Cộc, cộc, cộc, tiếng gõ cửa liên hồi, tôi loay hoay mang chân giả ra mở cửa, miệng lẩm bẩm hôm nay không bán hàng mà lại có người đến hỏi. Bên ngoài cửa khá ồn ào, rồi một giọng nói nghiêm nghị vang lên: “Đội quản lý thị trường đây, đề nghị phòng 105 mở cửa để chúng tôi làm nhiệm vụ”. Giật bắn người, tôi gọi với lên chị Hoa đang ngồi làm giá cho đống quần áo mới nhập nói: “Chị Hoa ơi, hình như người ta đến kiểm tra phòng mình…làm sao bây giờ ạ?”. Chị Hoa cũng hốt hoảng, đứng vụt dậy, cuống quýt mở cửa không giấu được vẻ sợ sệt.
Mấy hôm trước, đội quản lý thị trường tiến hành kiểm tra bất ngờ một số cửa hàng đang kinh doanh trong khu vực. Chúng tôi không có cửa hàng mà tận dụng chính căn phòng trọ vẻn vẹn 20 mét vuông để vừa ở vừa bán hàng. Hàng lấy về theo yêu cầu của khách hàng rồi giao tận nhà cho họ. Việc buôn bán chỉ thông qua mạng internet. Đôi khi có một vài khách đến nhưng chỉ để thử một số mẫu hàng hoặc để lấy hàng. Phòng không có biển hiệu gì nhưng thông qua tìm hiểu, đội quản lý trật tự cũng kiểm tra phòng tôi.
Đầu tiên, họ hỏi thông tin cá nhân của hai chị em. Tôi là sinh viên đại học, hàng tháng ngoài nhận khoản tiền trợ cấp cho người khuyết tật, tôi bán hàng với chị Hoa để có thêm thu nhập. Dù nghe loáng thoáng bán hàng không rõ nguồn gốc là sẽ bị kiểm tra nhưng do nhiều người vẫn làm nên chị em tôi cũng muốn kiếm chút tiền. Hơn nữa, với số vốn ít ỏi chúng tôi cũng chỉ nhập được hàng tại các chợ đầu mối nên chẳng có giấy tờ, hóa đơn nào có giá trị bảo đảm. Thấy chúng tôi cứ lóng ngóng, một người đứng ra nói: “Đề nghị cung cấp giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc của số hàng hiện có?”. Hai chị em tôi chỉ còn mấy tờ hóa đơn mua bán lẻ lúc mua hàng ở khu chợ đầu mối. Lô hàng hơn 3 triệu mà chỉ viết vỏn vẹn có hai dòng nên không được chấp nhận. Sau khi kiểm tra phòng, họ chụp hình số áo quần vừa nhập và ghi vào biên bản. Thấy không khí căng thẳng, chị Hoa nhỏ nhẹ trình bày: “Thưa cán bộ, chúng em không buôn to bán lớn, cũng không có cửa hàng kinh doanh, chỉ có 20 mét vuông vừa sống vừa tận dụng để hàng. Việc bán hàng chủ yếu qua mạng nên không ổn định, ngày bán được, ngày không. Về việc quần áo chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, cũng không giấu gì các anh, em cũng phải đi nhập lại của người ta nên mới không có hoá đơn VAT hay hợp đồng, mong các anh chị thông cảm cho lần đầu. Từ sau chúng tôi sẽ nhập hàng có giấy tờ cẩn thận.” Đội quản lý trật tự ra về, họ gửi giấy hẹn cho chúng tôi, 5 ngày sau cần cung cấp đủ giấy tờ cho lô hàng mới nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đúng là phòng trọ của tôi không có nhiều quần áo nhưng việc mua bán vẫn diễn ra. Công việc hàng trên mạng xã hội đang tràn lan không riêng gì chị Hoa và tôi. Cái khó là tôi không thể xuất trình được hóa đơn giá trị gia tăng khi nhập hàng vì chúng tôi cũng là nhập qua nhiều người, nhiều nguồn với giá cả thấp nhất. Hai chị em chúng tôi sẽ phải quyết định hoặc tạm dừng việc buôn bán hoặc tiếp tục nhưng sẽ phải nhập hàng có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp. Đêm đã khuya mà hai chị em vẫn trằn trọc vì lo lâu, trăn trở trước những lựa chọn nhưng có lẽ không thể kéo dài việc buôn bán kiểu này được nữa vì thật bấp bênh, nếu bị phạt thì coi như “nước lã ra sông” hết!
Điểm c Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ- CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị xử phạt mức thấp nhất từ 200.000 đồng đến cao nhất là trên 40 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm.
Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, khi nhập hàng, bạn phải lấy hóa đơn thanh toán, bằng chứng giao dịch và xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.