Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quy định một số dụng cụ chỉnh hình – phục hồi chức năng thuộc phạm vi thanh toán của Bảo hiểm y tế

  • Thực hiện: Nhật Tâm
  • 19/07/2017

Dụng cụ chỉnh hình – phục hồi chức năng (CH-PHCN) có vai trò rất quan trọng đối với người khuyết tật vận động. Bởi vì các dụng cụ này hỗ trợ người khuyết tật có thể đi lại dễ dàng hơn, cải thiện các chức năng của cơ thể bị mất hoặc suy giảm, giảm thiểu những biến dạng của cơ thể sau các vấn đề về bệnh lý hoặc tai nạn.

Ngoài ra còn có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa một số bệnh tật, đồng thời giúp những người khuyết tật hòa nhập tốt hơn với cuộc sống. Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng 60% người khuyết tật vận động không sử dụng dụng cụ CH-PHCN gặp các vấn đề như viêm gân, viêm bao hoạt dịch và viêm khớp[1].

Tuy nhiên, thông qua tình hình thực hiện dự án thực tế cho thấy tỷ lệ người khuyết tật sử dụng các dụng cụ CH-PHCN còn ít. Một trong những lý do của tình hình nêu trên là Bảo hiểm y tế (BHYT) còn chưa chi trả cho những dụng cụ CH-PHCN như chân, tay giả, nạng nẹp chỉnh hình… Cụ thể là theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, việc sử dụng các vật tư y tế thay thế bao gồm chân giả, tay giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng là một trong những trường hợp không được hưởng BHYT.Bên cạnh đó, hiện nay BHYT chỉ thanh toán cho 33 kỹ thuật PHCN theo Thông tư 11/2009/TT-BYTngày 14/8/2009 và  những vật tư y tế liên quan đến chấn thương, chỉnh hình mà không thuộc lĩnh vực phục hồi chức năng cho người khuyết tật như: áo bột, nẹp bột; đinh, nẹp, ốc, vít, lồng dùng trong phẫu thuật xương các loại; ; đốt sống nhân tạo, miếng ghép cột sống, đĩa đệm trong phẫu thuật cột sống…theo quy định tại Thông tư 27/2013/TT-BYT ngày 18/9/2013.

Người khuyết tật vận động khó có thể tự chi trả cho các dụng cụ/dịch vụ này vì căn cứ theo Báo cáo Chi phí kinh tế, thu nhập của người khuyết tật còn thấp khoảng 50% người khuyết tật có mức lương tháng trung bình từ 1,25 triệu đồng trở xuống[2]. Trong khi đó, giá của một dụng cụ CH-PHCN là không nhỏ như nẹp chân dưới gối (AFO) có giátrung bình 2,6 triệu đồng/cái. Mức chi phí quá cao trong khi mức thu nhập thì lại quá thấp là một trong những lý do quan trọng nhất mà người khuyết tật không thể sử dụng các dụng cụ chỉnh hình PHCN. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn, không chỉ về sức khỏe của người khuyết tật mà còn liên quan đến quá trình lao động, học tập của người khuyết tật.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, ngày 30/6/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 18/2016/TT-BYT về Quy định Danh mục kỹ thuật, danh mục vật tư y tế dùng trong phục hồi chức năng và việc chi trả chi phí phục hồi chức năng ban ngày thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Theo đó, BHYT sẽ chi trả bổ sung thêm 20 vật tư y tế sử dụng trong phục hồi chức năng bên cạnh 299 vật tư đã được quy định trong Thông tư số 27/2013/TT-BYT. Một điểm đặc biệt  trong Thông tư mới chính là các vật tư y tế được bổ sung bao gồm chủ yếu các dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng như nẹp chân (nẹp bàn chân, nẹp cổ bàn chân, nẹp khớp gối, nẹp khớp háng), nẹo khuỷu tay, nẹp cột sống, áo nẹp cột sống, ghế chỉnh hình, giầy chỉnh hình và ghế bại não, đệm chống loét…

Để được BHYT chi trả cho các dụng cụ CH-PHCN theo thông tư này, người khuyết tật có nhu cầu cần phải có thẻ BHYT và khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng tại các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phục hồi chức năng theo quy định tại Thông tư 46/2013/TT-BYT, gồm: Khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Phục hồi chức năng thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phòng khám Phục hồi chức năng; bệnh viện Phục hồi chức năng và các Trung tâm PHCN hoạt động theo quy chế của Bộ y tế.

Thông tư 18/2016/TT-BYT vẫn còn một số hạn chế như một số dụng cụ hỗ trợ rất cần thiết cho người khuyết tật như xe lăn chỉnh hình, chân giả, tay giả… chưa được đưa vào danh mục này. Thêm vào đó, việc thực hiện Thông tư này còn nhiều thách thức khi phải thiết lập được những tiêu chuẩn, quy trình thực hiện, quy định mang tính chuyên môn kỹ thuật để Bảo hiểm y tế có thể có căn cứ để chi trả.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng quy định này của Bộ Y tế mang tín hiệu tích cực cho người khuyết tật vận động khi dụng cụ chỉnh hình PHCN thuộc phạm vi Bảo hiểm y tế chi trả. Điều này sẽ tăng cường sự tiếp cận của người khuyết tật với các dụng cụ để người khuyết tật có sự hỗ trợ tốt hơn trong vận động và di chuyển. Hy vọng những quy định mới của Thông tư 18/2016/TT-BYT sẽ hỗ trợ được cho cộng đồng người khuyết tật nói chung và những người khuyết tật vận động nói riêng dễ dàng hơn trong việc hòa nhập xã hội.

Từ năm 2014 tới nay, Trung tâm ACDC và ICRC-SFD đã cùng phối hợp với Bộ Y tế trong tiến trình nghiên cứu, cung cấp bằng chứng về sự cần thiết của các dụng cụ hỗ trợ cho người khuyết tật phải được đưa vào trong danh mục được bảo hiểm chi trả. Cả 2 tổ chức cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế trong quá trình triển khai thông tư này vào cuộc sống cũng như quá trình xây dựng các tiêu chuẩn để BHYT có thể chi trả cho các dụng cụ hỗ trợ này.

Nhật Tâm


[1]http://www.amputee-coalition.org/inmotion/nov_dec_10/long_term_effects.pdf

[2]http://www.isds.org.vn/download/tailieu/xuatbanpham/NKT%20AusAID/Bao%20cao%20NKT%20AusAID_VN.pdf