Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

"Câu Like" và cái giá phải trả

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 03/06/2020

Năm lên 2 tuổi, trong một trận ốm nặng, đôi chân của Miên có hiện tượng tê mỏi, chỉ mấy tháng sau, các cơ teo dần và không phát triển thêm nữa. Cô sống với đôi chân không lành lặn của mình từ đó. Khuyết tật từ bé không làm cho cô gái nhỏ từ bỏ đam mê học hành. Đỗ ngành lưu trữ học tại một đại học danh tiếng, cô tốt nghiệp nhưng chật vật mãi không xin được việc làm như ý. Cơ duyên kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô tình đến với cô.

Ban đầu chỉ là bán hàng thông qua đầu mối là họ hàng, người quen. Dần dà, Miên tự mở một cửa hàng của riêng mình. Nhận thấy, thời gian trước chỉ bán hàng thông qua người quen và bán tại cửa hàng thì chỉ đủ quay vòng vốn. Nhiều cửa hàng bán sản phẩm mỹ nghệ cũng “mọc lên như nấm” ở nhiều nơi. Thậm chí, họ bán rẻ hơn do sản phẩm của họ là hàng gia công chứ không phải là hàng thủ công như cô. Lo không đủ sức cạnh tranh nên Miên tính phương án mở rộng cách bán hàng.

Đang suy nghĩ không biết làm như thế nào thì tình cờ Miên gặp lại Thư- một người bạn lâu năm đã mất liên lạc về thăm nhà. Hỏi thăm qua lại, Miên mới biết Thư cũng bán hàng như mình nhưng làm ăn khấm khá lắm. Thương bạn vất vả, Thư “mách nước” cho Miên cách bán hàng online. Đã làm quen với facebook từ trước, nên việc sử dụng nó không còn xa lạ với cô. Mấy tháng đầu, ngày thì cô chăm chỉ đăng bài quảng cáo sản phẩm, tối lại livestream vào các hội nhóm nhưng lượng người xem không đáng kể. Chợt nhớ ra mình có số điện thoại của Thư nên Miên nhanh chóng gọi điện cho Thư. Sau một hồi nghe bạn nói, Thư đã hiểu ra vấn đề rồi vừa cười vừa nói:

Bạn tôi ơi! Mày như con ong chăm chỉ nhưng kết quả thì chẳng thu được là bao vì mày chưa biết cách rồi!”.

Miên vẫn chưa hiểu và hỏi lại thì Thư nói: “Cái quan trọng nhất khi bán hàng trên facebook là số lượng người tương tác với mình. Mà hiện nay tin tức càng giật gân bao nhiêu thì càng thu hút sự chú ý của mọi người bấy nhiêu. Lúc đó, lượng theo dõi mình cũng tăng lên, bán hàng sẽ tốt hơn đấy!”.

Nghe Thư nói xong, Miên gật gù đồng ý nhưng lấy tin hot ở đâu bây giờ?!

Ngày hôm sau, trên đường về nhà, Miên thấy mọi người xúm vào một chỗ. Tiến đến lại gần, Miên thấy có hai người phụ nữ bị đánh tím tái mặt mày, đồ đạc cá nhân rơi tung tóe. Hỏi ra thì nghe mọi người nói họ đang nghi ngờ hai người phụ nữ này bắt cóc trẻ con. “Mấy nay, huyện bên cũng xôn xao một vụ bắt cóc trẻ con nên nhiều người hoang mang. Nếu mình đăng tin này thì chắc nhiều người quan tâm lắm đây, phải khẩn trương quay lại mới được?”- Miên thầm nghĩ. Nói rồi, Miên lấy điện thoại ra chụp hình và chai thuốc trong túi nghi là thuốc mê. Thấy chứng minh thư của hai người phụ nữ tung ra cùng đồ cá nhân, cô cũng nhanh nhảu chụp lại. Sự việc chỉ dừng lại khi công an xuống hiện trường và mời tất cả lên trụ sở làm việc. Đám đông nhanh chóng giải tán. Toàn bộ quá trình này cũng được Miên quay lại.

Về nhà, Miên nghĩ mãi không biết nên viết thế nào để đủ giật gân. Nếu chỉ viết đơn thuần là nghi bắt cóc thì có khi chẳng mấy ai chú ý nhưng nếu “thêm mắm thêm muối” cho có phần hấp dẫn thì không biết có sao không? Thế rồi, cô nảy ra ý nghĩ: “Hay mình lập ra nick facebook khác nhỉ?”. Lại được Thư đồng tình nên Miên càng thấy ý nghĩ của mình sáng suốt! Nói là làm, Miên lập một tài khoản khác và đăng tải nội dung những tấm ảnh chụp được và đoạn clip vừa quay lên trang cá nhân và các trang bán hàng với nội dung: “Sợ quá bà con ạ! Ở làng A, xã B, huyện X, tỉnh Y vừa có vụ bắt cóc trẻ con bị công an bắt. Hai người phụ nữ này lợi dụng giữa trưa đã dụ dỗ một đứa trẻ ra cổng để cho kẹo nhưng đứa trẻ không ra. Sau đó, thấy người lạ, dân làng đã hô hào bắt giữ hai người phụ nữ. Kiểm tra túi xách hai người này thì chỉ thấy chai thuốc mê, giấy tờ và lá bùa. Nhà ai có trẻ nhỏ thì cảnh giác nhé!”. Đúng như dự đoán, chỉ trong vòng hai ngày, bài viết đã có hơn 14.000 lượt like và hơn 15.000 lượt chia sẻ, giúp lượng theo dõi trên Facebook của cô tăng lên chóng mặt. Nhiều fanpage đã dẫn lại thông tin này càng khiến dân mạng tin đó là sự thật. Mấy hôm sau, qua điều tra thì biết sự việc này chỉ là hiểu nhầm. Nghe thông tin, Miên chột dạ nhưng rồi lại tự trấn an mình rằng mình dùng facebook giả thì sẽ chẳng có ai phát hiện, vả lại đang được nhiều lượng theo dõi nên giờ xóa bài thì tiếc. Thế nên, Miên quyết định không xóa bài đăng.

Về phía hai người phụ nữ bị hành hung, mấy tuần sau thấy hình ảnh của mình lan tràn trên mạng xã hội và đọc những dòng chữ bịa đặt đó, họ lập tức đi báo công an. Miên nhận được giấy triệu tập của công an không lâu sau đó. Bằng các nghiệp vụ điều tra, công an đã xác định Miên chính là người đăng tải hình ảnh và thông tin đó trên facebook. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Miên thú nhận hành vi của mình. Cô tưởng rằng mình đã khôn ngoan khi tạo “nick ảo” nhưng rồi vẫn bị công an phát hiện. “Chỉ vì thiếu hiểu biết và tham lam tăng tương tác bán hàng đã đẩy mình đến bước đường này!”- Nước mắt cô chảy dài...

Những chiêu trò “câu like” trên mạng xã hội tưởng chừng như “vô thưởng vô phạt” nhưng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng không ai có thể lường trước…

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 và Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội đối với cá nhân như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Điều 592 Bộ luật dân sự 2015: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Điều 156 Bộ luật hình sự 2015: Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;…