Dù 8 giờ mới đến giờ làm việc nhưng từ sớm, mấy dãy ghế trước ô cửa làm thủ tục cửa trại tạm giam đã chật kín người. Tiếng hỏi han xôn xao của mọi người đi thăm nuôi, trong đó có cụ bà đã ngoài 70 tuổi tay xách chiếc làn tre đến thăm cháu lần đầu. Bà Vân đôi mắt nhăn nheo, đượm buồn chậm rãi kể chuyện cháu mình – thằng Tuấn. Tháng trước, hai bà cháu đang ăn trưa thì công an ập đến còng tay nó đi, nó ú ớ mấy câu bà không hiểu gì, mấy ngày sau bà hỏi thăm cán bộ xã mới biết nó đánh người bị thương nặng rồi bị bắt về đây.
Bố mẹ Tuấn ly hôn rồi mỗi người một nơi, bỏ lại Tuấn ở với bà từ hồi mới chập chững biết đi. Cậu bé kháu khỉnh, ngoan ngoãn nhưng chậm nói, đến năm tròn 3 tuổi có người làng mách đi bệnh viện khám mới biết Tuấn bị điếc bẩm sinh, không chữa được. Thế rồi, hai bà cháu cứ cơm cháo nuôi nhau qua ngày, Tuấn vẫn đi học mẫu giáo như những đứa trẻ trong làng nhưng đến lớp 1 thì đành nghỉ ở nhà vì không nghe thấy đồng nghĩa với không học được. Cô giáo cũng nói với bà cho Tuấn sang huyện bên học trường dành cho trẻ câm điếc nhưng nhà không có điều kiện, không có tiền cho Tuấn đi học. Từ đấy, Tuấn trở thành đứa trẻ 5 không: không nghe, không nói, không biết đọc, không biết viết, không đi học. Không đến trường, lại thêm giao du với đám bạn xấu, dần dần Tuấn trở thành đứa trẻ ngỗ ngược và giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Có lẽ đây chính là nguyên nhân đánh dấu “vết trượt dài” năm 19 tuổi trong cuộc đời Tuấn...
Rằm tháng tám, Tuấn cùng đám bạn thân đi sang xóm bên chơi Trung thu. Đợt này các thanh niên đi làm đi học ở thành phố về đông vui, nhộn nhịp hẳn. Không rõ vì sao thanh niên hai xóm xích mích, lời qua tiếng lại với nhau, Tuấn nhìn khung cảnh cũng hiểu được phần nào. Đỉnh điểm, mấy thanh niên xóm bên túm vào chỉ chỏ Tuấn, cười nói, có người còn xô Tuấn ngã. Đây không phải lần đầu tiên Tuấn bị vậy nên sẵn sự tức giận đã bị nén bấy lâu nay, Tuấn vơ cục gạch bên cạnh nhắm thẳng đám thanh niên mà ném rồi bỏ chạy, chỉ kịp ngoái lại thấy một tên ôm đầu ngã xuống. Đó là Nam, thanh niên xóm bên bị gạch đụng trúng đầu phải nhập viện, gia đình Nam sau đó đã báo công an.
Là một người câm điếc bẩm sinh và chưa từng học qua bất cứ trường lớp nào về ngôn ngữ kí hiệu nên cách Tuấn giao tiếp cũng hoàn toàn bản năng. Trình độ văn hóa là 0/12 nên việc hỏi đáp thông qua giấy bút là hoàn toàn không thể. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện lấy lời khai, điều tra viên đã phải nhờ sự giúp đỡ từ bên thứ ba để hỗ trợ và kết nối người điếc. Với vụ việc này, cơ quan điều tra cũng đã mời luật sư bào chữa cho Tuấn, nhưng mọi cuộc trao đổi đều phải thông qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ. Chỉ thương thay cho bà Vân khi mái tóc đã bạc trắng vẫn đang tự trách bản thân: “Nhà mà có điều kiện cho nó đi học ngôn ngữ kí hiệu thì đến nay cũng không gặp sự việc như này. Nó vừa mồ côi cha mẹ lại câm điếc, không thể giao tiếp với ai nên mới có hành động nông nổi thế.” Mọi người xung quanh an ủi bà: “Mấy thanh niên kia không trêu chọc thì cháu bà đâu đánh lại.” Thoáng thấy bóng dáng thằng Tuấn được các chú công an dẫn ra, bà Vân gạt nước mắt, long ngóng bước vào phòng gặp.
*******************
Theo Điều 134 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở nên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp của điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến tù chung thân.
Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác
Điều 155 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.
Điểm d, khoản 1, Điều 9 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 về Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam quy định: người bị tam giam có quyền gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự…