Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người lao động bị tai nạn lao động

  • Thực hiện: Thùy Linh
  • 22/07/2019

Câu hỏi: Trước đây, tôi làm việc tại xí nghiệp may công nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội. Cách đây mấy tháng, trên đường đi làm tôi vẫn hàng ngày đi thì tôi bị tai nạn giao thông. Sau khi ra viện, tôi được xác định tỷ lệ thương tật là 40% nên không thể làm thợ cắt may được nữa. Nay xí nghiệp tôi đang thiếu kế toán nên muốn tôi làm vị trí đó. Xin hỏi tôi có được hỗ trợ để học một khóa kế toán không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

Căn cứ theo Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

…c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

Căn cứ theo quy định trên anh/chị đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động vì anh/chị bị tai nạn giao thông trên đường đi làm mà thường ngày hay đi và được kết luận suy giảm khả năng lao động 40%.

  1. Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề sau tai nạn lao động

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 37/2016/NĐ-CP về điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.

- Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên;

- Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới phù hợp với sức khỏe và nguyện vọng nhưng công việc đó cần phải được đào tạo để chuyển đổi.

Như vậy, trường hợp của anh/chị bị suy giảm khả năng lao động 40% và được xí nghiệp may sắp xếp công việc kế toán phù hợp với sức khỏe và nguyện vọng và công việc kế toán này cần phải tham gia một khóa học đào tạo nghiệp vụ thì anh/chị đủ điều kiện để được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

  1. Mức hỗ trợ và thầm quyền hỗ trợ:

Căn cứ theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định như sau: 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức hỗ trợ cho từng đối tượng nhưng không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở.

Như vậy, mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí cho khóa học và tối đa là 15 lần mức lương cơ sở ( tương đương 22.350.000 đồng).

  1. Hồ sơ hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề. ( Điều 9 Nghị định 37/2016/NĐ-CP)

+ Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

+ Bản sao chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.

  1. Thủ tục nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề. ( Điều 10 Nghị định 37/2016/NĐ-CP)

Bước 1: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định tại cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.