Vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được quy định tại BLDS năm 1995, khi BLDS năm 2005 thay thế BLDS năm 1995 thì vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vẫn tiếp tục được quy định, nhưng trên thực tế các cấp Tòa án hầu như không áp dụng quy định này trong các vụ án thừa kế. Vì sao lại có hiện tượng đó? Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu ra một trường hợp tranh chấp thừa kế tài sản và chia tài sản chung để bạn đọc cùng trao đổi phải áp dụng pháp luật như thế nào mới đúng, nhằm góp phần làm cho nhận thức và áp dụng pháp luật ngày càng chính xác và thống nhất.
Theo đơn khởi kiện ngày 26/10/2008, ngày 21/11/2008 và quá trình tố tụng, các nguyên đơn bao gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Thị An, Nguyễn Thị Liên đã khởi kiện đối với các bị đơn là các ông: Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Hoà, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Ngọc Tám và ông Nguyễn Ngọc Tân yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ.
Các nguyên đơn trình bày: cụ Nguyễn Văn Triệu (chết tháng 9/2001) và cụ Đinh Thị My (chết tháng 1/1995) có 09 người con chung là các ông, bà: Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Thị An, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Ngọc Tám và Nguyễn Ngọc Tân. Sinh thời, cha mẹ các ông bà có 3 khối tài sản gồm: nhà, đất tại số 74, 99 và 33/3 phố Ng.Q, thị xã ST, thành phố HN, cụ thể:
- Nhà đất tại số 74 Ng.Q gồm: 3 gian nhà cấp 4; 3 gian nhà ngang cấp 4; 1 gian bếp, chuồng lợn trên diện tích đất 70m2; hiện do vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Tân và vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Tám quản lý, sử dụng. Vợ chồng ông Tân đã phá bỏ nhà ngang, bếp, chuồng lợn và xây mới bếp, nhà vệ sinh.
- Nhà đất tại số 99 Ng.Q gồm: 3 gian nhà cấp 4; 1 gian nhà bếp; 1 chuồng lợn và công trình vệ sinh trên diện tích đất 92,5m2; hiện do 2 gia đình là vợ chồng ông Thắng và vợ chồng ông Sơn quản lý sử dụng. Năm 2001 vợ chồng ông Sơn đã phá bỏ 1 gian nhà cấp 4 và xây mới 1 nhà 3 tầng. Năm 2006, vợ chồng ông Thắng phá bỏ bếp cũ xây bếp mới và công trình phụ (tài sản cũ còn 2 gian nhà cấp 4).
- Nhà đất tại số 33/3 Ng.Q gồm: 3 gian nhà cấp 4; 1 chuồng bò trên diện tích đất 80m2; hiện do vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hoà quản lý sử dụng. Vợ chồng ông Hoà đã phá bỏ chuồng bò và xây mới 1 nhà cấp 4.
Ngày 25/4/2001, khi đó cụ Triệu còn sống, 9 người con có họp gia đình và thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở do bố mẹ để lại, với nội dung: khi cha mẹ còn khỏe đã phân chia nhà và đất ở cho 5 anh em trai…9 người con thỏa thuận để 5 anh em trai được ở nhà đất như bố mẹ đã phân chia nhưng không được chuyển nhượng, bán, đổi cho người khác ngoài 9 anh chị em…(Biên bản này có sự tham gia của tổ trưởng khu phố và xác nhận của UBND phường Ng.Q, có chữ ký của 9 người con, chỉ có bà An ghi thêm là không cho hẳn, chỉ ở thôi).
Sau khi cụ Triệu và cụ My đã mất, ngày 20/7/2008, chín anh chị em họp gia đình bàn về việc phân chia tài sản thừa kế, nội dung thỏa thuận năm con trai được hưởng 3 khối tài sản do cha mẹ để lại, mỗi người con trai (5 người) góp 40 triệu để cho bốn bà con gái hưởng thừa kế của cha mẹ, tổng cộng là 200 triệu. Sau đó năm người con trai không thực hiện theo thỏa thuận nêu trên.
Các nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ và xin được chia hiện vật là ½ nhà đất số 74 Ng.Q để làm nơi thờ cúng cha mẹ.
Năm bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (là vợ các bị đơn) đều thống nhất lời trình bày của nguyên đơn về cha mẹ và tài sản do cha mẹ để lại, nhưng không đồng ý chia thừa kế với lý do cha mẹ đã chia tài sản này cho năm anh em trai sử dụng.
Tại bản án DSST số 12/2009/DSST ngày 15/9/2009 của TAND thị xã ST, thành phố HN nhận định: các đương sự thống nhất về hàng thừa kế và 3 khối tài sản trên là do cha mẹ nguyên đơn và bị đơn để lại, do năm người con trai đang quản lý. Tòa án định giá cả ba khối tài sản trên tổng cộng trị giá là 1.845.280.000đ - 148.989.000đ (là tài sản do các bị đơn phát triển) = 1.696.291.000đ.
Cụ Đinh Thị My chết tháng 1 năm 1995, đến tháng 10 năm 2008 các nguyên đơn khởi kiện chia thừa kế là đã hết thời hiệu khởi kiện, nên tạm giao cho các bị đơn đang quản lý phần tài sản này.
Phần di sản của cụ Triệu còn trong thời hiệu khởi kiện trị giá 848.145.700đ, chia thừa kế cho chín người con (5 người con trai được trích công sức duy trì là 50.000.000đ) và chia bằng hiện vật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/9/2009 ông Nguyễn Ngọc Tám kháng cáo không đồng ý giao nhà đất của ông tại 74 Ng.Q giao cho nguyên đơn; ông cho rằng việc định giá ½ nhà đất này gần 400 triệu là quá cao nên đề nghị Tòa án định giá lại và xin được ở lại nhà đất mà cha mẹ đã phân chia, nếu phải chia thừa kế thì chia bằng tiền.
Ông Sơn có đơn kháng cáo cho rằng, phần đất của ông được định giá 11.000.000đ/1m2, bản án quyết định ông được sử dụng 12,25m2 x 11.000.000 = 134.750.000đ nhưng Tòa án lại quyết định 12,25m2 có trị giá 185.000.000đ và buộc ông phải thanh toán cho các thừa kế khác 86.307.000đ là không đúng.
Ngày 10/10/2009 Ông Tân, ông Thắng không đồng ý chia di sản bằng hiện vật. Thực tế các nguyên đơn không có nhu cầu sử dụng nhà đất, trong khi đó 2 anh em (ông Tân, ông Tám) sử dụng 70m2, nay giao cho 2 anh em (2 gia đình) sử dụng chung 35m2 là không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mình và yêu cầu định giá lại tài sản này.
Tại bản án phúc thẩm số 359/2009/DSPT ngày 29/12/09, TAND thành phố HN quyết định: Hủy bản án sơ thẩm, để xét xử sơ thẩm lại; phần di sản của cụ My đã quá thời hiệu khởi kiện, không chia di sản của cụ My cho các đương sự.
Tại bản án DSST số 01/2010/DSST ngày 19/10/2010, TAND thị xã ST nhận định: phần di sản của cụ Triệu trị giá 848.145.700đ (trích công sức cho năm con trai = 50.000.000), số còn lại chia đều chín con, mỗi người con gái được hưởng 88.682.000đ, mỗi người con trai được hưởng 98.682.000đ (trong đó có 10 triệu công sức duy trì, bảo quản di sản). Phần di sản của cụ My trị giá 848.145.700đ hết thời hiệu, chuyển thành tài sản chung chia đều cho 9 con, mỗi người được hưởng 94.238.000đ. Các tài sản do bị đơn phát triển được trên đất, bị đơn được sử dụng tài sản khác của cha mẹ còn lại trên đất các đương sự không tranh chấp.
