Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Sự chia sẻ trong hôn nhân

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 23/05/2022

Việc chia sẻ là nền tảng và nguyên tắc hàng đầu giúp duy trì một cuộc hôn nhân bền vững. Bởi sự chia sẻ giữa vợ và chồng sẽ giúp cho hai bên có thể yêu thương và hiểu nhau hơn, đồng thời đây cũng là quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Liệu đôi vợ chồng trong câu chuyện dưới đây đã biết cách chia sẻ với nhau? Hãy cùng theo dõi câu chuyện của họ nhé!

Chị B là người khuyết tật vận động bẩm sinh, hai chân không đi lại được và một tay yếu nên việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Sau khi học xong lớp 12, chị đi làm công nhân ở xí nghiệp giày da ở thành phố Hồ Chí Minh. Ở đây chị đã gặp được anh H làm cùng đơn vị. Thấu hiểu, chia sẻ, hai anh chị đã đem lòng yêu thương nhau và quyết định kết hôn sau ba năm gắn bó. Một năm kể từ khi về chung một nhà, anh chị đã đón chào một thành viên mới, hiện cháu đã được hơn 04 tháng tuổi. Cuộc sống hôn nhân của vợ chồng anh chị vô cùng viên mãn.

Thế nhưng, chị B cảm thấy thời gian gần đây anh H tỏ ra ngày càng “vô tâm” trong việc chăm sóc vợ con. Kể từ sau khi chị sinh con được 03 tháng, người bố trẻ đã có nhiều đổi thay. Anh ra ngoài nhiều hơn, đi sớm về muộn, không lo lắng về việc vợ ở nhà có mệt hay có gặp khó khăn khi chăm con hay không. Trước đây, lúc mới cưới, vợ chồng dính nhau như sam, đi đâu cũng có nhau, chuyện gì cũng thì thầm chia sẻ... Tuy nhiên, khi vợ sinh con xong, anh chỉ quan tâm được tháng đầu, rồi dần dần tính anh trầm hơn, đôi khi hàng đêm bỏ ra hiên hút thuốc lào 15-20 phút, quay vào vợ hỏi không nói, thậm chí còn cáu gắt. Dù có bực mình nhưng vốn bận bịu con nhỏ nên chị B cũng không thắc mắc nhiều về những biểu hiện khác thường của chồng.

Về phần anh H, càng thương vợ con thì trong lòng càng ngổn ngang lo lắng về kinh tế gia đình: “Nuôi một đứa trẻ tốn kém ai cũng hiểu, với thu nhập của hai vợ chồng hiện tại, nếu không xoay xở thì sẽ rất bấp bênh vì anh chị đều là công nhân, cha mẹ hai bên đều thanh bạch, không dựa dẫm được”... Hiểu được điều đó nên từ trước lúc chị sinh, anh đã nói với cấp trên trong xí nghiệp để bố trí cho anh tăng ca mỗi đêm, nhưng xí nghiệp vài trăm công nhân, và cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên người quản lý trực tiếp của anh dù rất thông cảm với anh mà mãi đến mấy tháng sau mới sắp xếp được. Nắm được cơ hội, anh lao vào làm thêm giờ. Còn chị B, vốn rất thương chồng, thấy chồng về muộn là chị gọi điện hỏi thăm, anh luôn bảo đang về, nhưng nhiều tiếng sau đó anh mới về đến nhà. Dù khá lo lắng và có chút ấm ức, tủi thân, nhưng vẫn chị tin tưởng chồng nên coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhiều khi anh H về muộn quá chị mới nhắc anh rằng: “Nếu lần sau anh có việc bận, đi làm về muộn thì báo với em để em yên tâm nhé!”. Anh H cũng “à ừ, anh biết rồi!” rồi vài phút sau là lăn ra ngủ vì quá mệt, mặc cho vợ một mình loay hoay chăm con nhỏ hoặc suy nghĩ gì cũng kệ.

Ảnh mang tính chất minh họa

Cuộc sống gia đình cứ vậy, hằng ngày vợ ở nhà chăm con, cơm nước và âm thầm đợi chồng về trễ, còn chồng về nhà ăn cơm xong, ngắm con trong nôi một chút rồi lăn ra ngủ. Anh H ít nói hẳn, còn chị B sau khi chia sẻ với chồng về chuyện ăn ngủ của con hàng ngày, hỏi mãi chồng toàn trả lời nhát gừng nên cũng tự ái không hỏi han chuyện trò nhiều. Tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách. Chị B buồn tủi không biết chia sẻ với ai, nhất là chị mới sinh con, cuộc sống có nhiều thay đổi, là người khuyết tật nên chị cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc con, bố mẹ hai bên thì ở xa, không thể đỡ đần nhiều cho chị. Dần dần, chị bắt đầu nghi ngờ rằng việc anh H có ai ở bên ngoài? Chị nghĩ nếu thực sự anh thay lòng đổi dạ, có “tiểu tam”, chị sẽ làm cho rõ mọi sự một lần, tìm cách khuyên nhủ anh, còn nếu không ở được với nhau thì cùng lắm là ly hôn, chị sẽ bế con rời thành phố về ngoại,... Dù vậy chị vẫn rất yêu anh, nếu chẳng may như “kịch bản” chị nghĩ ra thì rồi đây gia đình tan nát, con chị sẽ mất bố, tương lai sẽ ra sao?

Một đêm con bị sốt cao cần phải đi bệnh viện, chị B gọi chồng nhiều lần về để đưa con đi bệnh viện nhưng không được. Con ngày càng sốt cao, chị đành phải nhờ hàng xóm giúp đỡ đưa cháu đi bệnh viện. Vừa đi chị vừa khóc, vừa tủi vì không có chồng bên cạnh. Tối hôm đó, anh H mải làm việc không để ý đến điện thoại. Khi về đến nhà anh mới biết điện thoại hết pin, không thấy vợ con đâu, anh lo lắng chạy đôn đáo hỏi hàng xóm thì được biết con anh ốm phải vào viện. Anh vội vã bắt taxi tới bệnh viện cùng vợ con. Tìm bác sĩ để hỏi thăm về tình hình của con, anh được biết: “Tình trạng sức khỏe của cháu hiện đã ổn định, may được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không sao, nhưng cần phải ở lại bệnh viện vài hôm để theo dõi thêm”. Quay về phòng bệnh, nhìn gương mặt tiều tụy của vợ, cùng vẻ xanh xao của con, anh giật mình nhận ra rằng, đã từ lâu rồi, anh chỉ biết vùi đầu vào công việc, gánh nặng kinh tế gia đình đã khiến anh dần trở nên vô tâm với vợ con, chỉ chút nữa thôi, anh có thể đã mất đi mái ấm gia đình anh luôn trân trọng và yêu thương.

Khoảng thời gian con nằm viện, anh H xin nghỉ phép để tiện chăm sóc vợ con. Lúc này, hai vợ chồng chị cũng B mới có thời gian hỏi han, nói chuyện và tâm sự với nhau. Anh H tâm sự với vợ: “Con rồi sẽ lớn dần, còn nhiều thứ cần phải chi tiêu trong gia đình nên anh muốn kiếm thêm thu nhập, làm việc thêm vào buổi tối để có điều kiện chăm sóc cho hai mẹ con được tốt hơn”. Anh cũng xin lỗi vì thời gian qua đã không chia sẻ và chăm sóc cho vợ con được chu đáo. Lúc này, chị B mới hiểu rằng gần đây do công việc gặp nhiều khó khăn, áp lực nhiều hơn, anh không muốn vợ biết nên vẫn cố gắng tự mình giải quyết. Hiểu rõ được phần nào những khó khăn, vất vả của chồng nên chị cũng tự trách mình không chia sẻ, trò chuyện nhiều hơn với chồng để dẫn đến cơ sự ngày hôm nay. Chị cũng xin lỗi chồng vì không cảm thông, chia sẻ với chồng nhiều hơn.

Trải qua chuyện này, hai vợ chồng mới rút kinh nghiệm, thấu hiểu nhau nhiều hơn, biết tôn trọng, quan tâm và cùng nhau chia sẻ việc chăm sóc con cũng như các công việc gia đình. Nếu vẫn tiếp tục tình trạng không chia sẻ, không quan tâm nhau, không hiểu được sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng thì có lẽ vợ chồng chị B đã phải ly hôn. Vợ chồng chị B anh H đã có một bài học vô cùng quý giá trong hôn nhân, đó là sự chia sẻ với người vợ và chồng của mình.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 17. Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng

Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.”

“Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình...”

“Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”