Dưới ánh nắng chói chang của những ngày đầu hạ, chị tôi với khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi bế đứa con 2 tuổi vào phòng xử án. Sự mệt mỏi không che lấp được ánh mắt tràn đầy vẻ âu yếm, trìu mến mỗi lần nhìn con. Một tiếng sau, phiên tòa kết thúc, chị tôi ôm con ra, buồn bã nói trong tiếng thở dài: " Vậy là xong rồi, em ạ”.
Tôi vẫn nhớ còn nhớ như in lần đầu chị kể, chỉ vì tin lời anh ta hứa hẹn một cái kết viên mãn cho cuộc tình này, chị đã trót mang thai. Nào ngờ, không lâu sau đó anh ta trở mặt với lý do cái thai chị mang bị dị tật bẩm sinh và chối bỏ trách nhiệm của người cha. Chị tôi đã buộc phải làm một hành động "xưa nay hiếm" ở nông thôn: kiện đòi xác nhận cha cho con. Còn bị đơn là anh L - người đàn ông mà chị từng yêu say đắm bằng cả tấm chân tình. Khi nhận được đơn kiện của chị tôi, Tòa án nhân dân huyện đã mở phiên tòa dân sự, xét xử công khai việc "xác định cha cho con".
Nhớ ngày ấy, hai người yêu nhau nhưng lại bị gia đình nhà trai kịch liệt phản đối vì cho rằng chị tôi chỉ là người tỉnh lẻ và gia đình lại nghèo khó. Giữa lúc đó, chị tôi phát hiện ra mình có thai, lo lắng rối bời nhưng chị cũng khấp khởi hy vọng vì đứa bé, gia đình bạn trai sẽ chấp nhận cho chị và người yêu được nên duyên hạnh phúc. Chị càng yên tâm hơn với lời hứa “chắc như đinh đóng cột” của người yêu rằng anh ta sẽ thuyết phục bố mẹ và có trách nhiệm với chị, với con anh ta mà chị đang mang trong bụng. Nhưng đau đớn cho chị, khi cái thai đã đến tháng thứ 6, sau khi khám sàng lọc chị phát hiện ra thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Thế rồi từ lúc đó, thái độ của người yêu đối với chị cũng khác hẳn, dần dần không quan tâm và xa lánh chị. Ngay sau khi chị sinh, biết con bị mù bẩm sinh, anh ta càng hắt hủi ra mặt, một mực phủ nhận mình là tác giả và cắt toàn bộ liên lạc với chị. Nuôi con trong tủi phận, bị ruồng rẫy, nhưng vì con, một lần nữa chị tôi lại nhẫn nhịn đề nghị anh ta cùng đi làm giấy khai sinh cho con có đủ cả cha lẫn mẹ. Nhưng lần này, “gã họ Sở” một mức khước từ, buộc chị phải "khai họ mẹ cho con". Cũng từ đó, anh ta chính thức công khai có người yêu mới.
“Đau xót lắm chứ! Mới ngày nào còn tình cảm sâu đậm là vậy mà nay như người dưng nước lã, phải kéo nhau ra tòa như thế này.” Lần triệu tập thứ nhất, anh L bị đơn vắng mặt không chịu hợp tác để xét nghiệm ADN. Đến lần triệu tập thứ hai, vì lo sợ vụ việc trở nên ầm ĩ anh ta đã hợp tác xét nghiệm ADN. Sau khi cầm trên tay kết quả xác nhận huyết thống cha con của bị đơn và con của nguyên đơn thì Tòa án công nhận anh L là cha của đứa bé. Bên cạnh đó, bị đơn có nghĩa vụ cấp dưỡng là 2 triệu đồng/tháng cho đến khi đứa bé tròn 18 tuổi. Chắc ai đó đã khuyên nhủ hoặc anh ta cũng đã nhận ra được phần nào hành động sai trái, vô đạo đức của mình nên sau đó anh ta không kháng cáo quyết định của Tòa huyện lên cấp phúc thẩm, và thế là bản án sơ thẩm của Tòa huyện có hiệu lực pháp luật, được thi hành theo quy định.
"Chẳng ai muốn đòi lại công bằng cho con mình với chính cha của nó thông qua một bản án như thế này cả! Chị chỉ muốn làm cho rõ trắng đen để trả lại danh dự cho chị cũng như buộc người cha đó phải có trách nhiệm với chính con mình... nên mới khởi kiện ra tòa. Nhưng chắc chỉ có tòa án lương tâm mới có thể xét xử được anh ta và chỉ có lương tâm anh ta mới biết được mình đang đánh mất đạo đức của chính mình". Chị trải lòng khi biết mai mốt đây, con chị sẽ có đủ tên cả bố và mẹ trên giấy khai sinh.
Bất kỳ đứa trẻ nào lớn lên đều có quyền được nhận cha, mẹ của mình, có quyền được tìm về nguồn cội của mình dù cha mẹ chúng không tồn tại quan hệ hôn nhân....
******************
Theo Khoản 2, Điều 101 và Khoản 2, Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Cha, mẹ, con có quyền yêu cầu xác định con, cha mẹ cho mình và Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp…
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.