Từ đó quyết định (tóm tắt):
Tổng cộng các kỷ phần được hưởng: của bốn người con gái (là bốn nguyên đơn) mỗi người được hưởng 182.920.000đ, năm con trai (là các bị đơn) mỗi người được hưởng 192.920.000đ (có 10 triệu công sức).
Chia hiện vật: Bốn người con gái được hưởng bằng tiền tổng cộng là 731.680.000đ. Giao cho bốn người con gái sử dụng chung 45m2 đất trị giá 495.000.000đ và được sở hữu phần tài sản có trên đất gồm 1 nhà vệ sinh + bếp tại số 74 Ng.Q trị giá 10.640.000đ và được nhận tiền chênh lệch còn thiếu do ông Sơn trả 76.580.000đ, ông Thắng trả 55.798.000đ, ông Tân trả 93.622.000đ.
Giao ông Tân được sử dụng diện tích 25m2 đất trị giá 275.000.000đ và các tài sản trên đất tại số 74 Ng.Q trị giá 22.222.000đ, ông Tân trả chênh lệch cho các nguyên đơn là 93.662.000đ.
Giao ông Thắng được sử dụng 59,63m2 đất và 8,37m lối đi tại 99 Ng.Q (phía trong) trị giá 470.268.000đ và được sở hữu phần tài sản trên đất gồm: 01 nhà xây cấp 4 và bếp + nhà vệ sinh trị giá tiền bằng 32.708.000đ, tổng cộng bằng 503.268.000đ; ông Thắng phải trả tiền chêch lệch về tài sản cho ông Tám 126.376.000đ, ông Hoà 84.256.000đ, bà Minh, bà Thư, bà An và bà Liên số tiền là 55.798.000đ.
Giao ông Sơn sử dụng 24,5 m2 đất ở tại số 99 Ng.Q (giáp đường phố Ng.Q) trị giá 269.500.000đ và được sở hữu tài sản trên gồm: 01nhà xây 03 tầng trị giá 93.817.000đ (tổng cộng bằng 363.317.000đ, ông Sơn phải trả tiền chêch lệch về tài sản cho các nguyên đơn số tiền là 76.580.000đ).
Giao ông Hoà sử dụng 51,06 m2 đất tại số 33/3 Ng.Q, trị giá 102.000.000đ và giao cho ông Hoà được sở hữu phần tài sản trên đất gồm: 01 nhà xây (gạch ba panh)+01 nhà mái lợp proximang trị giá 26.540.000đ; tổng cộng bằng 126.540.000 và ông Hoà được nhận tiền chênh lệch còn thiếu do ông Thắng trả là 84,256.000đ.
Giao ông Tám được sử dụng 28,94m2 đất ở tại số 33/3 Ng.Q trị giá 57.880.000đ và giao cho ông Tám được sở hữu tài sản gồm: 01 nhà mái lợp proximang trị giá 8.664,000đ; tổng cộng bằng 66.544.000đ. Ông Tám được nhận tiền chênh lệch do ông Thắng trả là 126.376.000đ.
(Diện tích đất giao cho các đương sự, có sơ đồ kèm theo).
Sau khi xét xử sơ thẩm lần hai ông Hòa, ông Tám, ông Thắng kháng cáo không đồng ý việc chia hiện vật của Tòa án. Ông Hòa không đồng ý giao phần đất của ông cho ông Tám.
Tại bản án DSPT số 61/2011/DSPT ngày 8/4/2011 của TAND thành phố HN có nhận định tương tự như bản án sơ thẩm, tuy nhiên do bản án sơ thẩm buộc các đương sự giao hiện vật và giá trị cùng một thời điểm nhưng vẫn buộc bên thanh toán tiền chịu lãi xuất nếu chậm thi hành án là không đúng pháp luật, từ đó quyết định:
Sửa bản án DSST số 01/2010/DSST ngày 19/10/ 2010 của TAND thị xã ST như sau:
Chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung và chia di sản thừa kế của bốn (04) nguyên đơn và các bị đơn.
- Xác nhận di sản của vợ chồng cụ Triệu và cụ My gồm 03 khối tài sản là: nhà, đất tại số 74, số 99 và số 33/3 phố Ng.Q, có tổng trị giá 1.845.280.000đ.
- Xác nhận công sức duy trì và phát triển di sản: của vợ chồng ông Thắng, bà Lý là 36.933.000đ; của vợ chồng ông Sơn, bà Cúc là 103.817.000đ; của vợ chồng ông Tân, bà Hải là 20.640.000đ; của vợ chồng ông Hoà, bà Cầm là 27.598.000đ; của vợ chồng ông Tám là 10.000.000đ (tổng cộng là 198.988.000, nên trị giá di sản của cụ Triệu, cụ My là 1.646.292.000đ).
- Xác nhận thời điểm mở thừa kế cụ Triệu là tháng 9/2001, di sản thừa kế của cụ Triệu chia theo luật cho chín người con.
- Xác nhận di sản cụ My là tài sản chung của chín người con.
Chia thừa kế và chia tài sản chung cho chín người con, mỗi người được hưởng bằng giá trị là 182.920.000đ.
Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn gộp chung bốn kỷ phần thừa kế và hưởng bằng hiện vật (4 kỷ phần có giá trị 731.680.000đ).
- Gia đình ông Thắng được hưởng giá trị: kỷ phần chia thừa kế và chia tài sản chung, công sức duy trì di sản và phát triển di sản là 219.853.000đ.
- Gia đình ông Tân được hưởng giá trị kỷ phần chia thừa kế, chia tài sản chung, công sức duy trì và phát triển di sản là 203.560.000đ.
- Gia đình ông Sơn được hưởng giá trị kỷ phần chia thừa kế, chia tài sản chung, công sức duy trì và phát triển di sản là 286.737.000đ.
- Gia đình ông Hoà được hưởng giá trị kỷ phần chia thừa kế, chia tài sản chung, công sức duy trì và phát triển di sản là 210.518.000đ.
- Gia đình ông Tám được hưởng giá trị kỷ phần thừa kế, chia tài sản chung và duy trì di sản là 192.920.000đ.
* Chia hiện vật:
- Giao cho bốn bà: quyền sử dụng chung diện tích 45m2 đất ở tại số 74 phố Ng.Q và quyền sở hữu chung những tài sản có trên đất được giao gồm 1 bếp, 1 nhà vệ sinh; tổng trị giá 505.640.000đ và nhận thanh toán chênh lệch giá trị do các gia đình ông Thắng, gia đình ông Sơn và gia đình ông Tân thanh toán. Cụ thể: gia đình ông Thắng thanh toán 55.798.000đ; gia đình ông Sơn thanh toán 76.580.000đ; gia đình ông Tân thanh toán 93.622.000đ.
- Giao ông Tân quyền sử dụng diện tích đất là 25m2 tại 74 Ng.Q và sở hữu tài sản có trên đất, có tổng trị giá 297.222.000đ, nhưng phải thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho bốn bà là các nguyên đơn số tiền là 93.662.000đ.
- Giao ông Thắng quyền sử dụng 68m2 đất (gồm 59,63m2 đất ở và 8,37m2 đất lối đi) tại số 99 phố Ng.Q (phía trong) và quyền sở hữu những tài sản có trên đất được giao gồm 1 nhà xây cấp 4, 1 bếp + vệ sinh, tổng trị giá 503.268.000đ; thanh toán chênh lệch tài sản cho 4 nguyên đơn là 55.798.000đ, thanh toán cho ông Hoà là 84.256.000đ và thanh toán cho ông Tám 126.376.000đ.
- Giao ông Sơn quyền sử dụng 24,5m2 đất ở tại số 99 phố Ng.Q, (giáp đường phố Ng.Q) và quyền sở hữu tài sản có trên đất được giao là một nhà xây 3 tầng, tổng trị giá 363.317.000đ; thanh toán chênh lệch tài sản cho bốn nguyên đơn là 76.580.000đ.
- Giao ông Hoà quyền sử dụng 51,06m2 đất ở tại 33/3 phố Ng.Q và sở hữu tài sản có trên đất được giao là 1 nhà xây gạch + 01 nhà lợp proximang, tổng trị giá 126.540.000đ; được nhận chênh lệch giá trị tài sản do ông Thắng thanh toán là 84.256.000đ.
- Giao ông Tám quyền sử dụng 28,94m2 đất tại 33/3 phố Ng.Q và sở hữu tài sản có trên đất được giao là 01 nhà lợp proximang, tổng trị giá 66.544.000đ; được nhận chênh lệch giá trị tài sản do ông Thắng thanh toán là 126.376.000đ.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Hòa khiếu nại không đồng ý giao đất tại 33/3 Ng.Q cho ông Tám vì ông Tám không có yêu cầu đến đây ở. Mặt khác tại biên bản hòa giải ngày 3/6/2009, 4 bà nguyên đơn thừa nhận khi cha mẹ còn sống có nói cho vợ chồng ông Hòa nhà đất tại 33/3 Ng.Q, phần đất này ông đã ở đây từ năm 1973 đến nay đã gần 40 năm.
Ông Tám khiếu nại không đồng ý giao đất tại 74 Ng.Q cho nguyên đơn, đất này ông đã được cha mẹ cho ở đến nay đã gần 50 năm, ông không đồng ý đến nhận đất của ông Hòa tại 33/3 Ng.Q theo quyết định của bản án phúc thẩm.
Sau đó, bản án DSPT nêu trên đã bị kháng nghị, đề nghị cấp giám đốc thẩm xét xử hủy bản án DSPT và bản án DSST để xét xử sơ thẩm lại với nhận xét (trích) như sau:
…Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chia thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của cụ Triệu, chia tài sản chung đối với tài sản của cụ My là đúng. Tuy nhiên, về cách chia hiện vật là chưa phù hợp, vì chia cho ông Tân được sử dụng diện tích đất 25m2 tại 74 Ng.Q, chia cho ông Tám phần diện tích đất 28,94m2 tại số 33/3 phố Ng.Q, nhưng theo Quyết định số 58/2009/QĐ-UB ngày 30/3/2009 của UBND thành phố HN quy định về hạn mức đất được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố HN phải có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 30m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên. Căn cứ kết quả xác minh tại cơ quan Tài nguyên Môi trường thị xã ST ngày 28/3/2014, thì nếu việc phân chia đất cho các đương sự không phù hợp diện tích theo quy định trên của UBND thành phố, nhưng các đương sự vẫn có quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung một thửa, thì vẫn được chấp nhận. Thực tế, đất của các cụ không rộng, ai cũng có nhu cầu sử dụng và một số người con đã đang trực tiếp sử dụng đất. Lẽ ra, phải giải thích để các đương sự thương lượng việc phân chia đất, nếu ai cũng có nhu cầu sử dụng thì vẫn phải chia và chỉ có quyền đề nghị cấp chung tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu các đương sự không đồng ý thì phải chia đất theo đúng quy định của UBND thành phố HN. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ những nội dung trên nhưng vẫn chia đất cho các đương sự, có người không đủ điều kiện để cấp riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa phù hợp.
Căn cứ kết quả làm việc với Cơ quan thi hành án thị xã ST và đại diện UBND phường Ng.Q, thị xã ST ngày 28/3/2014, thì phần đất 28,94m2 tại 33/3 phố Ng.Q chia cho ông Tám, nhưng thực tế phần đất này ông Hòa đã chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Hằng 24m2 từ ngày 25/5/2008 (giấy tờ viết tay), bà Hằng đã đóng thuế nhà đất từ năm 2009, hiện bà Hằng đang quản lý và sử dụng phần nhà đất này, nên Thi hành án không thể giao phần đất này cho ông Tám theo bản án được. Như vậy, việc thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm là có thiếu sót, không đưa bà Hằng tham gia tố tụng để giải quyết triệt để vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trao đổi, bình luận
Tại các lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm đều chưa nghiên cứu toàn diện các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề thời hiệu khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, mà chỉ đơn thuần căn cứ vào thời điểm mở thừa kế để xác định di sản của cụ My hết thời hiệu khởi kiện, dẫn đến dù phải trải qua các lần xét xử khác nhau nhưng việc áp dụng pháp luật vẫn chưa bảo đảm chính xác.
Khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất, Tòa án hai cấp đều xác định phần di sản của cụ My đã hết thời hiệu khởi kiện. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ hai và quyết định kháng nghị đều xác định di sản của cụ My đã được chuyển thành tài sản chung dù trong quá trình thương lượng, tự hòa giải, các thừa kế không đề cập, không thỏa thuận chuyển khối di sản của hai cụ thành tài sản chung của các thừa kế.
Tại biên bản ngày 20/7/2008 cũng không có nội dung thể hiện là các đương sự thỏa thuận chuyển khối di sản của cụ My thành tài sản chung của các thừa kế. Biên bản này chỉ ghi nhận nội dung các đương sự đã tự hòa giải, thống nhất cách thức phân chia di sản của hai cụ. Do đó, việc xác định di sản của cụ My chuyển thành tài sản chung là không phù hợp với ý chí của đương sự, không đúng với những gì đã diễn ra với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Nghiên cứu diễn biến quá trình các đương sự tranh chấp, thỏa thuận thì thấy trước khi khởi kiện có hai lần các đương sự thỏa thuận về khối tài sản của hai cụ. Lần thứ nhất là ngày 25/4/2001 (khi cụ Triệu còn sống). Bản thỏa thuận có nội dung là để cho năm người con trai sử dụng tài sản của hai cụ, nhưng không có sự tham gia, không có ý kiến của cụ Triệu, không có chữ ký của cụ Triệu tại biên bản là xâm phạm đến quyền lợi của cụ Triệu.
Bản thỏa thuận lần thứ hai là ngày 20/7/2008, sau khi cụ Triệu chết. Các đương sự (cả chín thừa kế) cùng nhau thương lượng, hòa giải và cuối cùng đã thống nhất cách phân chia khối di sản của hai cụ theo hướng năm người con trai được sử dụng, sở hữu ba khối di sản của hai cụ và mỗi người bỏ ra năm mươi triệu (tổng cộng hai trăm triệu) cho bốn bà con gái, chứ không thỏa thuận chuyển khối di sản thành tài sản chung. Thỏa thuận này là tự nguyện, không xâm phạm đến quyền lợi người khác, không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Tuy nhiên, những người con trai của hai cụ đã không tự nguyện thực hiện thỏa thuận và cũng chưa có cơ chế để thỏa thuận đó có hiệu lực cưỡng chế thi hành khi không tự nguyện thực hiện thỏa thuận nên dẫn đến tranh chấp, các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế.
Thỏa thuận ngày 20/8/2008 là một tài liệu, chứng cứ quan trọng, nhưng việc đánh giá, sử dụng tài liệu, chứng cứ đó như thế nào cho đúng với bản chất của sự việc và áp dụng chính xác các quy định của pháp luật dân sự là điều cần nghiên cứu, trao đổi thận trọng.
Qua theo dõi thực tiễn giải quyết quan hệ thừa kế, hoặc liên quan đến di sản thừa kế, hiện nay, nhiều Thẩm phán khi tiếp nhận, giải quyết yêu cầu phân chia tài sản là di sản thừa kế thường chỉ nhìn nhận ở phạm vi rất hẹp, có trường hợp cũng không chú ý đến thời hiệu. Khi xem xét vấn đề thời hiệu cũng thường chỉ chú ý thời hạn 10 năm kể từ khi mở thừa kế. Sau khi có nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì Thẩm phán mới chú ý đến việc khối di sản đó có chuyển hóa thành tài sản chung hay không. Nhưng đồng thời cũng xuất hiện trường hợp nhận thức chưa thật đúng là không chia thừa kế được thì chia tài sản chung; không xem xét một cách toàn diện các vấn đề có liên quan, đặc biệt những trường hợp khi khởi kiện đã quá 10 năm.
