Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Điểm tự an sinh lâu dài

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 26/07/2022

Sinh ra với đôi chân không được lành lặn, một bên bị teo khiến việc đi lại của chị N.T.K gặp nhiều khó khăn. Cũng do điều kiện gia đình lúc bấy giờ mà sau khi hết trung học cơ sở, thay vì đi học tiếp thì chị xin học nghề cắt may tại một tiệm may gần nhà. Những ngày đó, dù gặp nhiều khó khăn vì chỉ có thể sử dụng một chân, nhưng chị K vẫn luôn kiên trì và không ngừng học hỏi từ việc cơ bản nhất như đạp máy, nhặt chỉ tới những việc đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn như cắt, may thành phẩm. Ra nghề, chị K đã “khởi nghiệp” bằng một tiệm may nho nhỏ.

Nhờ có đôi tay khéo léo, thái độ nghiêm túc, phục vụ tận tình và cũng có thể là nhờ cái duyên với nghề mà khách hàng tìm đến tiệm ngày càng đông. Là một người khuyết tật, chị K thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà người khuyết tật phải gánh chịu. Bởi vậy, khi có thể tự chủ về kinh tế, chị K đã nung nấu ý định giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm. Mới đầu, chị K nhận vài chị em gần nhà vào học nghề miễn phí. Nhưng sau đó, nhận thấy chỉ dạy nghề không thể mang lại hiệu quả lâu dài, chị K đã có một ý định lớn lao hơn, đó là giúp những người đồng cảnh ngộ không chỉ học được nghề mà còn kiếm sống được từ nghề may. Vì vậy, dù lúc ấy chỉ có một khoản vốn ít ỏi tích cóp được, chị K đã vay mượn thêm của anh em, bạn bè và bà con xóm giềng, mạnh dạn mở một xưởng may nho nhỏ ngay tại nhà, mời các chị em khuyết tật, sức khỏe yếu về làm cùng theo hình thức bán thời gian hoặc làm theo thời vụ. Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, xưởng may đã hoạt động ổn định với ngót hai chục lao động là người khuyết tật ở đủ các độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Họ đều được ký hợp đồng lao động và đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nói như vậy không có nghĩa mọi dự định của chị K suôn sẻ ngay từ đầu. Năm đầu tiên khởi sự ấy, xưởng may của chị K đã phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải: nguồn vốn, nguồn hàng, nguồn tiêu thụ không ổn định nên công việc của xưởng cũng bấp bênh, chủ yếu hoạt động theo mùa vụ, làm bán thời gian, có gì làm nấy. Đảm bảo duy trì thu nhập ổn định cho các chị em đã là cả một vấn đề nên chị và các chị em lao động làm gì có thể nghĩ đến những điều xa xôi hơn, nhất là đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí khi về già hay chế độ ốm đau, thai sản… Thông qua những buổi tham gia tập huấn, tuyên truyền pháp luật, chị K được biết về các chính sách và tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Từ đó, trong lòng chị đau đáu nguyện vọng các chị em trong xưởng may đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội. Bởi vậy, dù lúc ấy nhân công trong xưởng làm việc theo hợp đồng mùa vụ dưới ba tháng (không thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc), chị vẫn gợi ý cho các chị em ký hợp đồng lao động có thời hạn hoặc hợp đồng mùa vụ từ đủ ba tháng trở lên để đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng câu trả lời mà chị K nhận được chỉ là cái lắc đầu của người lao động. Bởi, đóng bảo hiểm xã hội cũng tức là giảm bớt đi một phần thu nhập, trong khi đó, các chị em đều đang rất khó khăn, còn phải “giật gấu vá vai” từng ngày. Khoản tiền dành ra đóng bảo hiểm xã hội dù không lớn nhưng cũng đã chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng thu nhập ít ỏi của các chị em trong xưởng, mà với họ, thêm đồng nào để phụ giúp gia đình thì hay đồng ấy. Vậy nên, dù rất cảm động vì sự quan tâm của chị K cho tương lai các chị em khuyết tật sau này, nhưng: “Chúng em còn nhiều gánh lo quá, nên chưa dám nghĩ đến điều này” – một người lao động đã nói với chị như vậy. Bản thân chị K lúc này cũng đang còn nhiều nỗi lo về miếng cơm, manh áo của người làm nên chị cũng chưa thể đủ “lực” để đóng thay toàn bộ phần bảo hiểm xã hội cho mọi người. Vậy nên chị đành ngậm ngùi gác vấn đề này sang một bên, tập trung tìm kiếm nguồn vốn, thị trường để phát triển sản xuất với hi vọng rằng, khi người lao động có việc làm thường xuyên, ổn định, thu nhập hàng tháng tăng thêm thì chắc là việc tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được các chị em đón nhận.

Nhưng trời chẳng chiều lòng người, năm 2020, khi xưởng vừa ngấp nghé vào guồng, thì dịch Covid-19 ập đến. Suốt cả năm trời, xưởng may của chị K lúc chạy, lúc dừng theo các quyết định của cơ quan có thẩm quyền khiến thu nhập của mọi người làm trong xưởng bị giảm sút theo. Mặc dù Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội, người lao động tự do, song, số tiền được hỗ trợ ấy cũng chẳng đáng là bao trong thời kỳ bão giá. Khó khăn chồng chất khó khăn khi một số chị em trong xưởng lại lâm vào đau ốm. Trong số họ, đâu phải ai cũng được cấp bảo hiểm y tế miễn phí hay tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Chi phí thuốc men điều trị, viện phí, chi phí phục hồi sức khỏe… lại một lần nữa đè nặng lên những số phận vốn dĩ đã chịu nhiều thiệt thòi ấy. Đến lúc này, cả chị K và các chị em trong xưởng mới thấm hết tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc dành cho người lao động. Nếu lúc trước tham gia bảo hiểm xã hội thì có lẽ sẽ được bù đắp một phần thông qua các chế độ ốm đau, chế độ bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh.

Mặc dù trăn trở về một “điểm tựa an sinh” lâu dài cho người lao động là người khuyết tật luôn đau đáu trong chị K suốt vài năm nay, nhưng trăn trở ấy chưa bao giờ bức thiết như lúc này. Nhiều đêm không ngủ được, gác tay lên trán, chị lại nghĩ nếu lúc đó mình kiên quyết hơn một chút, kiên nhẫn hơn một chút, thuyết phục được các chị em đóng bảo hiểm, giá như khi ấy chị đủ “lực” để đóng luôn bảo hiểm xã hội cho cả phần của mọi người, thì có lẽ các chị em đã có một nguồn hỗ trợ trong những lúc khó khăn như vậy.

Nhưng có lẽ lúc này vẫn chưa quá muộn. Những ngày giãn cách tại nhà, chị K lại tranh thủ tham gia các buổi tập huấn online, tìm hiểu quy định pháp luật về chính sách an sinh xã hội cho người lao động là người khuyết tật. Qua tìm hiểu, chị được biết từ năm 2021, khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, sẽ không còn loại hợp đồng mùa vụ mà chỉ có hợp đồng lao động xác định thời hạn, không xác định thời hạn. Mà ký hợp đồng lao động từ đủ một tháng trở lên là đã thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp này, thì việc tham gia bảo hiểm xã hội sẽ càng quan trọng đối với những người có sức khỏe dễ bị thương tổn như người khuyết tật. Vì vậy, ngày xưởng được hoạt động trở lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, chị K đã tập hợp người lao động lại, phân tích cho các chị em về tình hình hoạt động của xưởng tới đây vẫn sẽ được duy trì, lượng việc cũng sẽ ổn định và có cơ hội tăng hơn với sự hỗ trợ của các đoàn thể. Cùng với việc phân tích cho chị em biết về sự thay đổi trong chính sách pháp luật qua những buổi chị tham gia tập huấn, chị lại tiếp tục nhấn mạnh với người lao động về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội, những lợi ích mà bảo hiểm mang lại khi ốm đau trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, chế độ thai sản khi một số chị em đã bước vào độ tuổi “thành gia, lập thất”, chưa kể đến lúc thất nghiệp và cả hưu trí sau này… Đồng thời, chị cũng giải thích cho các chị em biết về những rủi ro pháp lý mà người sử dụng lao động như chị cũng như chính những người lao động ở đây phải gánh chịu nếu vi phạm quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Không chỉ vậy, chị K còn hứa rằng trong điều kiện có thể, sẽ hỗ trợ một phần số tiền người lao động phải trích từ lương để đóng bảo hiểm xã hội. Quả thật, phải trải qua thực tiễn thì mới có thể thấy rõ tầm quan trọng của các chính sách an sinh. Chính những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, của ốm đau vừa rồi đã làm người lao động thấy được cần phải có một “điểm tựa an sinh” lâu dài, nhất là khi về già không còn sức lao động. Cùng với sự thuyết phục, cương quyết của chị K, các chị em trong xưởng đều đồng ý ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và tham gia bảo hiểm xã hội ở mức tối thiểu phù hợp với thu nhập.

Lắng nghe những âm thanh rộn ràng của người lao động đang chỉ dẫn nhau làm việc vang lên ở bên kia cánh cửa văn phòng, chị K vui mừng chia sẻ với chúng tôi: Cho đến bây giờ, chị vẫn cảm thấy may mắn thay khi lúc đó mình đã hành động một cách cương quyết và kịp thời như vậy. Ước chừng chỉ một tháng sau khi ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, đại dịch Covid lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp. Trong thời gian này, dù gặp khó khăn vì xưởng tạm dừng hoạt động theo các biện pháp giãn cách xã hội nhưng chị K vẫn cố gắng duy trì đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Bởi vậy mà sau đó, các chị em trong xưởng đã đủ điều kiện để được hưởng khoản hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đó là chưa kể đầu năm nay, một số chị em đã được hưởng chế độ ốm đau theo quy định khi không may bị nhiễm Covid. Những khoản tiền này đã giúp các chị em ổn định phần nào cuộc sống trong những lúc tưởng chừng như “tăm tối” nhất, để họ an tâm hơn khi quay trở lại làm việc trong thời kỳ bình thường mới.

Khi đã đảm bảo được sự ổn định về an sinh cho người lao động, chị K lại tiếp tục lao vào tìm kiếm các phương án, giải pháp để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và từ đó nâng cao mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước, hi vọng rằng, những dự định của chị K sẽ thành công để xưởng may của chị có thể trở thành “mái ấm” “điểm tựa” vững chắc không chỉ đối với những người khuyết tật đang làm việc tại nơi đây mà còn đối với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khác./.

* Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng”.

* Khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 19, Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định quyền tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động (bao gồm cả người lao động là người khuyết tật); trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, người lao động (bao gồm cả người lao động là người khuyết tật) thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Điều 18. Quyền của người lao động

1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này”.

“Điều 19. Trách nhiệm của người lao động

1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này”.

“Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội”.

* Người sử dụng lao động, người lao động vi phạm quy định về trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tùy từng trường hợp, có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.