Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Điều đó cũng bác bỏ những ý kiến sai trái cho rằng Nhà nước ta thiếu quan tâm đến quyền con người.
Thực vậy, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) chỉ rõ: “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển”[1]. Mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân. Chính sách xã hội bao trùm trên mọi mặt của đời sống con người, như: điều kiện lao động, sinh hoạt, giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe… và luôn gắn chặt, phụ thuộc rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế, bản chất chính trị - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc.
Chính sách xã hội và quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ. Thực hiện tốt chính sách xã hội là một trong những bảo đảm quan trọng về quyền con người ở nước ta. Bởi, quyền con người luôn gắn bó mật thiết với các quyền cơ bản của dân tộc, với quyền công dân; phụ thuộc vào các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, dân tộc. Đảng ta xác định: "Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết tham gia"[2]. Thực hiện chính sách xã hội chính là quá trình cụ thể hóa quyền con người đã được ghi nhận và bảo vệ trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước cũng như các thỏa thuận pháp lý quốc tế[3]. Thông qua chính sách xã hội mà quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bảo đảm ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn, góp phần tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cùng với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết vấn đề xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm toàn diện và tốt hơn quyền con người; khẳng định mục tiêu chính sách xã hội là nhằm xây dựng và phát triển con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước. Với nhận thức đó, trong những năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực xã hội; nguồn lực đầu tư được tăng cường và đa dạng hóa; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách xã hội, chăm lo cho con người, tạo động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn
Nhìn lại 30 năm đổi mới, có thể nhận thấy, chính sách xã hội ở nước ta được triển khai tích cực, toàn diện, với hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, ngày càng hoàn thiện; phản ánh tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trong việc chăm lo cho con người.
Thứ nhất, các chính sách về lao động và việc làm của Nhà nước đã chuyển biến theo hướng ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ luật Lao động ban hành năm 1994 được sửa đổi nhiều lần (2002, 2006, 2007, 2012) đã tạo hành lang pháp lý cho việc hoàn thiện các tiêu chuẩn lao động, thiết lập quan hệ lao động giữa các chủ thể, điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến quan hệ lao động, như: hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động, đình công, v.v. Việc xây dựng, triển khai thực hiện Luật Việc làm và Chương trình việc làm công đã góp phần định hướng nghề nghiệp, ổn định và phát triển thị trường lao động ở Việt Nam. Bình quân mỗi năm, nước ta đã tạo ra được từ 1,5 đến 1,6 triệu việc làm mới. Chất lượng lao động qua đào tạo không ngừng tăng lên, cơ cấu ngày càng phù hợp thị trường lao động. Năm 2014, lao động trong khu vực chính thức đạt trên 30% tổng số lao động.
Thứ hai, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về chính sách giảm nghèo bền vững đi đôi với khuyến khích làm giàu hợp pháp. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, những năm qua, nước ta thường xuyên chú trọng chính sách giảm nghèo đa chiều và khắc phục nguy cơ tái nghèo, nhất là đối với các huyện, xã nghèo, ở khu vực biên giới, biển, đảo còn nhiều khó khăn; thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước. Đồng thời, tiến hành điều chỉnh chuẩn nghèo theo từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ đó, thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; tỷ lệ hộ nghèo cả nước hằng năm giảm từ 1,5 đến 2%; các huyện, xã đặc biệt khó khăn giảm 4% theo tiêu chuẩn nghèo từng giai đoạn. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2014 giảm xuống còn 5,8 - 6%; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, vùng đặc biệt khó khăn dưới 3%.
Thứ ba, việc quan tâm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Hệ thống cơ sở y tế đã được hình thành trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh; hệ thống dịch vụ y tế ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng. Trong 10 năm gần đây, các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 và 20 luật liên quan đến lĩnh vực y tế, dân số, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Các chủ trương, giải pháp phát triển hệ thống y tế tương đối toàn diện, coi trọng cả về xây dựng thể chế và phát triển đồng bộ: y tế dự phòng, y học cổ truyền, quản lý thuốc, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế hiện nay là trên 70% dân số (khoảng trên 61 triệu người); phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Thứ tư, chính sách ưu đãi người có công được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ngày càng mở rộng đối tượng, mức thụ hưởng với chế độ ưu đãi toàn diện hơn. Cả nước hiện có khoảng 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp thường xuyên, với mục tiêu là bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Cùng với chính sách ưu đãi người có công, các đối tượng tham gia các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (quân nhân, thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến,…) tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách và hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Các thiết chế chăm sóc người có công, tri ân các anh hùng, liệt sĩ ngày càng hoàn thiên và được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được chú trọng, thể hiện tinh thần “Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta trong điều kiện mới.
Thứ năm, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa dạng, ngày càng mở rộng, hiệu quả. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo kết hợp với xã hội hóa, mở rộng sự chia sẻ của cộng đồng; đồng thời, phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp), khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia. Đến năm 2014, cả nước có hơn 11 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 190 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hơn 9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hệ thống an sinh xã hội không ngừng phát triển phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng huy động và cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; trong đó, ưu tiên những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách bảo trợ xã hội được xây dựng và từng bước hoàn thiện, đối tượng hưởng đa dạng, mức hưởng ngày càng nâng lên; mở rộng các hình thức cứu trợ xã hội, giảm thiểu rủi ro, v.v.
Thứ sáu, từng bước bảo đảm cung ứng với chất lượng ngày càng cao hơn một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm nhu cầu tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. Nhà nước đã quan tâm xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình xóa nhà tạm, phát triển nhà ở xã hội; xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, hôn nhân và gia đình, chăm sóc người cao tuổi, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; tăng cường đầu tư về kết cấu hạ tầng, kinh phí cho miền núi, vùng sâu, vùng xa; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các dân tộc và các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Có thể khẳng định, những thành tựu về chính sách xã hội trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Điều đó góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là những người có công, gia đình chính sách. Đồng thời, phản ánh truyền thống nhân văn của dân tộc và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa luôn lấy con người làm trung tâm, vì sự phát triển tự do và toàn diện của con người, phù hợp với điều kiện của đất nước ta trong thời kỳ đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu đó là tiền đề rất quan trọng để tạo sự đồng thuận trong xã hội, đưa nước ta ngày càng phát triển, tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường chủ nghĩa xã hội; khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều đáng chú ý là, những kết quả đạt được nói trên càng trở nên quan trọng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn (nước có thu nhập trung bình thấp). Qua đó, mới thấy hết được những cố gắng của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo đến quyền con người; đồng nghĩa với việc bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động cho rằng quyền con người ở Việt Nam không được bảo đảm. Quyền con người mặc dù mang giá trị phổ quát, nhưng việc bảo đảm quyền ấy đến đâu, đến mức độ nào còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo và phong tục tập quán… của mỗi nước, mỗi dân tộc. Vì vậy, không thể đem điều kiện của nước này để áp vào quyền con người của nước khác để so sánh và phê phán. Cách làm đó không những không phù hợp với thực tiễn và dư luận quốc tế mà còn vi phạm nhân quyền, hơn thế là quyền của một quốc gia - dân tộc. Việt Nam không phủ nhận trong thực hiện bảo đảm quyền con người còn có mặt hạn chế, nhưng xét một cách tổng thể thì mặt được, mặt ưu việt là chủ yếu.
Để bảo đảm quyền con người ở nước ta ngày càng tốt hơn, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, Trung ương 7 (khóa XI) về chính sách xã hội đến năm 2020; bám sát mọi mặt đời sống xã hội, gắn bó mật thiết với nhân dân để những thành tựu về chính sách, an sinh xã hội sẽ được tiếp tục phát huy, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện./.
Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN MINH
Cục trưởng Cục Chính sách
[1]- Nghị quyết Trung ương 5 (khoá XI), Nxb CTQG, H. 2012, tr. 68.
[2]- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 134.
[3]-Việt Nam đã tham gia 8 Công ước, 2 Nghị định thư quốc tế về quyền con người và là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.