Theo tác giả để có thể xác định đúng quan hệ tranh chấp thì trước hết phải xem xét quan hệ gần gũi, trực tiếp là quan hệ thừa kế và tất cả các quy định có liên quan đến thời hiệu khởi kiện. Đặc biệt nếu nhận thấy kể từ khi mở thừa kế cho đến thời điểm khởi kiện đã quá 10 năm, thì lại càng phải quan tâm kiểm tra xem trong vụ án có căn cứ nào cho phép “kéo dài” thời gian khởi kiện chia thừa kế hay không, như: có thuộc trường hợp thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện không, có căn cứ nào để áp dụng trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện không…? Nếu có căn cứ xác định thuộc một trong trường hợp nói trên thì phải chỉ ra các căn cứ trong hồ sơ, viện dẫn các quy định pháp luật tương ứng để xác định quan hệ pháp luật phải giải quyết vẫn là quan hệ tranh chấp thừa kế. Nếu không thuộc trường hợp trên thì cần xem có chuyển hóa từ di sản thừa kế sang tài sản chung của các thừa kế hay không.
Muốn kết luận phần di sản nào đó trong vụ án trở thành tài sản chung của các thừa kế phải dựa trên căn cứ có ý nghĩa cốt lõi là: căn cứ vào sự thống nhất ý chí và thể hiện ý chí của tất cả các thừa kế có quyền hưởng di sản đó. Khi tất cả các thừa kế có quyền hưởng di sản thống nhất thỏa thuận chuyển khối di sản đó thành tài sản chung thì mới có thể xác định khối di sản thành tài sản chung.
Sự thống nhất thỏa thuận của các thừa kế được thể hiện dưới những hình thức nhất định và trở thành chứng cứ của vụ án.
Như phần trên đã phân tích, với tài liệu trong hồ sơ và căn cứ vào chính chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm dựa vào để đưa ra kết luận thì tác giả thấy việc Tòa án các cấp xác định phần di sản của cụ My là tài sản chung của các thừa kế là không đúng, đã phạm các sai lầm cơ bản sau:
Một là: trong vụ án này, các đương sự không thỏa thuận khối di sản của hai cụ hoặc phần di sản của cụ My chuyển thành tài sản chung, mà các thừa kế chỉ thỏa thuận cách thức phân chia di sản của cả hai cụ. Như vậy, di sản của cụ Triệu, di sản của cụ My không thể tự nhiên thành tài sản chung của các thừa kế hoặc tài sản chung của bất kỳ ai. Kết luận của các cấp Tòa án rõ ràng chưa đúng với thực tế, không phù hợp với thỏa thuận của các thừa kế và chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án.
Hai là: từ việc xác định phần di sản của cụ My được chuyển thành tài sản chung của các thừa kế chỉ là kết luận chủ quan của Hội đồng xét xử, không dựa trên căn cứ pháp lý nào dẫn đến sẽ không thể lý giải được dựa vào đâu để chia đều phần di sản của cụ My cho các thừa kế.
Nếu biện luận rằng dựa vào thỏa thuận ngày 25/4/2001, thì trong thỏa thuận này các thừa kế chỉ giao cho năm người con trai sử dụng 3 khối tài sản là nhà đất, thuộc di sản của cả hai cụ, chứ không phải chỉ có phần di sản của cụ My. Điều quan trọng là khi đó cụ Triệu còn sống mà không có ý kiến của cụ và như trên đã phân tích thỏa thuận đó không có giá trị pháp lý. Xét về cả nội dung thỏa thuận lẫn giá trị pháp lý đều chưa đủ cơ sở để coi thỏa thuận đó là căn cứ xác định di sản của cụ My được chuyển thành tài sản chung.
Nếu coi thỏa thuận ngày 20/7/2008 là căn cứ để xác định các thừa kế đã thỏa thuận chuyển di sản thành tài sản chung, thì không chỉ phần di sản của cụ My mà di sản của cả hai cụ đều chuyển thành tài sản chung. Vì bản thỏa thuận đó đã định đoạt toàn bộ khối di sản cùng theo một phương thức. Như vậy quyết định của các bản án là tự mâu thuẫn nhau, khi căn cứ pháp luật thừa kế để phân chia phần di sản của cụ Triệu, căn cứ quyền về tài sản chung để phân chia phần di sản của cụ My. Khi xử lý theo hướng đó, quyết định trong bản án sơ thẩm và phúc thẩm xuất hiện tiếp một mâu thuẫn mới, đó là trong bản thỏa thuận ngày 20/7/2008 không có nội dung nào xác định mỗi thừa kế có quyền sở hữu, sử dụng ngang nhau phần di sản của cụ My khi chuyển thành tài sản chung.
Trong bản thỏa thuận, các thừa kế của hai cụ đã xác định rất rõ quyền tài sản của mỗi thừa kế trong toàn bộ khối di sản của hai cụ là không bằng nhau. Năm người con trai hưởng phần lớn khối di sản của hai cụ, mỗi bà chỉ được hưởng 50.000.000đ. Như vậy thì logic tiếp theo khi Tòa án đã xác định phần di sản của cụ My chuyển thành tài sản chung thì buộc Tòa án phải xác định phần quyền của mỗi thừa kế trong khối tài sản chung đã được xác định đúng như các thừa kế đã thỏa thuận, nên việc Tòa án các cấp xác định quyền hưởng giá trị bằng nhau cho các thừa kế phần di sản của cụ My là không có căn cứ.
Tuy thỏa thuận ngày 20/7/2008 không phải là căn cứ xác định di sản chuyển thành tài sản chung, nhưng dưới góc độ pháp lý thỏa thuận ngày 20/7/2008 của các thừa kế lại rất có giá trị, vì nội dung của thỏa thuận cho thấy các đương sự trong vụ án này không chỉ thừa nhận quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong quan hệ thừa kế, mà còn tiến một bước cao hơn trong việc tự giải quyết mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữ các thừa kế đó là đã tự hòa giải, thỏa thuận việc phân chia lợi ích giữa các thừa kế. Do đó, bản thỏa thuận này phù hợp với một tình huống về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đã được dự liệu tại điểm c khoản 1 Điều 162 BLDS năm 2005 đó là: “các bên đã tự hòa giải với nhau”.
Như vậy, căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 162, căn cứ biên bản tự thỏa thuận, hòa giải ngày 20/7/2008 thì phải xác định vụ án này thuộc trường hợp áp dụng quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Theo quy định tại khoản 2 Điều 162 thì: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này”. Ngày 20/7/2008 các thừa kế lập biên bản tự thỏa thuận, hòa giải thì thời điểm để xác định ngày bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của vụ án này là ngày 21/7/2008.
Theo quy định tại Điều 645 BLDS năm 2005 thì: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Căn cứ vào các quy định nói trên của pháp luật thì tính đến ngày 22/7/2018 vụ án này mới hết thời hiệu khởi kiện. Do đó, ngày 26/10/2008, các nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ My, cụ Triệu là còn trong thời hiệu khởi kiện. Lẽ ra, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án vừa phải áp dụng điểm c khoản 1 Điều 162 BLDS, vừa phải áp dụng các quy định về chia thừa kế theo pháp luật trong BLDS để phân chia di sản của cả hai cụ theo pháp luật thì mới đúng.
Từ các phân tích trên có thể thấy, có những quy định của pháp luật chưa được các cấp Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật nghiên cứu, áp dụng; đây là mắt xích yếu nhất của các cơ quan chức năng trong việc áp dụng pháp luật của vụ án này, cũng như một số trường hợp tương tự.
Tưởng Duy Lượng – Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao