Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Người lao động được nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương trong trường hợp nào?

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 22/04/2024

Câu hỏi: Theo tôi được biết thì ngoài những ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng năm và hàng tuần định kỳ thì người lao động còn được nghỉ trong trường hợp có việc riêng. Những ngày nghỉ việc riêng có thể vẫn được hưởng nguyên lương hoặc không lương. Vậy cụ thể trong những trường hợp này là gì? Nếu người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ đúng theo quy định thì có bị xử phạt gì không? Mong sớm được tư vấn, xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Căn cứ Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.

Như vậy, theo quy định trên thì người lao động được nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, trong đó:

* Nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau đây:

- Kết hôn: nghỉ 03 ngày.

- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày.

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

* Nghỉ không hưởng lương 01 ngày trong trường hợp:

- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết.

- Cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

- Nghỉ không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.

* Xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định?

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo đó:

Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;”

Như vậy, đối với người sử dụng lao động không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC 
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.