngôi nhà. Bán vườn xong, chị dâu quản hết tiền mà không đưa cho Hương đồng nào. Anh trai sợ vợ nên cũng không dám ho he. Hương lúc đầu cũng thấy tủi thân, nhưng vốn không nói được, lại là người tính tình nhân hậu, hiền lành nên dần dần cô cũng an phận chấp nhận sự việc. Khi chị dâu sinh cháu bé, anh trai vì công việc làm ăn trên thành phố nên thường vắng nhà. Hương nghiễm nhiên trở thành “osin”. Khổ nỗi Hương bị tật ở cả chân và tay trái, nên không thể nhanh nhẹn như người ta, lại không nghe nói được, nên giao tiếp giữa chị dâu em chồng đôi lúc khó khăn. Những lúc Hương không hiểu, làm không đúng ý là chị ta mặt mũi xưng xỉa, có lúc rít lên mắng cô không tiếc lời. Không nghe được lời chửi mắng nhưng nhìn thái độ của chị dâu, Hương vừa sợ, vừa buồn, vừa ấm ức. Bạn bè đồng lứa của Hương thấy bà chị dâu khó tính nên cũng ngại không dám lui tới thăm cô như trước. Anh trai cô lại bận việc nên có khi vài tuần mới về nhà một lần. Hương trở nên cô đơn và thấy bất an trong chính ngôi nhà cha mẹ cô để lại. 

Một hôm, chị Mai bên Hội người khuyết tật bất chợt gặp Hương ngoài đường, chị ngạc nhiên vì thấy cô bé mặt mũi xanh xao ủ dột, ánh mặt buồn bã. Vốn rất quý Hương và là người khá thạo ngôn ngữ ký hiệu, chị cố gợi chuyên hỏi han, nhưng em lảng tránh. Bằng đi vài tháng, chiều hôm đó các đoàn thể họp tổng duyệt tiết mục văn nghệ chuẩn bị chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Không thấy Hương tham gia, chị Mai thấy lạ nên sau buổi tập đã cùng chị bạn ghé thăm Hương. Vừa gần đến gần nhà Hương, hai chị giật bắn mình nghe tiếng bàn ghế xô, giọng một người phụ nữ gầm rít và tiếng ú ớ của Hương. Hai chị chạy vội vào, đang thấy cô chị dâu mắt long song sọc đập cán chổi túi bụi vào đầu, vào người Hương, rồi cô ta nắm tóc đập đầu Hương xuống bàn. Hai chị cùng vội xông vào đẩy chị ta ra, chị Mai quát lớn: “Cô tàn nhẫn thế, ai cho cô làm thế với em Hương, có biết cô đang có hành vi phạm pháp không?” Cô ta dằn giọng: “Nó là em chồng tôi, tôi có quyền dạy bảo, người trong nhà bảo ban nhau, sao lại bảo phạm pháp. Nó không biết làm gì, lại còn lì lợm.” Hương ôm mặt khóc nức nở, chị Mai ôm lấy Hương, khi vén tóc cô lên mới thấy mặt em sưng tím, máu rỉ xuống thái dương. Hàng xóm nghe to tiếng chạy sang. Rồi mọi người tất tả đưa Hương đi bệnh viện huyện ở ngay gần đó. 

Mãi đến trưa hôm sau, khi đã qua cơn hoảng loạn, Hương mới ra hiệu kể hết sự tình cho chị Mai, hóa ra nguyên nhân sâu xa ở chỗ: Từ gần một năm qua,thấy đường liên huyện vừa mở gần nhà, đất ven đường lên giá, nên chị dâu cô bàn với anh trai bán nốt phần nhà còn lại, rồi sẽ mua chỗ khác ở sâu trong ngõ xóm dưới rẻ hơn. Anh trai lúc đầu không đồng ý nhưng rồi nghe chị ta tỉ tê cũng xuôi theo. Nhưng khi anh trai và chị dâu hỏi ý kiến Hương liền bị Hương phản đối, vì Hương muốn giữ ngôi nhà của cha mẹ để lại. Vả lại chị dâu tham lam, đanh đá thế, Hương lo nếu chuyển sang chỗ mới có ngày cô sẽ bị đuổi ra đường. Thế là ngôi nhà chưa thể bán vì phải có đủ chữ ký của cả hai anh em. Chị dâu không đạt được ý muốn nên rất cay cú, từ đó quay sang liên tục gây sự, hành hạ để ép cô phải đồng ý. Hôm qua, viện cớ cô sơ ý làm đổ bát cháo của cháu, chị ta đã trút cơn tức giận lên đầu Hương.

Anh trai Hương được báo tin, tất tả từ thành phố về vào bệnh viện thăm em, chị Mai đã thuật lại những gì Hương kể. Chị cũng kiên quyết nói: “Anh không bảo vệ được em, để vợ anh hành hạ em gái anh như thế, chúng tôi đã có đơn tố giác lên công an rồi”. Nhìn em gái mặt mũi sưng tím, đầu quấn băng trắng, anh vừa giận vợ, vừa thương xót em gái. Trong lòng anh ngổn ngang trăm bề: Con thì nhỏ, vợ đang bị công an gọi lên, em gái thì nhập viện.... Nhưng người mà anh giận nhất là chính bản thân mình, vì giá mà anh đừng nhu nhược nghe vợ thì em gái anh đã không ra nông nỗi này.
-----------------------------------------------------------------------------
Khoản 2, Điều 8 Luật Người khuyết tật 2010, quy định gia đình có trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật; Tôn trọng ý kiến của người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân người khuyết tật và gia đình…

Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể của người khuyết tật;
b) Xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khuyết tật;
c) Xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật…

Khoản 1, Điều 134, Bộ Luật hình sự 2015 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người không có khả năng tự vệ mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm