Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Giải thoát

  • Thực hiện: Thùy Linh
  • 28/10/2018

 “Tâm trí cô đang để đâu, cô định đốt nhà tôi hả?” Người đàn ông gầm lên một tiếng giận dữ kèm theo một loạt các âm thanh chói tai và tiếng bát đũa rơi loảng xoảng xuống đất.

Cả xóm này đã quá quen với tiếng chửi vợ om sòm của Tiến rồi nên chẳng ai dám căn ngăn vì hễ ai ngăn là hắn chửi và dọa đánh. Tiếng hàng xóm xì xào, một phụ nữ nói: “Dạo này tôi thấy cô Lan bệnh như nặng hơn! Còn chẳng nhận ra ai ngoài đường nữa, cứ lủi thủi đi một mình”. “Tiến ơi! Mày đừng đánh vợ mày nữa. Nó đã đủ khổ rồi.”. “Bố ơi! Bố đừng đánh mẹ nữa!”. Tiếng Hương, mẹ ruột của Lan và con Lan can ngăn. Người ngoài, người trong nhà gào khóc trong vô vọng vì mẹ già, con nhỏ không biết phải làm gì để cứu Lan khỏi những trận đòn. Người đàn ông thấy thế hung hằng bỏ đi, đứa bé liền chạy vào ôm lấy người phụ nữ đang ngồi co ro một góc, đầu tóc bù xù, môi bật cả máu, mặt và tay chân vô số vết bầm tím.

Người phụ nữ kia là chị Lan, vốn xinh đẹp, nết na, thùy mị nhất làng. Đến tuổi lấy chồng, chị bén duyên với một anh làm nghề mộc làng bên, có tiếng hay ghen. Cứ mỗi lần lên cơn ghen là anh ta thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chị. Hạ sinh đứa đầu lòng là con gái, chị chịu thêm nhiều trận đòn hơn vì tâm lý mong có con trai nối dõi của chồng. Đứa con thứ 2 của chị khi được bác sĩ báo là con gái đã làm sự tức giận trong chồng lên đến tột đỉnh. Trận đánh sau đó làm chị mất con và mất luôn khả năng sinh nở. Suy nghĩ, vật vã, đau đớn, chị rơi vào khủng hoảng trầm trọng và không kiểm soát được hành vi.

Trước kia, sau những trận đòn của chồng, những lúc tỉnh táo, đã vài lần chị tâm sự với mẹ về mong muốn ly hôn với gã chồng vũ phu, nhưng chị chưa dám quyết, phần vì thương con và  phần vì e ngại điều tiếng của hàng xóm láng giềng. Hơn nữa, cứ mỗi lần nói đến hai từ ly hôn là chị bị chồng đánh tím cả mặt mày, vết thương cũ chưa lành đã có thêm vết thương mới, từ đó trong nhà chị không còn ai dám nhắc đến việc ly dị nữa. Bà Hương cũng đã từng khuyên con gái nín nhịn, chăm lo cho gia đình là trên hết. Thế nhưng giờ đây khi những trận đòn trở thành “cơm bữa”, con gái bà thì có dấu hiệu tâm thần nặng, nhiều lúc không nhận thức, làm chủ được hành vi. Bà đau lòng như xé từng   khúc ruột.

Bà đau đáu ước muốn giải thoát cho con mình, giúp con thực hiện mong muốn ly hôn và sống cuộc sống yên bình hơn. Không thể để con bà sống cuộc sống chèn ép, chịu đòn roi, tủi nhục thêm một ngày nào nữa, bà quyết chuyến này lên xã để tìm con đường đi cho chính con mình.


 - Theo khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

- Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng là một trong các hành vi bạo lực gia đình.

- Theo Điều 3 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm: phạt cảnh cáp, phạt tiền tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức.