Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Còn yêu…

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 18/03/2022

Trên đời này làm gì có hạnh phúc nào mà không trải qua cay đắng, có bình yên nào mà chưa từng xót xa! Khi chia tay, người ta có thể đưa ra hàng ngàn lý do. Nhưng để ở lại, chỉ cần một lý do thôi là đủ, đó là: còn yêu! Liệu tình yêu của một chàng trai khuyết tật và một cô gái nặng gánh gia đình có thể kết thúc viên mãn? Chúng ta cùng dõi theo câu chuyện của họ nhé!

H.V.P là con út trong gia đình có hai chị em ở thành phố V. Do hai chân P bị liệt từ khi sinh ra nên bố mẹ và chị gái luôn cố gắng quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cả vật chất lẫn tinh thần để P có thể trưởng thành vui vẻ như bao bạn bè cùng trang lứa. Không phụ sự mong đợi của gia đình, cậu bé P đã sống rất lạc quan, tự tin và là một chàng thanh niên giỏi giang, niềm tự hào cả dòng họ.

Năm 18 tuổi, P đã thi đỗ vào một trường đại học công nghệ thông tin danh tiếng ở thủ đô. Gia đình rất vui mừng trước thành tích của anh, nhưng kéo theo đó là nỗi lo P sẽ không thể tự chăm sóc tốt bản thân khi đi học xa nhà. Tuy nhiên, trước sự quyết tâm theo đuổi con đường học tập và mong muốn tập sống độc lập của con trai, bố mẹ đành đôn đáo nhờ người quen thu xếp nơi ăn chốn ở cho P ở thủ đô rồi chuẩn bị hành trang để tiễn anh vào đại học. Sau 2 năm đầu, P đã dần quen với cuộc sống sinh viên xa nhà, anh giành được nhiều thành tích tốt trong học tập và trở nên khá “nổi” trong nhóm sinh viên cùng khóa nhờ tài đàn hát của mình. Tại một cuộc liên hoan văn nghệ do Đoàn trường tổ chức, chàng trai khuyết tật thông minh, tài hoa ấy đã gặp được mối tình đầu của đời mình, P.T.M - cô bé sinh viên năm nhất đẹp dịu dàng, với đôi mắt đen buồn buồn và giọng hát mượt mà, da diết! Tình yêu đã lặng lẽ nảy sinh sau mỗi lần gặp gỡ, chia sẻ về những cảm xúc xa quê, về người mẹ khuyết tật vận động của cô gái, về những khó khăn trong sinh hoạt của chàng trai khuyết tật, về ước mơ một tương lai có nhau… Họ đã thấu hiểu, cảm thông và nâng đỡ nhau dưới mái trường đại học ấy.

Những tưởng mọi thứ sẽ trôi qua êm đềm như thế, nhưng đến đầu năm học thứ 3, bố M mất, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn với người mẹ già khuyết tật và đứa em nhỏ. M buộc phải quyết định thôi học về quê để chăm sóc mẹ và nuôi em trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Chuyện xảy ra vô cùng đột ngột khiến P chưa kịp phản ứng thì đã nhận được tin M xin thôi học. P liên tục nhắn tin, gọi điện động viên bạn gái và bảo M gửi địa chỉ để P thu xếp về thăm rồi hai đứa cùng tìm cách. Tuy nhiên sau đó, M bất ngờ cắt đứt liên lạc, P đã nhờ bạn bè, người quen và thử nhiều giải pháp khác nữa mà vẫn không thể liên lạc được với bạn gái. Từ đó, họ bặt tin nhau...

Mối tình dang dở bởi “đòn đánh” của số phận khiến P đau khổ hàng năm trời. Rồi thời gian dần trôi đi, vết thương lòng cũng dịu dần. Sau khi tốt nghiệp đại học, P trở về thành phố V để bắt đầu gây dựng sự nghiệp. Bằng sự nỗ lực của bản thân và sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, anh đã thiết kế và đưa vào sử dụng một website bán hàng nông sản trực tuyến với lượng khách ngày một ổn định. Anh cứ say sưa lao vào chuyện kinh doanh với hết kế hoạch này đến kế hoạch khác mà chưa chịu mở lòng với ai, trong khi cha mẹ đã năm lần bảy lượt dò hỏi về việc anh lấy vợ, sinh con. Lấy cớ là đang dồn tâm sức vào việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sự nghiệp, nhưng thâm tâm P hiểu là mình vẫn không quên nổi M. Từ trong sâu thẳm trái tim, anh vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó anh sẽ tìm lại được người con gái ấy! P đã không ít lần gọi điện dò la tin tức của M từ vài người bạn thời sinh viên cùng khóa với M, nhưng họ đều không có thêm thông tin gì, vì từ hồi nghỉ học M cũng không liên lạc lại với bạn bè cũ.

Trong lần đi khảo sát sản phẩm mới tại một tỉnh Bắc Trung Bộ, anh tình cờ gặp lại M, hiện đang làm công nhân trong một nhà máy may tại địa phương. Hai người gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, cảm xúc cũ ùa về như chưa từng có những năm tháng dài xa cách. Thời gian ngắn không kịp giãi bày, họ trao đổi số điện thoại và anh không quên dặn M: “Em đừng cắt sim điện thoại, làm anh điêu đứng như ngày xưa nhé!” Từ lúc gặp lại bạn gái cũ, những ký ức và tình cảm năm xưa trong P ngày càng trỗi dậy mãnh liệt. Còn M, trong những năm qua, thực lòng chị chưa hề quên đi người con trai này. Hồi đó sở dĩ chị phải cắn răng cắt đứt liên lạc với anh cũng chỉ vì mặc cảm hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bi đát. Bản thân chị nghĩ rằng: “Gia đình mình hoàn cảnh khó khăn như vậy, anh P lại khuyết tật, chắc hai đứa sẽ khó có tương lai, mình không thể, cũng không dám nghĩ đến chuyện yêu đương tại thời điểm này được! Như vậy là tốt cho cả hai…”. Nhưng nay gặp lại P, chị không thể lừa dối trái tim mình thêm nữa!

Ảnh minh họa

Kể từ khi gặp lại, hai người luôn nhắn tin, gọi điện chia sẻ, tâm sự mọi chuyện “trên trời dưới biển”. Được biết M hiện vẫn chưa có người thương, P mừng khôn tả và quyết tâm theo đuổi lại chị. Anh thường xuyên đến nơi ở của M hơn, họ cùng đi chơi, nấu ăn, cùng hát những bài hát mà cả hai đều yêu thích từ thời sinh viên… Càng ngày họ càng thấy không thể thiếu nhau!

Và chuyện gì phải đến cũng sẽ đến, cha mẹ P nhận thấy thời gian và tần suất đi công tác của con trai ngày một dài và ngày một nhiều, khi ở nhà thì con trai nói cười hoạt bát hơn hẳn, hay huýt sáo, rồi thi thoảng chơi vài bản nhạc bằng chiếc đàn ghi ta mà từ ngày ra trường anh chàng đã vứt xó không hề đụng tới. Ông bà ngày càng thấp thỏm thắc mắc lý do. Họ lân la hỏi thăm vài người bạn ở công ty anh và biết được về M cũng như mối quan hệ của hai người hiện tại. Sau khi nhờ người dò hỏi, gia đình P đã nắm được thông tin về chỗ ở, hoàn cảnh kinh tế của nhà M. Nhà chị M đơn sơ tròng trọc có mấy chục mét vuông, không vườn tược, chị làm công nhân, còn phải nuôi người mẹ khuyết tật và một cậu em út đang đi học đại học. Nếu so với gia đình P thì gia thế của hai nhà thật khác xa nhau, không hề “môn đăng hộ đối”. Mẹ P là người mong anh lấy vợ hơn cả, nhưng trong chuyện này thì bà càng ngày càng nghi ngờ, lo lắng, tức giận và là người phản đối quyết liệt nhất. Cha và vợ chồng chị gái P cũng không ai đồng ý, vì nghĩ rằng: “Nhà M nghèo, M không phải người khuyết tật nhưng cứ “bám víu” lấy P - một người khuyết tật nhưng lại có điều kiện kinh tế, chắc chắn là M chỉ muốn lợi dụng anh P,…”. Với suy nghĩ đó và thương con, lại sợ con bị tổn thương, một mặt, mẹ P giả bệnh, đe dọa con trai không được qua lại với M, mặt khác, bà cho người tìm đến gặp M và đưa ra quan điểm không đồng ý với quan hệ của chị với anh P.

Bất chấp sự can ngăn từ phía gia đình, P vẫn quyết tâm chỉ cưới M. Hai anh chị ước hẹn sẽ đăng ký kết hôn vào một ngày giữa tháng 5. Được tin, mẹ P phản ứng quyết liệt, bà tìm cách giấu giấy tờ cá nhân, điện thoại của anh, ngăn cấm anh ra ngoài, cho người luôn giám sát các hoạt động của anh. Bà luôn khóc lóc vật vã kêu than, dọa rằng nếu anh vẫn cố chấp thì bà sẽ tuyệt thực cho đến chết. Bà cũng nói rằng bà đã tìm được người vợ thích hợp cho anh dù cho P có giải thích, khuyên can, năn nỉ hết lời. Nghe lời mẹ, chị gái P cũng cùng chồng tìm đến tận nơi M ở, trước mặt bà con làng xóm, không ngừng buông lời trách móc, xỉ vả M và quả quyết rằng M đang lợi dụng P. Chị gái của P cũng tuyên bố cấm M qua lại với em trai mình, nếu không thì sẽ “hối không kịp”! M vô cùng đau lòng và tổn thương khi tình cảm của chị và danh dự gia đình mình bị xúc phạm không thương tiếc. Nhưng vì quá thương anh, chị muốn gặp P cùng gia đình để có thể nói chuyện một cách đàng hoàng chứ không muốn hiểu lầm ngày một đi xa. Đến lúc đó, mọi người muốn nghĩ sao về mối quan hệ này cũng chưa muộn.

Biết tin, P vô cùng tức giận, quyết bỏ nhà ra đi nhưng M không đồng ý, chị muốn được sự công nhận và chúc phúc từ mọi người trong gia đình anh, vì họ cũng là những người thân ruột thịt, thật lòng yêu thương anh. Cứ vậy, thông qua sự giúp đỡ của bạn bè, họ vẫn thường xuyên lén gia đình liên hệ, chia sẻ với nhau. Họ hiểu rằng người này là một nửa của người kia và không thể chia cắt.

Tới tháng 7, P gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường đi làm về và cần tiến hành phẫu thuật gấp. Biết bạn trai gặp tai nạn, M tức tốc đặt vé xe đến bệnh viện nơi P chuẩn bị phẫu thuật ngay trong đêm. Cùng lúc đó, bệnh viện thông báo đang thiếu nhóm máu P cần, ngay khi nghe tin, M vội chia sẻ chị thuộc nhóm máu O nên mong muốn được cùng mọi người trong gia đình P hiến máu để anh có thể làm phẫu thuật thuận lợi, càng sớm càng tốt. Trước nỗ lực của y bác sĩ và gia đình, P đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, M vì lo nghĩ quá độ cùng việc sức khỏe suy kiệt nên cũng cần nằm viện theo dõi một thời gian. Sau khi sức khỏe ổn định, M xin phép gia đình P được ở lại bệnh viện chăm anh cho đến khi anh được xuất viện. Chị sẵn lòng bỏ lại mọi công việc để tập trung chăm sóc anh hồi phục. Lúc này, cậu em trai của M đã ra trường đi làm ở công ty liên doanh trong tỉnh, mẹ chị cũng đang nhận được kha khá đơn đặt hàng của một cửa hàng thêu ren trên thành phố, nên kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn. Mẹ và em trai M rất quý P, hiểu rõ chuyện tình cảm của hai người nên không phản đối quyết định của M. Còn gia đình P, ban đầu khá ngần ngại không muốn để M ở lại chăm anh, nhưng trước thái độ chân thành của chị, lại thêm việc bố mẹ P có tuổi, những người thân khác cũng không thể túc trực ngày đêm, nên gia đình anh cũng đành chấp nhận. Những ngày ở bệnh viện cứ thế trôi trong khắc khoải lo âu của bao người quanh P. Trong quá trình P điều trị và phục hồi, bố mẹ anh tận mắt thấy tình cảm của P và M dành cho nhau, ông bà cũng dần hiểu hai người yêu nhau rất thật lòng. Thái độ nghi kỵ, coi thường người con gái mà P yêu thương đã dần dần được thay thế bằng sự quý mến, tin cậy và tôn trọng. Sau khi xuất viện, mẹ P đã ngỏ lời giữ M ở lại nhà thêm một tuần nữa để “hướng dẫn bác cách chăm thằng P từ Bệnh viện về”. Trong lòng bà, cảm giác mong muốn được nhận cô gái này về làm dâu cứ lớn dần, lớn dần! Được tình yêu chắp cánh, chị M ngày càng đẹp ra, đến lượt bà thấp thỏm lo: “Nếu không quyết nhanh, nhỡ ra con giai bà lại tuột tay “cô gái vàng” này một lần nữa, thì bà sẽ ân hận cả đời!

 Một năm sau ngày P bị tai nạn, P và M đã về chung một nhà trước sự chứng kiến và chúc phúc của cả hai gia đình. Trong ngày diễn ra hôn lễ, mẹ P đã nghẹn ngào tâm sự: “M, mẹ xin lỗi con, mặc dù bố mẹ cố gắng cho P cuộc sống không phải lo nghĩ gì, nhưng sâu trong thâm tâm, bố mẹ vẫn nghĩ, có lẽ P nên lấy một người cùng cảnh ngộ sẽ tốt hơn, người không khuyết tật sẽ chỉ lợi dụng thằng bé chứ không yêu thương gì. Nhưng nhờ con, bố mẹ đã biết mình nghĩ sai, bố mẹ cảm ơn con nhiều lắm và chúc hai con trăm năm hạnh phúc!

Giờ đây, gia đình anh P và chị M đã có một công chúa và một hoàng tử vô cùng kháu khỉnh. Câu chuyện tình yêu của chàng sinh viên khuyết tật và cô gái đã hi sinh tương lai bản thân vì gia đình năm nào đã có một kết thúc “viên mãn”. Hạnh phúc sẽ khi những người yêu nhau cùng kiên trì và nắm tay nhau vượt qua những giông bão cuộc đời!

Khoản 6 Điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định, nghiêm cấm hành vi:

6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật.”

Khoản 10 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích về “cản trở kết hôn” như sau:

10. Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.”

Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định như sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;

b) Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;”

Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau:

Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật, hành vi cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật có thể bị phạt tiền lên đến 5.000.000 đồng, ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.